>>> Vụ “con ruồi nửa tỷ đồng”: Trạng chết, Chúa cũng băng hà
Sản phẩm có gián, ruồi..., đòi bồi thường sao?
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hành vi này có dấu hiệu hình sự. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, để góp phần soi rọi thêm vụ việc...
Thẩm phán Hùng phân tích: “Về góc độ pháp lý, tôi khẳng định hành vi của anh Minh là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm hình sự.
Điều 135 BLHS (tội cưỡng đoạt tài sản) quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù…
Ở đây anh Minh có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền.
Cụ thể là đã thông báo với phía công ty là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh ta sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết…
Như vậy phân tích kỹ thì hành vi này không chỉ nguy hiểm mà còn là rất nguy hiểm cho xã hội.
Bởi nó có thể giết chết một doanh nghiệp, gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người tiêu dùng, gây điểm nóng trong xã hội…
Võ Văn Minh, người vừa bị bắt với tội danh Tống tiền, Cưỡng đoạt tài sản.
Không nên coi đây là một kiểu thỏa thuận dân sự giữa hai bên vì rõ ràng có sự bất tương xứng giữa nội dung giao dịch và mục đích giao dịch.
Việc phòng, chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Phía công ty báo công an bắt anh Minh khi bị anh yêu cầu đưa tiền là một hành động đúng. Nó góp phần tạo ra một xã hội lành mạnh, có sức đề kháng cao, không im lặng trước những việc làm trái pháp luật…
Xét về mặt tình cảm, nhãn hiệu nước giải khát trên là sản phẩm anh Minh đang kinh doanh (bán lẻ) kiếm lời.
Nói cách khác anh đang hưởng lợi từ sản phẩm đó nên về góc độ nào đó anh Minh phải bảo vệ uy tín của doanh nghiệp.
Việc yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền như trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức. Đó là chưa kể thực hư của con ruồi trong chai nước là do lỗi của nhà sản xuất hay có sự sắp đặt nào đó.
Nếu anh Minh chủ động ngụy tạo chứng cứ để tống tiền thì hình phạt còn phải nghiêm khắc hơn nữa.
Nếu thực sự có con ruồi trong chai nước thì đây cũng chỉ là sơ suất, một lỗi nhỏ của quá trình sản xuất, không ai mong muốn vì hàng trăm hàng ngàn chai khác trong lô cùng xuất xưởng đó không có con ruồi nào.
Chúng ta chỉ đặt vấn đề và trừng trị công ty khi họ cố tình đóng ruồi vào nước (hàng trăm hàng ngàn chai đều có ruồi) hoặc cố ý cho chất gì đó bị cấm vào sản phẩm nhằm mục đích đầu độc người tiêu dùng…
Câu hỏi nhiều người đặt ra là trong trường hợp đúng là có lỗi của công ty thì anh Minh làm gì cho phù hợp?
Tôi nghĩ cách ứng xử đúng là anh trực tiếp phản ánh đến công ty hoặc báo cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ người tiêu dùng và giao lại mẫu sản phẩm cho họ.
Từ đó công ty sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất để đảm bảo đúng chất lượng và anh Minh cũng đạt được mục đích là bảo vệ người tiêu dùng và chính mình.
Anh Minh có quyền yêu cầu công ty chấn chỉnh sai sót của họ chứ không thể ra giá như trên…”.