“Thâu tóm” SSI
Năm 2006 khi thị trường chứng khoán bắt đầu bùng nổ, Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) được xem là “lão đại” khi có vốn điều lệ “khủng” và thị phần lớn.
Ông Nguyễn Duy Hưng, với vị trí Chủ tịch HĐQT SSI cũng trở thành một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, đến năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, cổ phiếu rớt giá thảm hại, vị thế trên thị trường chứng khoán của ông Hưng cũng đi xuống.
Người ta không còn được biết nhiều đến các hoạt động kinh doanh của ông và gia đình.
Ngày 29/9/2014, Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Sài Gòn cùng có thông báo ANZ sẽ thoái toàn bộ 17,5% cổ phần, trị giá hàng nghìn tỷ đồng tại SSI.
Đây cũng chính là thời điểm ông Nguyễn Duy Hưng cùng gia đình đánh dấu sự trở lại đầy hoành tráng trên thị trường chứng khoán Việt.
Ngay sau khi thông báo về việc ANZ sẽ thoái vốn, ông Hưng cùng các bên liên quan đã có thông báo mua vào với ổng số lượng lên tới 29,3 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 8,3% vốn công ty này.
Trong đó, ông Hưng đăng ký mua 11,3 triệu cổ phiếu. Bất động sản Sài Gòn Đan Linh đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu, đây là công ty riêng của ông Nguyễn Hồng Nam (em trai ông Hưng) làm chủ tịch.
Công ty Đầu tư Đường Mặt Trời đăng ký mua 11 triệu cổ phiếu, đây là công ty do ông Nguyễn Mạnh Hùng (em trai khác của ông Hưng) làm chủ tịch.
Trước đó, gia đình ông Hưng cũng tạo được tiếng vang trong giới đầu tư chứng khoán khi liên tục “lướt sóng” SSI.
Ngày 22/9, ông Nguyễn Hồng Nam, em trai ông Hưng, Phó tổng giám đốc SSI và vợ đã chuyển nhượng 18,2 triệu cổ phiếu SSI sang công ty riêng Bất động sản Sài Gòn Đan Linh.
Đầu tháng 9, ông Hưng chuyển 294.000 cổ phiếu SSI sang công ty riêng NDH Việt Nam.
Có thể thấy, ngoại trừ thương vụ với ANZ, các thương vụ còn lại đều được diễn ra trong “nội bộ” gia đình ông Hưng. Các công ty tham gia mua bán cổ phiếu đều do anh em ông Hưng nắm giữ quyền điều hành.
Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thương niên năm 2015 của SSI, con trai ông Nguyễn Duy Hưng là Nguyễn Duy Khánh (sinh năm 1991) đã được bầu vào HĐQT, cùng cha của mình tham gia lãnh đạo công ty chứng khoán “khổng lồ” này.
“Cuộc chiến” Bibica
Người ta không chỉ biết đến ông Nguyễn Duy Hưng là một đại gia tại SSI, cuộc “so găng” giữa ông cùng các em với Lotte (một tập đoàn của Hàn Quốc) trong việc giành cổ phần tại Bibica cũng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
Cuộc "so găng" dành thị phần giữa SSI và Lotte ngày càng căng thẳng
Trong số các đơn vị đăng ký mua vào cổ phiếu SSI khi ANZ thoái vốn, cái tên Công ty CP Đầu tư Đường Mặt Trời (đăng ký mua 11 triệu cổ phiếu) đã khiến nhiều người bất ngờ.
Đây là công ty do ông Nguyễn Mạnh Hùng, em trai của ông Hưng làm chủ tịch, và rất nổi tiếng trong vụ cùng SSI giành quyền kiểm soát đối với Công ty CP Bibica trước đối tác ngoại Lotte.
Tháng 3/2015, Công ty PAN Food (do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch) đã chào mua công khai cổ phiếu BBC của Bibica, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%.
Thông tin này cho thấy, ông Hưng cùng các cổ đông nội đang quyết tâm hơn trong việc dành quyền chi phối tại doanh nghiệp này.
Hai đối trọng tại Bibica được biết đến là nhà đầu tư ngoại Lotte Confectionery và nhóm SSI. Đến nay, Lotte vẫn là cổ đông lớn nhất của Bibica với tỷ lệ sở hữu 44,03%.
Tính đến thời điểm hiện tại, PAN Food đang sở hữu 21,13% BBC. Cùng với tỷ lệ sở hữu của ABT là 3,46% và của Đường Mặt Trời là 12,31%, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại BBC khoảng 36,9%.
Sau 2 lần thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu tại BBC, PAN Food tiếp tục chào mua công khai thêm 4,6 triệu cổ phiếu BBC, tương đương 29,87% vốn điều lệ BBC.
Nếu giao dịch chào mua của PAN Food thành công, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này sẽ chiếm 51% tổng số cổ phiếu lưu hành của BBC, đồng thời cùng với các nhóm có liên quan, tỷ lệ nắm giữ của nhóm PAN Food sẽ trở nên áp đảo trước cổ đông ngoại Lotte.
Hiện, Bibica vẫn chưa chốt thời gian Đại hội đồng cổ đông thường niên, dự kiến, BBC sẽ là một trong những doanh nghiệp tổ chức đại hội muộn nhất trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đầu tư đầu tư tài chính, thời gian gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng cũng gây được sự chú ý khi quyết định “nhúng chân”vào nông nghiệp.
Hồi cuối tháng 8/2014, Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (PAN) - do ông Hưng làm Chủ tịch HĐQT đã mua thêm hơn 260.000 cổ phiếu NSC của Công ty Giống cây trồng Trung ương để nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 55% vốn điều lệ.
Lãnh đạo PAN đều là người thân của ông Hưng. Động thái này tiếp tục cho thấy con đường đầu tư vào ngành nông nghiệp mà ông Hưng và nhóm SSI đã dày công theo đuổi.
Bên cạnh những cú đầu tư nắm cổ phần chi phối ở một số DN, trong vài năm gần đây, giới đầu tư còn chứng kiến SSI của ông Nguyễn Duy Hưng thu về những khoản lời khổng lồ từ rất nhiều công ty liên kết trong những vực nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm như: HVG, SSC, LAF, GIL ...
Hiện tại, ông Nguyễn Duy Hưng vẫn là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với tài sản ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.