Đại gia cũng khổ
Theo hãng tin BBC, người dân ở đây có tiền mặt để tiêu nhưng họ không xuất hầu bao vào lúc này.
Nikki, 34 tuổi, đang ngồi cùng với người bạn tên là Maria bên ngoài cửa hiệu, nơi cô bán giày dép trẻ em.
Cô đang trò chuyện qua điện thoại và liếc nhìn ra cửa trước. Nhưng không có khách hàng nào xuất hiện.
"Chúng tôi đang chờ để nhận thông báo điều gì sắp diễn ra với các ngân hàng", cô bày tỏ. "Chúng tôi không thể làm gì cả".
Kifissia là một trong những khu vực giàu có của Athens. Đó là một trong vài nơi ở thủ đô Hy Lạp mà đa phần người dân bỏ phiếu "Có" trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 về các điều khoản cứu trợ mà chủ nợ quốc tế đặt ra cho nước này.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy 61,3% số cử tri Hy Lạp nói "Không" với thỏa thuận, nhưng ở Kifissia, người dân không tin vào cam kết của chính phủ là sẽ đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Đa số cư dân nơi đây - 63,9% - muốn đất nước chấp nhận cứu trợ và thực hiện các biện pháp khắc khổ như chủ nợ yêu cầu.
"Có thể chỉ người giàu mới có thể đủ sức bỏ phiếu Có", một chủ cửa hiệu khác nói.
Nhưng giờ đây, tương lai của họ vẫn nằm trong tay chính phủ cánh tả Syriza, khi các nhà chức trách Athens đàm phán sâu hơn nữa với các bộ trưởng tài chính khối Eurozone.
Vận may của một số người nằm trong sức chi tiêu của nước ngoài.
Các chủ sở hữu một cửa hàng trang sức cao cấp gần đó đang đang tập trung làm việc khi một khách hàng tới mua không chỉ một mà hai chiếc vòng cổ lấp lánh.
Nicole Kharma, 48 tuổi, vừa từ Singapore đến Hy Lạp với một tập tiền loại 50 Euro. Người bán trang sức Stavros Metaxas giải thích: "Khách hàng nước ngoài rất quan trọng.
Người Hy Lạp đang chờ đợi xem điều gì xảy ra với cuộc khủng hoảng và không muốn chi tiêu vào lúc này".
Hiện tại, dân chúng Hy Lạp chỉ được phép rút tiền ở hạn mức 50 hoặc 60 Euro mỗi ngày do các biện pháp kiểm soát vốn mà chính phủ thực thi.
Nhưng điều này không áp dụng với người nước ngoài. Và các cửa hiệu cần tiền mặt thay vì thẻ tín dụng để chi trả cho những người cung cấp hàng hóa.
"Nếu không nhận được tiền thì người bán sẽ lấy lại hàng hóa", Metaxas cho biết.
Kharma có thể rút được 500 Euro mỗi ngày nhờ thẻ ngân hàng nước ngoài của mình và xuất tiền cho việc làm ăn ở địa phương. Nhưng cô cho biết vẫn "không yên tâm" khi chứng kiến những gì đang diễn ra xung quanh.
"Rời máy rút tiền với một xấp tiền loại 50 Euro - với số lượng đủ 500 Euro - khi mọi người đứng xếp hàng chỉ để rút được có 50 Euro thì thực sự là rất buồn. Ai cũng bị ảnh hưởng", cô nói.
Panagiotis Fotiou, 60 tuổi, ngồi uống cà phê để dành sức quay trở lại xếp hàng chờ rút tiền.
Ông đã bỏ phiếu "Có" bởi vì cũng giống như nhiều người ở đây, ông tin chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras muốn từ bỏ đồng Euro.
"Tôi tin rằng chính phủ muốn đưa Hy Lạp ra khỏi châu Âu và chúng tôi sẽ sớm dùng lại đồng drachma.
Tôi nghĩ họ đang làm điều đó từ từ, mà không nói gì cả, bởi vì họ không muốn người dân thấy họ đang làm gì".
Fotiou, là một kỹ sư cơ khí mới về hưu cách đây 1 tháng, từng sống ở Anh hồi thập niên 1990 và đã chuyển tới Kifissia 3 năm trước.
"Nơi này là một trong những khu giàu có nhất ở Hy Lạp, vì vậy chúng ta không thấy nhiều cửa hiệu bị đóng cửa hoặc người ăn xin trên đường phố.
Nhưng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng theo những cách khác nhau", ông nhận định thêm.
Người Hy Lạp ở Kifissa đang tiếp tục chờ đợi. Và giờ đây, cuộc sống của họ đang ngừng lại - với tương lai của họ nằm trong tay người khác.
Một lựa chọn khác của các đại gia Hy Lạp là chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Một cựu quan chức Hy Lạp cho biết khoảng 40% số người đến ngân hàng rút tiền để chuyển sang tài khoản ngân hàng nước ngoài, 10% đầu tư vào các quỹ ở Luxembourg, còn 50% còn lại mang tiền về nhà nhét dưới đệm.
Nhiều người cho biết họ đang sử dụng số tiền nhét dưới đệm này để thanh toán trước hạn các hóa đơn và các khoản nợ để tránh một cuộc khủng hoảng đồng tiền sau này.
Nhiều người còn bỏ tiền ra để mua xe hơi, thậm chí là những chiếc xe siêu sang, khiến doanh số bán xe hơi ở Hy Lạp tăng đột biến.
Những ngày gần đây, mỗi ngày chủ một cửa hàng mua bán đồ trang sức ở thủ đô Athens nhận được 20-30 cuộc gọi từ khách hàng muốn mua những đồng tiền vàng và những đồ trang sức đắt tiền nhất.
Thế nhưng chủ cửa hàng này kiên quyết không chấp nhận thanh toán bằng thẻ, vì ông lo sợ mình sẽ là người chịu thiệt nếu cuộc khủng hoảng xảy ra.
Thế nên cửa hàng này đang mắc kẹt trong một chiếc bẫy, khi ông chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, nhưng không có khách hàng nào có đủ tiền mặt để trả cho những món hàng xa xỉ của ông.
Người đàn ông này kết luận: “Thời buổi này, ai cũng phải phòng thủ cả”.
Khi túi xách hàng hiệu biến thành "bùa hộ mệnh"
Các ngân hàng ở Hy Lạp đã phải đóng cửa hơn một tuần lễ, và chỉ còn vài ngày nữa là số tiền mặt dự trữ của họ sẽ cạn kiệt.
Với việc chỉ được rút tối đa 50 euro mỗi ngày, nhiều người dân Hy Lạp lo sợ rằng những khoản tiền tiết kiệm của họ sẽ “bốc hơi” theo những thỏa thuận mới mà lãnh đạo đất nước đang đàm phán với các chủ nợ châu Âu để có được gói giải cứu kinh tế mới.
Chính vì vậy, bà Sophia Marcoulakis, người phụ nữ 48 tuổi ở thủ đô Athens của Hy Lạp đã quyết định sẽ đầu tư tất cả số tiền tiết kiệm mà mình đang có vào một thứ được coi là “ổn định” hơn, đó là một chiếc túi xách hàng hiệu.
Đó là một món đồ xa xỉ mà bà Sophia chưa từng dám mơ tới trước đây.
Thế nhưng, giờ đây bà lại coi đó là một khoản đầu tư hiệu quả, một tài sản hữu hình mà chính phủ không thể tước đoạt khỏi tay bà, dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa.
Người phụ nữ hành nghề luật sư này nói: “Giờ đây, bạn luôn có cảm giác rằng đồng tiền đã mất đi giá trị. Chúng chỉ là những con số không hơn không kém”.
Đó cũng là cách nghĩ của rất nhiều người dân Hy Lạp đối với hệ thống ngân hàng của mình, tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin làm suy yếu thể chế tài chính vốn đang phải “cắm ống thở” này.
Nó cũng làm trầm trọng thêm những thách thức mà chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras phải đối mặt trong việc khôi phục lòng tin, không chỉ với các chủ nợ châu Âu mà còn với đông đảo người dân vốn đã quá mệt mỏi với các biện pháp thắt lưng buộc bụng suốt 5 năm qua.
Người dân bắt đầu ồ ạt rút tiền ra khỏi các ngân hàng Hy Lạp từ hồi tháng Một, sau khi đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội và trở thành đảng cầm quyền với lời hứa sẽ kiên quyết chống lại những đòi hỏi cắt giảm chi tiêu hà khắc của các chủ nợ.
“Cuộc chiến” giữa xứ sở của các vị thần Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU) trở nên quyết liệt vào hồi cuối tháng 6, khi Hy Lạp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nói không với các chủ nợ châu Âu.
Chỉ 2 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đó, người dân Hy Lạp bắt đầu “ngấm” hậu quả của tiếng “Không” lịch sử, khi dòng người xếp hàng chờ rút tiền tại các cây ATM ngày một dài ra.
Các giao dịch tài chính điện tử vẫn được phép thực hiện, nhưng một số cửa hàng đã bắt đầu ngừng chấp nhận thanh toán bằng thẻ.
Các giao dịch mua bán bằng thẻ trên Amazon và iTunes đã bị cấm, trong khi rất nhiều siêu thị, cửa hàng trở nên trống rỗng vì các nguồn hàng nhập khẩu thiết yếu bị đình trệ.
Nhiều người dân Hy Lạp lo sợ rằng chỉ một vài ngày nữa thôi, đất nước của họ sẽ chẳng khác gì Cộng hòa Síp vào năm 2013, khi chính quyền Síp buộc người dân và các doanh nghiệp phải từ bỏ 47,5% số tiền gửi tại các ngân hàng để đổi lấy gói cứu trợ của châu Âu.
Hồi đó, để tránh sự sụp đổ của hệ thống tài chính, chính phủ Síp cũng chỉ cho phép người dân được rút tối đa 300 euro mỗi ngày, và quy định mức phí quản lý hằng tháng đối với thẻ tín dụng lên tới 5.000 euro.
Câu hỏi mà nhiều người Hy Lạp đang đặt ra hiện nay là nên tiêu tiền vào việc gì đó hay chứng kiến nó có nguy cơ bốc hơi trong tương lai gần.
Với anh Chris Dako, câu trả lời rất đơn giản: Mua ngay. Sau khi các ngân hàng đóng cửa, người hầu bàn 25 tuổi này đã được trả tiền công mỗi ngày, và anh quyết định sẽ dồn hết số tiền đó để mua một đôi giày mới.
Anh này mỉm cười: “Đôi giày nào ư? Đôi đắt nhất ấy”.
Người đàn ông này dự định sẽ đầu tư 500 euro để mua những đôi giày đẹp nhất, như một biện pháp bảo vệ cho số tiền đang mắc kẹt trong tài khoản ngân hàng của mình.
Dako nói: ‘Nếu họ đã muốn lấy tiền của tôi, thì tôi sẽ tiêu chúng trước”.
Dĩ nhiên đa số người dân Hy Lạp không có nhiều tiền trong tài khoản, khi 44% dân số nước này là người nghèo.
Sau khi các ngân hàng đóng cửa, từ 40.000 đến 50.000 công nhân nước này đã bị thất nghiệp, và rất nhiều người đã không còn tiền để mua lương thực cùng các đồ dùng thiết yếu.