Thông qua lý giải về chính sách tiền tệ, TS Vũ Quang Việt, nguyên Chuyên viên cao cấp của LHQ, cho rằng chính sách của NHNN hiện nay chính là nhằm chấm dứt việc cho phép vàng trở thành phương tiện đầu cơ trong hệ thống tín dụng và tiền tệ Việt Nam.
Vàng không còn là phương tiện đầu tư
Mục tiêu kiểm soát tiền tệ rất đơn giản: Để kiểm soát được lạm phát, Nhà nước thông qua NHNN phải kiểm soát được cung tiền, đồng thời thông qua các chính về lãi suất và chi tiêu công để tác động đến cầu.
Khi vàng được sử dụng như tiền và lại được khuyến khích sử dụng như tiền, NHNN đã tự đánh mất vai trò kiểm soát tiền tệ, tín dụng và khả năng bình ổn giá trên thị trường nội địa.
Chính sách thu hút vàng trong dân của NHNN trước đây có vẻ là biện pháp thu hút vốn cho đầu tư, có lợi cho nền kinh tế, nhưng trên thực tế lại khuyến khích việc dùng vàng và đầu cơ vàng, hay nói cách khác là vàng hóa nền kinh tế và góp phần làm mất ổn định kinh tế.
Tình trạng đầu cơ vàng ở Việt Nam được khuyếch đại bởi tình trạng kinh tế nội địa bất ổn và giá cả leo thang; nó lại được đổ thêm dầu vào lửa bởi không khí đầu cơ vàng trên toàn thế giới. Chính tình trạng đầu cơ vàng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh thị trường nội địa của Nhà nước.
Lấy một thí dụ đơn giản: Ngân hàng A chấp nhận ký gửi vàng có lãi. Ngân hàng (NH) sẽ không dùng vàng này để trực tiếp cho vay đầu tư. Thay vào đó, NH sẽ xuất vàng lấy đô la và cho vay bằng đô la, hoặc tiền Việt sau khi đã chuyển đổi.
Điều này làm cho cung tiền và lượng tín dụng vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát trực tiếp của NHNN. Ngược lại, đến lúc phải trả lại vàng, cung tiền giảm.
Tình trạng cung tiền này càng khó điều hành khi giá vàng trên thế giới tăng mạnh từ 400 USD một lạng (ounce) năm 2005 lên 1.000 USD năm 2008, và gần 1.900 USD vào tháng 10/2011. So với tổng tiền mặt lưu hành trên thị trường Việt Nam tương đương 18 tỷ USD vào cuối năm 2011, thì số lượng vàng trị giá ước tính 20 tỷ USD nằm trong dân là một lượng không nhỏ.
Chỉ một phần số vàng này trở thành tiền cũng đã có thể làm thay đổi đáng kể cung tiền. Nếu vàng lưu giữ trong dân chuyển vào hệ thống ngân hàng, cung tiền và tín dụng sẽ tăng mạnh. Khi đến hạn kết toán, cung tiền và tín dụng lại giảm mạnh hoặc không tăng, dữ trữ ngoại tệ cũng giảm do phải nhập vàng chi trả.
Trước đây NHNN đã cho phép thu hút vàng với lãi suất 3%. Với lạm phát rất cao những năm qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thu hút vàng, chuyển thành tiền đồng và cho vay với lãi suất 20%. Cách dễ nhất trong trường hợp này là xuất vàng lấy ngoại tệ và chuyển ra tiền đồng. Lạm phát và chính sách đẩy mạnh lạm phát như thế là rất có lợi cho các NHTM.
Tuy nhiên, nếu giá vàng trên thế giới tiếp tục tăng, thì hệ thống NHTM Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hợp đồng ký gửi vàng tới hạn. Lý do là vì các NHTM phải cần ngoại tệ, nhập vàng để trả cho người gửi đến hạn kết toán. Rất may là giá vàng trên thế giới suy sụp, giảm từ đỉnh điểm 1.889 USD vào tháng 10/2011 xuống còn 1.235 USD vào ngày 9/7/2013.
Việc NHNN ra lệnh tất toán vàng, giành độc quyền xuất nhập vàng và do đó chuyển tiềm năng lợi nhuận từ tay NHTM vào tay NHNN, đã làm cho nhiều NHTM và các doanh nghiệp được quyền nhập khẩu vàng bức xúc.
Việc kiểm soát dòng tư bản với nước ngoài (capital flow), trong đó có cung cầu ngoại tệ và vàng, là cần thiết cho việc ổn định kinh tế, còn việc NHNN có nên giành độc quyền nhập vàng hay không là vấn đề cần tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, về mặt tổng thể kinh tế, chính thời điểm vừa qua là cơ hội ít tốn kém để NHNN xóa bỏ chính sách cho phép NHTM đầu cơ vàng mà không làm thiệt hại cho nền kinh tế.
Thế giới từ lâu đã xóa bỏ việc dùng vàng làm tiền
Việc xóa bỏ vai trò của vàng như là một phần của tiền tệ là dựa trên nguyên tắc của lý thuyết kinh tế. Thứ nhất tiền tệ là phương tiện thanh toán trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ và lưu giữ giá trị, do đó phải phản ánh mức tăng giá trị tăng thêm từ việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.
Tổng số vàng có được không liên quan gì đến sản xuất, cho nên dùng nó làm kim bản vị thì khi kinh tế tăng trưởng mạnh, vàng không đủ sẽ tạo ra giảm phát và làm kinh tế đình đốn; nếu lượng vàng có quá nhiều sẽ làm tăng lạm phát.
Khủng hoảng năm 1929 ở Mỹ và trên toàn thế giới đã dẫn đến việc dân chúng mất tín nhiệm vào đồng tiền giấy; họ ra ngân hàng đổi tiền lấy vàng (lúc đó dùng kim bản vị). Hành động này đưa đến sự phá sản của gần chục ngàn ngân hàng. Việc không chịu dùng tiền giấy đã làm cho lượng tiền trong lưu thông giảm, tạo ra giảm phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.
Chính vì thế năm 1933, để có thể làm chủ được lưu lượng tiền, Tổng thống Mỹ Franklin Rooselt đã trình Quốc hội thông qua việc cấm dân chúng giữ vàng và buộc phải bán vàng khối cho Cục Dự trữ Liên bang (FED), tức Ngân hàng Trung ương.
Từ đó vàng khối chủ yếu nằm trong tay FED và nhờ đó Chính phủ Mỹ kiểm soát được cung tiền trong nền kinh tế. Hiện nay người dân Mỹ được tự do giữ và nhập vàng, vì vàng không còn ảnh hưởng đáng kể đến sự vận hành của kinh tế Mỹ.
Còn một điều nữa là trước đây Mỹ lấy vàng làm chuẩn cho giá trị của đồng USD giữa các ngân hàng trung ương các nước, nên ai có USD muốn chuyển thành vàng với giá 35 USD/một lạng thì FED phải thực hiện.
Năm 1971, do lạm phát cao, tiền mất giá, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Nixon đã không thể bảo vệ được giá trị của đồng USD trên thị trường thế giới, nên xóa bỏ luôn kim bản vị.
Kể từ đó giá vàng không còn là mối lo của FED nữa. Ngay cả hối suất cũng được thả lỏng, đơn giản vì không thể kiểm soát được. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nay chỉ còn tập trung vào kiểm soát giá cả thông qua kiểm soát khối lượng cung tiền.
Vàng chỉ còn là phương tiện đầu cơ
Ở những nước giá cả ổn định, vàng chỉ có giá trị trang sức. Tuy nhiên ở những nước giá cả không ổn định, trong đó có Việt Nam, vàng thường được dùng để bảo vệ giá trị tài sản.
Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, ngay cả ở một nước ổn định như Mỹ, người giữ vàng trong một thời gian dài hoàn toàn bất lợi, vì mức tăng giá vàng thấp hơn lạm phát rất nhiều. Suốt từ năm 1971 khi Tổng thống Nixon xóa bỏ kim bản vị, đến tận tháng 10/2011 khi giá vàng lên đỉnh điểm, tốc độ tăng giá vàng mới tiếp cận được tốc độ lạm phát (Biểu đồ 1: mầu vàng là chỉ số giá, mầu xám là giá vàng).
Như vậy chỉ những người giữ vàng suốt 42 năm kể từ năm 1971 đến năm 2013 mới không mất giá tài sản, còn nếu phải bán trước thì mức thiệt hại là không nhỏ.
Quan sát giá vàng trên thị trường thế giới ta thấy giá vàng trong suốt 17 năm, từ 1980 đến 1997, chỉ dao động quanh 400 USD/một lạng (ounce), và tụt xuống dưới 400 USD cho đến năm 2005 (biểu đồ 2). Giá vàng chỉ thực sự nhảy vọt khi kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, với sự đi xuống của thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất.
Thêm vào đó, chính sách cứu trợ bằng cách in thêm tiền của FED đã khiến nhiều người tin rằng lạm phát sẽ tăng mạnh.
Giới đầu cơ đã nhân cơ hội đó đẩy giá vàng lên đỉnh điểm 1.889 USD/1 ounce. Tuy nhiên lạm phát đã không xảy ra như dự báo và những người đầu cơ bắt đầu tháo chạy. Giá vàng tụt xuống còn 1.235 USD/1 ounce vào ngày 8/7/2013 và chắc chắn sẽ còn xuống nữa.
Vàng chỉ là vật trang sức nhưng đã trở thành phương tiện để đầu cơ. Vì thế, về mặt chính sách kinh tế, NHNN không cần phải quan tâm tới giá vàng, cũng không cần tạo thị trường ổn định cho vàng.
Việc NHNN đang làm chính là nhằm chấm dứt việc cho phép vàng trở thành phương tiện đầu cơ trong hệ thống tín dụng và tiền tệ Việt Nam.
Lý do là vì đầu cơ vàng với khối lượng lớn như ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ, hối suất và qua chúng đến lạm phát.