Kết quả kinh doanh yếu kém cổ đông “tháo chạy”
Tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước và đang sở hữu một quỹ đất khổng lồ nhưng trong gần 10 năm qua, kết quả kinh doanh của BCI gần như dậm chân tại chỗ, thậm chí đang có chiều hướng đi xuống.
Giá cổ phiếu BCI giao dịch trên thị trường đang ở mức dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị sổ sách dù công ty vẫn có lợi nhuận.
Điều này cho thấy giới đầu tư không kỳ vọng nhiều về tương lai của doanh nghiệp bất động sản có tiếng này.
Năm 2006, doanh thu của công ty đạt 216 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng. Thời “vàng son” nhất của BCI là năm 2010 với doanh thu đạt 797 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 282 tỷ đồng.
Liên tiếp những năm sau đó doanh thu của doanh nghiệp này liên tục đi xuống chỉ còn quanh mức 200-300 tỷ đồng, còn lợi nhuận quanh mức 100 tỷ đồng.
Với kết quả này thì suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của BCI chỉ còn quanh mức 6%, đây là một hiệu quả sinh lời khá thấp so với nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường.
Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, hiện BCI đang là chủ đầu tư của 24 dự án với tổng diện tích đất được giao gần 4 triệu m2.
Tuy nhiên, phần lớn số diện tích đất khổng lồ này mới ở trên dạng “lý thuyết”.
Dự án lớn nhất hiện nay mà công ty đang đầu tư là Khu công nghiệp Lê Minh Xuân nhưng hoạt động của khu công nghiệp này đang gặp không ít khó khăn.
Các dự án của công ty đang đầu tư như An Lạc Plaza thì đang chờ phê duyệt điều chỉnh dự án; Corona City mới được phê duyệt quy hoạch 1/2000; Nhất Lan 5 đang triển khai tiếp chủ trương đầu tư.
Dự án lớn nhất của công ty là Green City tiến độ phần lớn vẫn ở trên “giấy”.
Như vậy, xét về mặt hoạt động kinh doanh doanh thì rõ ràng BCI cũng không mấy thuận lợi. Điều này được thể hiện khá rõ trong việc doanh thu của công ty chỉ ở mức khá thấp và kéo dài trong hàng chục năm qua.
Trong khi đó hàng tồn kho của công ty hơn 2.000 tỷ đồng và đang “nằm chết” trong chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kết quả kinh doanh yếu kém đó có thể lý giải phần nào cho việc các cổ đông lớn của BCI lần lượt rời bỏ công ty.
Cổ đông nhà nước và cũng chính là “tiền thân” của BCI là Tổng Công ty Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) đã hoàn tất bán toàn bộ 24,19 triệu cổ phiếu BCI, tương ứng gần 28% vốn.
Trước đó, Quỹ Đầu tư Red River Holding cũng vừa bán toàn bộ gần 3,6 triệu cổ phiếu và hoàn tất việc thoái vốn tại BCI.
Ngoài ra, Quỹ Vietnam Infrastruscture Strategic Ltd cũng đã chuyển nhượng gần 2 triệu cổ phiếu của BCI cho một quỹ khác là Forum One - VCG Partners.
Về tay ông Trầm Bê?
Nhóm nhà đầu tư liên quan Dragon Capital nâng sở hữu lên 17,2% vốn điều lệ BCI.
Trong đó chủ yếu là do Venner Group Limitted mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên thành 3,92%.
Đối với gần 30% cổ phiếu BCI từ HFIC thì dù việc chuyển nhượng đã qua một khoảng thời gian nhưng đến này chưa có thông tin chính thức việc ai đã mua lượng cổ phiếu này.
Như vậy, dù gần 30% cổ phiếu BCI được chuyển nhượng nhưng không có cổ đông nào công bố thông tin đã mua.
Điều này cho thấy phần lớn cổ phiếu này đã được xé lẻ ra nhiều cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% và không phải công bố thông tin ra công chúng.
Được biết nhóm cổ đông có liên quan đến ông Trầm Bê (gia đình, tổ chức) hiện đang nắm giữ 16% cổ phiếu BCI. Ông Trầm Bê hiện đang nắm giữ 3,06% và đang là thành viên HĐQT của BCI.
Hiện đang có nhiều luồng thông tin khác nhau về ai đứng đằng sau việc mua 30% cổ phiếu BCI.
Kịch bản mà cổ phiếu này ngẫu nhiên bị xé lẻ ra cho những nhà đầu tư độc lập mua một lượng lớn như vậy khi bán thỏa thuận rất ít khả năng xảy ra trên thực tế.
Như vậy, khả năng lớn nhất là một “đại gia” nào đó đứng sau việc thu gom những cổ phiếu này qua nhiều nhà đầu tư “độc lập”.
Cách làm như vậy thường chỉ có đến từ những đại gia “dấu mặt” chứ không phải là những nhà đầu tư là những tổ chức lớn.
Cái tên được nhiều người nghĩ đến có thể là một trong những nhóm cổ đông lớn nhất hiện nay là nhóm cổ đông ông Trầm Bê.
Điều này không phải là không có lí vì BCI dù kết quả kinh doanh không tốt nhưng cổ phiếu này lại có một quỹ đất rất lớn và đầy tiềm năng.
Nếu “tiềm năng” này này lọt vào tay cổ đông đủ mạnh về tài chính và có “quan hệ” tốt thì những mảnh đất được giao kia có thể nhanh chóng trở thành “vàng ròng”.
Mối nghi ngờ này càng được củng cố khi mà ông Trần Ngọc Henri đang nắm khoảng 6,67% vốn BCI và vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Một điều chắc chắn ông Henri phải được sự hậu thuẫn của cổ đông lớn mới vừa mua cổ phiếu từ HFIC.
Được biết ông Henri cũng có ít nhiều là “người có liên quan” đến đại gia Trầm Bê. Như vậy phải chăng BCI đã về tay ông Trầm Bê?