Năm 15 tuổi, ông là chiến sỹ trẻ nhất của Đoàn tàu Không số Quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chuyện khó nói của Chúa đảo Tuần Châu
Chiều tháng 8/2014 trên bãi biển Tuần Châu, vừa rảo bước cho kịp buổi tiệc chiêu đãi của Tập đoàn dành cho những người bạn nhân dịp nhận chứng nhận kỷ lục Guiness Việt Nam cho Cảng du thuyền nhân tạo Tuần Châu - Vịnh Hạ Long, Chủ tịch Đào Hồng Tuyển vừa kể cho chúng tôi về bãi lầy của hơn 17 năm trước.
Khi đó, từ bãi biển nhân tạo dài tới 8 km tới Cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất Việt Nam là đầm lầy. Mỗi buổi chiều, đỉnh triều có thể lên tới 4 m, ngập toàn bộ, cứ be vào là sóng lại duỗi ra, không thể làm ăn gì…
Câu chuyện tái sinh của Tuần Châu - từ một làng chài nghèo, hoang sơ trở thành một tên tuổi trong bản đồ du lịch thế giới, không còn xa lạ với truyền thông, với những người quan tâm tới Quảng Ninh, tới Hạ Long hay tò mò với cuộc đời của chính vị Chúa đảo nổi danh.
Cách người ta gọi ông là kẻ hoang tưởng khi tiền đổ xuống biển nhiều như đất để làm con đường vượt biển dài 2,5 km, nối Tuần Châu với đất liền vào năm 1997, đúng lúc khủng hoảng tài chính khu vực; hay chuyện hư hư, thực thực về khoản tiền vài tỷ USD mà Chúa đảo sở hữu sau khi tạo nên Khu du lịch Tuần Châu, với bãi tắm rải bằng cát chuyển về từ Trà Cổ, với Cung trình diễn nhạc nước và ánh sáng laser 12.000 chỗ ngồi, đội tàu với những chiếc du thuyền Paradise 5 sao đẹp như mơ… vào lúc này cũng trở thành nhàm. Chính ông khi được hỏi: "Điều gì tạo nên doanh nhân Đào Hồng Tuyển của hôm nay?", đã không ngần ngại nói: "Đó là tư duy sâu, đầu tư lớn, hiệu quả khủng".
Tưởng như không có gì khiến doanh nhân Đào Hồng Tuyển phải ngập ngừng. Vậy mà có lúc ông phải cân nhắc “khó nói nhỉ”. Đó là khi chủ đề về câu chuyện của cộng đồng doanh nhân Việt Nam với hình ảnh các doanh nhân dân tộc được đặt ra.
Chỉ mới vài năm gần đây, khái niệm doanh nhân dân tộc mới xuất hiện trở lại trọn nghĩa, đó là những người đặt dân tộc lên hàng đầu thay cho các nhóm lợi ích khác. Đúng như hình ảnh mà Giáo sư Vũ Khiêu đã từng nói, đó là lớp doanh nhân gánh vác một phần trách nhiệm lớn của đất nước và cùng đất nước đứng trước những thử thách lớn của thời đại.
Cơ chế, chính sách cũng đang thuận theo hướng hỗ trợ tích cực để cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nói đến một nhà nước kiến tạo phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế…
Ngay ở Quảng Ninh, nơi Tập đoàn Tuần Châu đóng đô, cũng đang nổi lên hàng loạt công trình được hình thành với sự bắt tay giữa chính quyền địa phương và cộng doanh nghiệp qua các cơ chế linh hoạt theo hình thức đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công…
Điều mà ông khó nói không phải là câu hỏi ông có đang đi theo con đường đó không, có đặt mục tiêu để trở thành doanh nhân dân tộc đúng nghĩa không, vì theo ông, đó là quy luật của sự phát triển. Các nền kinh tế lớn mạnh đều là sự hợp sức của từng doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc và ông cũng đang tuân theo quy luật đó.
Nhưng sau gần 30 năm đổi mới, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang èo uột và thiếu quá nhiều thứ. Môi trường kinh doanh hiện tại, dù đã có những bước cải thiện đáng kể, nhưng chưa đủ để hậu thuẫn cho một lớp doanh nhân bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm.
Thậm chí, vị doanh nhân đã làm nên huyền thoại dời non lấp biển, đang dần thực hiện di huấn của Hồ Chủ tịch về việc biến Tuần Châu thành Ngọc Châu khi Bác về thăm đảo vào năm 1959, cũng đang lo ngại về sự đi xuống của tinh thần kinh doanh, về sự sụt giảm niềm tin kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam… “Tôi ấn tượng với câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh rằng, một dân tộc muốn phát triển trường tồn phải có những doanh nghiệp dân tộc. Chúng ta phải làm vì điều đó”, ông tâm sự.
Và quan niệm về đồng tiền
Trong các kế hoạch đầu tư khủng của Tuần Châu - theo đúng cách nói của Chủ tịch Đào Hồng Tuyển, luôn là
Chủ tịch Đào Hồng Tuyển
1977 - 1980: Ông là chiến sỹ tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia.
1981 - 1988: Thành lập các cơ sở chế biến bia, nước giải khát, cung cấp khoảng 80% nhu cầu thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội, Hải Phòng; tổ chức tổ hợp mua bán sắt vụn tại TP.HCM.
Năm 1988: Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Năm 1992: Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Xuất nhập khẩu khoa học kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Việt Nam.
Năm 1994: Phó chủ tịch Hội Phân bón Việt Nam.
Từ năm 1997: Thành lập Công ty TNHH Âu Lạc, bắt tay thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu - Hạ Long.
Đến nay, ông là chủ duy nhất sở hữu tài sản trên đảo Tuần Châu và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh được thành lập dưới hình thức công ty gia đình với 95% vốn tự có.
những con số khủng. Mới đây nhất, Chủ tịch Đào Hồng Tuyển vừa ký hợp tác với LienVietPostBank về khoản tín dụng 10.000 tỷ đồng chuẩn bị cho các dự án trong tương lai.
Vậy nhưng, trả lời các câu truy vấn về việc sử dụng khoản tiền lớn này thế nào, ông Tuyển lại rất cẩn trọng. “10.000 tỷ đồng này sẽ được tính toán rất kỹ lưỡng để bảo toàn và phát triển được cho cả hai phía. Song, với tôi, chữ tín, niềm tin lớn hơn 10.000 tỷ đồng”, ông nói.
Chưa kịp hỏi ông nghĩ thế nào về danh gọi Chúa đảo mà mọi người đang dành riêng cho ông. Cũng không dám hỏi ông xem những con số đồn thổi lên tới cả vài tỷ USD thuộc sở hữu của ông có thật hay không. Nhưng với những gì ông đang làm, có thể chưa bao giờ ông bận tâm về những điều này.
Ngay cả câu chuyện về kinh doanh Vịnh Hạ Long cũng vậy. Đang có khá nhiều quan điểm về vấn đề này. Thậm chí, đang có những luồng tranh luận đối lập khá gay gắt khi phân tích việc các nhà đầu tư muốn tham gia hoạt động kinh doanh Vịnh Hạ Long.
Đem việc này hỏi ông chủ Tập đoàn Tuần Châu, ông nói: “Trong tôi không có đối thủ”. Hay nói rõ hơn, ông coi tất cả là đối tác, những người cùng yêu Hạ Long để cùng làm, có thể hợp tác hoặc theo những cách khác để cùng phát triển Vịnh Hạ Long, như cách Tuần Châu đang hợp tác với LienVietPostBank.
“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng là chúng tôi không quản lý Vịnh Hạ Long. Tập đoàn Tuần Châu không quản lý Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long không thuộc về tập đoàn nào mà thuộc về dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam. Chính vì vậy, Đề án của chúng tôi là bỏ trí tuệ, bỏ tiền bạc để đầu tư công nghệ, phát triển Vịnh Hạ Long, để chia sẻ lợi ích ấy với Nhà nước, chứ không phải quản lý thay các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi chỉ làm gia tăng giá trị của Vịnh Hạ Long. Khi chúng ta có tiền, chúng ta đạt được mơ ước đó, sẽ có tiền để bảo tồn, phát triển kỳ quan, bảo vệ môi trường…”, ông thẳng thắn nói.
Chiến lược đó đã được ông Tuyển bắt đầu từ 17 năm trước, với những viên gạch đầu tiên được ông và gia đình mua từ việc bán những tài sản tích lũy nhiều năm trước đó. Nghe kể lại, có những lúc, ông quyết bán rẻ tài sản của mình để theo đuổi giấc mơ về nâng giá trị cho Vịnh Hạ Long… Hiện giờ, giai đoạn II của Cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất Việt Nam đang hoàn tất để đón tàu vào tháng 10/2014, sau khi giai đoạn I đã đi vào hoạt động vài năm trước.
Khoảng 2.500 tỷ đồng được đầu tư vào vùng đầm lầy ở phía Tây Nam của Đảo Tuần Châu, cộng với công sức của hàng trăm, hàng ngàn kỹ sư, công nhân, với các loại phương tiện cơ giới thủy, bộ… đã biến vùng đất này thành 8 km chiều dài bến đậu với độ sâu từ 10 đến 17m, đủ điều kiện cho du thuyền, các hãng tàu du lịch lớn của trong nước và thế giới trú đậu. Doanh thu dự kiến có thể lên tới 10.000 tỷ đồng/năm…
Mọi kế hoạch vẫn chưa có điểm kết thúc. Thậm chí, ông Tuyển còn nói, với ông mọi việc đều luôn là sự khởi đầu.
“Nếu được UNESCO cho phép, nếu được các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho phép, chúng tôi sẽ kéo điện ra Vịnh Hạ Long, sẽ chiếu sáng Vịnh Hạ Long vào ban đêm, sẽ đưa dịch vụ vào Hạ Long để mọi người thưởng thức thắng cảnh này ngày cũng như đêm, để nâng giá trị của kỳ quan thế giới mới Vịnh Hạ Long. Hiện giờ, buổi tối nhìn ra Vịnh chỉ thấy một màu đen...”, ông Tuyển chân thành chia sẻ về những kế hoạch mới.
Khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ được Chúa đảo Tuần Châu tiếp tục đầu tư để chiếu sáng Vịnh Hạ Long. Chúa đảo Tuần Châu không muốn khách đến với Vịnh Hạ Long có thể ngủ trước sự kỳ thú của kỳ quan thế giới mới. Đúng như ông nói, ông vẫn đang theo đuổi chiến lược đã được bắt đầu từ 17 năm trước với cách tư duy mọi việc đều là sự khởi đầu.
Vĩ thanh
Đã từng nghĩ rằng, quá khó để khắc họa, dù chỉ một vài nét chân dung một nhân vật nổi tiếng nhưng kín tiếng và nhiều thông tin nhiễu như doanh nhân Đào Hồng Tuyển. Song, có dịp trò chuyện trực tiếp với ông, dù thời gian ngắn, ông đã thuyết phục được tôi rằng, tất cả những gì ông đang làm đều vì muốn để lại cái gì đó cho đời, để khi nhắm mắt xuôi tay không phải nuối tiếc…
Lăng kính Đào Hồng Tuyển
Chứng kiến và trải qua nhiều thăng trầm, ông nhìn nhận thế nào về cộng đồng doanh nhân Việt Nam hiện tại?
Èo uột và thiếu quá nhiều thứ.
- Điều gì thiếu là quan trọng nhất?
- Bản lĩnh.
- Có phải đó là trách nhiệm của thế hệ doanh nhân đi đầu như ông?
- Không phải chỉ chúng tôi truyền bản lĩnh kinh doanh cho thế hệ trẻ, mà phải là đất nước này làm việc đó. Đã có những thay đổi tư duy, cơ chế chính sách từ Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhưng những tác động là chưa đủ.
- Ông có lời khuyên gì với những doanh nhân trẻ vốn không có nhiều nguồn lực để bắt đầu?
- Các doanh nhân trẻ nên bắt đầu từ ý tưởng, chứ không phải từ việc có bao nhiều tiền. Có ý tưởng tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt rồi tính tới công nghệ, quan hệ xã hội, sự tham gia của xã hội... Người càng thông minh bao nhiêu thì càng phải gạch đầu dòng nhiều và dòng cuối cùng mới nói đến tiền.
Khi sử dụng đồng tiền thì phải chắt chiu, tính toán kỹ lưỡng nhất có thể để đồng tiền đó hiệu quả nhất.
- Điều gì khiến ông bắt tay làm dự án tại Tuần Châu vào 17 năm trước?
- Trí tuệ và tố chất. Tôi có cái đầu của người đi buôn.
Tố chất tạo ra doanh nhân Đào Hồng Tuyển là gì?
Tư duy sâu, đầu tư lớn, hiệu quả khủng.
- Đầu tư lớn thì phải có nguồn lực lớn, 17 năm trước ông nhìn thấy nguồn lực đó ở đâu?
- Vốn vô hình. Tiền bạc không mua được trí tuệ. Nhưng có trí tuệ thì sẽ có tiền.