Trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đã dần công khai tình hình hoạt động kinh doanh của mình và niêm yết cổ phiếu như Masan Group, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát Group...
Tuy vậy, ngay cả ở Hoa Kỳ vẫn có những doanh nghiệp khổng lồ giữ mô hình gia đình trị và không lên sàn như Cargill, Koch Industries hay Mars Food. Ở Việt Nam cũng vậy, còn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn chưa nghĩ đến việc "đại chúng hóa" và dưới đây là một số công ty nổi bật.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Lĩnh vực: Bất động sản, khách sạn
Chủ tịch: Trương Mỹ Lan
Vạn Thịnh Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và kín tiếng nhất Việt Nam do bà Trương Mỹ Lan thành lập năm 1992. Từ khá lâu rồi vốn điều lệ của công ty đã lên đến 12.800 tỷ đồng.
Vạn Thịnh Phát và các công ty thành viên sở hữu nhiều bất động sản có giá trị ở TP.HCM như khách sạn thương mại An Đông - Windsor Plaza, tòa nhà Time Squares, khu căn hộ Sherwood Residence...
Vạn Thịnh Phát được cho là một cổ đông lớn của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và có thể có liên quan đến VIPD Group, tập đoàn vừa bỏ ra gần 10.000 tỷ đồng để mua lại trung tâm thương mại Vincom Center A.
Tân Hiệp Phát (THP Group)
Lĩnh vực: Nước giải khát, bia
Chủ tịch: Phạm Thị Nụ
Tiền thân của THP là nhà máy bia Bến Thành được thành lập từ năm 1994. THP hiện là doanh nghiệp nội địa lớn nhất trong lĩnh vực nước giải khát không cồn với những thương hiệu chủ lực như Trà Không Độ, trà Dr.Thanh, Number One… Doanh thu năm 2011 của THP ước khoảng 6.000 tỷ đồng.
THP được sáng lập bởi ông Trần Quí Thanh nhưng ông Thanh hiện không còn giữ chức vụ Chủ tịch cũng như Tổng giám đốc; hai vị trí này hiện do vợ ông Thanh là bà Phạm Thị Nụ nắm giữ.
So với các ông lớn khác ngành thực phẩm đồ uống, vốn điều lệ của THP khá nhỏ, chỉ ở mức 276 tỷ đồng, do vợ và các con của ông Trần Quí Thanh đứng tên sở hữu toàn bộ.
Him Lam Group
Lĩnh vực: Bất động sản, tài chính
Chủ tịch: Dương Công Minh
Him Lam là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam. Công ty có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó, ông Dương Công Minh nắm giữ 99% cổ phần. Dự án tiêu biểu của công ty là khu đô thị Him Lam - Tân Thắng ở quận 7, TP.HCM.
Him Lam là cổ đông chính của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; đồng thời là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp khác như Nova Land; Lienviet Holdings…
GreenFeed Việt Nam
Lĩnh vực: Thức ăn chăn nuôi
Chủ tịch: Lý Anh Dũng
GreenFeed là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, GreenFeed đang theo đuổi hoàn thiện lĩnh vực chuỗi thực phẩm sạch theo mô hình Feed-Farm-Food. Theo định giá của quỹ DWS Vietnam Fund, giá trị thị trường của GreenFeed tính đến cuối năm 2012 vào khoảng 94 triệu USD (~2.000 tỷ đồng).
Năm 2012, công ty đạt hơn 8.000 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 65%) và lợi nhuận sau thuế đạt 324 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoàng Phát Vissai
Lĩnh vực: Xi măng
Chủ tịch: Hoàng Mạnh Trường
Mặc dù thương hiệu The Vissai có phần ít nổi hơn so với các thương hiệu xi măng thuộc Vicem nhưng The Vissai đang nổi lên thành một cái tên đáng gờm trong làng xi măng. Bằng việc mua lại hàng loạt dự án xi măng như Hòa Phát, Đồng Bành và Đô Lương, hiện The Vissai là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong ngành xi măng; sản lượng xi măng và clinker sản xuất trong năm 2012 đạt 4,8 triệu tấn, doanh thu 3.300 tỷ đồng.
Theo website của Vissai, tổng công suất các nhà máy hiện có và đang xây dựng của tập đoàn này lên đến hơn hơn 10 triệu tấn/năm.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco
Lĩnh vực: Bất động sản, Tài chính
Chủ tịch: Vũ Văn Tiền
Geleximco có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là ông Tiền chỉ nắm giữ 35% cổ phần; ông Vũ Văn Hậu - em trai ông Tiền – mới là cổ đông lớn nhất nắm 55% cổ phần; còn lại 10% thuộc về người em rể, ông Đào Mạnh Kháng.
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, Geleximco tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính (Ngân hàng An Bình, Chứng khoán An Bình, Quản lý quỹ An Bình) và nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác như xi măng, giấy, nhiệt điện, cảng biển, phụ tùng ô tô xe máy…
Cuối năm 2012, Geleximco đã bán lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long cho Semen Indonesia trong một thương vụ trị giá 240 triệu USD.
Doji Group
Lĩnh vực: Vàng bạc đá quý, ngân hàng, bất động sản
Chủ tịch: Đỗ Minh Phú
Trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, Doji chỉ đứng thứ 2 sau SJC. Doji hiện có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Minh Phú nắm giữ 70% và 2 người con của ông nắm giữ 30% cổ phần còn lại. Quy mô của Doji tăng lên đáng kể sau khi mua lại 2 cổ phần chi phối tại 2 công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng. Doanh thu năm 2012 của hệ thống Doji đạt 32.050 tỷ đồng.
Doji và gia đình ông Phú hiện là cổ đông chính của của Ngân hàng Tiên Phong.