Công nghệ sản xuất rượu ngoại giả

Đức Anh |

(Soha.vn) - Chỉ cần vỏ chai rượu ngoại cộng với cồn công nghiệp pha chất tạo mùi, màu đã có thể cho ra được các loại rượu ngoại giá trị mà không quá tốn kém.

Công nghệ” làm rượu đơn giản này đã tạo ra hàng trăm, nghìn chai rượu ngoại vô cùng độc hại khiến cho không ít người dùng phải vào viện, thậm chí tử vong.

Vỏ rượu ngoại quay vòng qua con đường… đồng nát

Để làm được rượu ngoại trước hết phải kiếm được vỏ chai thật. Thường thì những chai rượu ngoại: vỏ xịn 100%, được các “đầu nậu” thu gom từ các cơ sở thu mua đồng nát. Hoặc các “đầu nậu” sẽ liên hệ với nhân viên của các vũ trường hay các nhà hàng lớn nơi có lượng tiêu thụ rượu ngoại ở mức cao để thu mua lại các vỏ chai này.

Chủ một cơ sở chuyên thu gom các loại vỏ chai rượu ngoại trước trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân),cho biết, những vỏ rượu ngoại được thu mua từ nhiều nơi trong nội thành Hà Nội. 

Hầu hết số vỏ rượu các hãng như Chivas Regal (12,18 năm), Johnnie Walker (Red, Black), Remy Martin, XO… được những khách quen đều đặn hàng tuần đến mua lại với giá từ 40.000 – 80.000/ vỏ chai.

Trong khi đó không khó để có thể mua được các loại tem mác của các hãng rượu nổi tiếng thế giới tại phố Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo tìm hiểu ở đây các loại nhãn, mác: Chivas Regal (12,18 năm), Johnnie Walker (Red, Black), Remy Martin… được bán tràn lan với giá khá "bèo", chỉ từ 10.000 – 50.000 đồng một chiếc.

Những mác "chất" này, chữ in được chú trọng để sao cho giống với mác xịn của hàng hiệu nhất. Như vậy nếu nhìn bằng mắt thường thì người tiêu dùng không phân biệt được tem, nhãn dán trên mỗi chai rượu này là thật hay giả. Ngay như lực lượng QLTT cũng phải có thiết bị mới giám định được tem đó là thật hay giả, đã bị quay vòng hay chưa.

Những vỏ chai đồng nát sẽ nhanh chóng thành các chai rượu “xịn” vào các bar, nhà hàng.

Theo thống kê của Ban 127 TW về đấu tranh chống rượu giả, rượu lậu, 6 tháng đầu năm 2012 các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý hơn 10 vụ sản xuất, thu giữ, tiêu huỷ hàng nghìn chai rượu giả tại nhiều địa bàn “nóng” như Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...

Hầu hết thủ đoạn của các đối tượng này là thu gom vỏ rượu ngoại, tem mác, nút chai sau đó chế rượu bằng các công nghệ tinh vi: Dùng rượu trắng cho mật ong pha vào có màu hanh vàng giống như màu rượu ngoại, rồi mua một chai rượu ngoại thật về pha chế thêm vào để có mùi vị và màu giống với rượu thật.

Nguy hiểm hơn một số “đầu nậu” sử dụng nguyên liệu là những hóa chất tạo màu, cồn công nghiệp (Methanol) và mua men rượu pha với hương liệu, axit acetic, cồn công nghiệp, nước lã rồi ủ khoảng vài ngày là thành rượu và  bơm trực tiếp vào chai.

Sau đó sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc cùng với một máy ép bằng tay với bộ khuôn và nhôm cán mỏng sơn nhũ đủ màu tùy theo loại rượu có thể cho ra lò hàng trăm nút chai rượu giả mỗi ngày.

Khó khăn trong quản lý

Theo thống kê Hiệp Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thì tỷ lệ rượu giả tại Việt Nam đã giảm từ 9,1% năm 2009 xuống 4,4 % năm 2012. 

Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam hiện có tới 70% rượu bán trên thị trường không qua kiểm duyệt. Chính các loại rượu không có nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường là nguyên nhân gây nên 42% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm nửa đầu năm nay.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết: “Tình trạng buôn bán rượu lậu, rượu giả vẫn luôn phức tạp trên bề rộng, cả quy mô và số lượng. Các “đầu nậu” không chỉ tập trung sản xuất các hãng rượu ngoại mà còn tập trung sản xuất các thương hiệu rượu của làng nghề có tiếng trong nước. Như vậy sẽ trực tiếp gây hậu quả với hầu hết vào các tầng lớp trong xã hội”.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển rượu lậu, rượu giả, ông Phạm Ngọc Hùng cho rằng: “Lực lượng chức năng cần tích cực vào cuộc, cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất cần phối hợp thông tin của các sản phẩm chính hãng, nhất là việc thẩm định đâu là rượu chính hãng, đâu là rượu giả.

Bên cạnh đó, cần xem xét biện pháp dán tem an ninh và xây dựng hệ thống phân phối đối với sản phẩm rượu sản xuất trong nước. Cần thiết phải tăng thêm mức phạt hành chính để có đủ sức răn đe cần thiết có thể truy tố hình sự. Nâng cao năng lực cũng như trang thiết bị cho các cơ quan thực thi nhằm đáp ứng được công tác chống rượu giả, rượu lậu”.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14 cho biết: “Càng đến gần dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ rượu các loại tăng mạnh thì số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều. Đây là thời điểm các đường dây từ nguồn hàng bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường. Mặc dù, lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhưng trên thực tế việc kinh doanh rượu giả, rượu lậu vẫn đang diễn ra rất phức tạp”.

Cũng theo ông Hoàng Đại Nghĩa khó khăn trong công tác chống buôn bán rượu lậu là thiếu trang thiết bị phát hiện và quan trọng hơn là không có sự hợp tác của các doanh nghiệp chủ sở hữu sản xuất rượu chính hãng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại