Sau khi Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang (Công ty Điện Quang), địa chỉ tại Lô 18, Khu công nghiệp Cái Lân - TP Hạ Long (Quảng Ninh) có hành vi “cắt tai, mài vỏ” chiếm đoạt vỏ bình gas của nhiều hãng gas khác và sản xuất lậu 4 vạn vỏ bình gas, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích hàng loạt tội danh của công ty này.
Theo luật sư Diện, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất của Công ty Điện Quang là hành vi sản xuất lậu đến 4 vạn vỏ bình gas, tung ra thị trường trục lợi. Đây là hành vi cấu thành tội danh Kinh doanh trái phép theo quy định tại Bộ luật hình sự.
Theo thừa nhận của chính bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc Công ty Điện Quang, công ty này đã sản xuất lậu 4 vạn vỏ bình gas khi chưa hề được Bộ Công thương cấp phép. Số vỏ bình gas không đạt chuẩn khổng lồ này đã được Công ty Điện Quang tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng sử dụng. Đây là một hành vi vô cùng nghiêm trọng luôn thường trực có khả năng gây rủi ro cháy nổ bất cứ lúc nào.
Điều đặc biệt nghiêm trọng là với khoảng 4 vạn vỏ bình gas được sản xuất lậu, số tiền công ty này trục lợi được vào khoảng 20 tỷ đồng. Chính vì vậy, với hành vi kinh doanh trái phép, công ty này đã trốn không có danh mục khai thuế dẫn đến nhà nước bị thất thu thuế với số lượng tiền lớn.
"Với hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng này của Công ty Điện Quang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cần thu thập căn cứ lập tức khởi tố vụ án "Kinh doanh trái phép" xử lý thật nghiêm không những để đảm báo tính thượng tôn của pháp luật mà còn để khẩn cấp bảo vệ tài sản và tính mạng của hàng nghìn hộ gia đình đang sử dụng những "quả bom gas" mà công ty này sản xuất lậu", luật sư Diện khẳng định.
Không chỉ phạm tội Kinh doanh trái phép, những "trò bẩn" của Công ty Điện Quang còn vi phạm pháp luật với nhiều tội danh khác.
Luật sư Diện phân tích: Dùng thủ đoạn "cắt tai, mài vỏ" để chiếm đoạt hàng loạt vỏ bình của các hãng gas, Công ty Điện Quang đã chiếm giữ, sử dụng trái phép vỏ bình gas, sang chiết nạp gas trái phép, kinh doanh trái phép… trên vỏ bình gas mang nhãn hiệu thuộc sở hữu của các hãng gas. Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Điện Quang còn có dấu hiệu làm thay đổi thiết kế, kết cấu, tiêu chuẩn vỏ bình gas của các hãng gas bị chiếm đoạt rồi bơm chiết gas tiêu thụ ra thị trường.
Hành vi này của Công ty Điện Quang đã đủ căn cứ cấu thành các tội danh Sản xuất hàng giả theo điều 156 BLHS và tội Sử dụng trái phép tài sản theo điều 142 BLHS cùng với việc vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hoá…
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh
"Các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang cần thiết phải được Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, truy tố để xử lý trước pháp luật nhằm ổn định an ninh, chính trị và trật tự xã hội trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích của những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh chính hãng, hợp pháp trong lĩnh vực Khí dầu mỏ hoá lỏng.
Cơ quan công an cũng cần có biện pháp ngăn chặn, tịch thu toàn bộ tài sản bất hợp pháp mà Công ty này đã sản xuất, vạch trần tội ác của nhóm trục lợi và tuyên truyền trước cơ quan công luận để người dân, người tiêu dùng biết, cảnh giác đề phòng với số "bom gas" mà công ty này đã tung ra thị trường", luật sư Diện bày tỏ quan điểm.
Điều 159 BLHS: Tội kinh doanh trái phép
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm khi hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên.
Điều 156 BLHS: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả:
Phạt tù từ ba năm đến mười năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Khoản 3 phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 142. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Phạm tội nhiều lần
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;