Trao đổi sau báo cáo khảo sát của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), so sánh các chỉ số cơ bản ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ vào Việt Nam với các nước lân cận, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, đã phân tích kỹ hơn những điểm mạnh, yếu của Việt Nam trong vấn đề thu hút FDI thời gian qua.
Ông cũng cho rằng, môi trường của Việt Nam hiện nay chưa thuận tiện chuyển giao công nghệ, vì không thể "giao trứng cho ác" nên Việt Nam phải chứng minh không là ác để cho người ta giao trứng.
Sự hấp dẫn FDI đang kém đi
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 của VCCI cho thấy, có đến 54% doanh nghiệp FDI được khảo sát trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước Trung Quốc 11,1%, Thái Lan 10,6% và Campuchia 7,7%… đặc biệt là Lào 4,13% trong khi năm 2012 chỉ khoảng 32%? Phải chăng Việt Nam đã kém hấp dẫn so với các nước Đông Nam Á khác?
Cách đưa số liệu như vậy không phản ánh hay không tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta đưa ra bất kỳ kết luận gì chắc chắn.
Các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đến Việt Nam cân nhắc đến Lào, Campuchia hay Thái Lan, Trung Quốc là chuyện thông thường. Nhà đầu tư, cân nhắc bằng chính họ và bằng kết quả các tổ chức dịch vụ nghiên cứu cung cấp cho họ.
Việc đưa ra những so sánh ấy rất bất lợi trong quan hệ với Trung Quốc, vì đây là hai đối tượng rất khó so sánh với nhau. Còn so sánh với Lào, Campuchia thì có vẻ trịch thượng. Trong quan hệ quốc tế, thái độ này không thích hợp cho lắm.
Tuy nhiên, chúng ta buộc phải kết luận rằng tính hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang kém đi.
Các nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị nhận xét ở mức cao hơn. Đây có phải là nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI cân nhắc?
Có một lần khi tôi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Đà Nẵng, anh giám đốc có nói với tôi rằng, nếu đem so với Huế và Hội An thì Đà Nẵng kém ở chỗ không có di sản. Tôi nói là nếu chúng ta không có di sản thì chúng ta có tài sản. Người ta tham gia vào quá trình cạnh tranh bằng rất nhiều tiêu chuẩn, văn hóa, còn cơ sở hạ tầng được xét vào loại tài sản, bởi nó là kết quả của đầu tư.
Như vậy, so ra thì chúng ta kém Campuchia rõ ràng về mặt di sản, kém Lào về sự bảo tồn các trạng thái tự nhiên tức là tính hoang vu, hoang vắng, tồn tại một cách tự nhiên, mà thiên nhiên có lẽ cũng là một loại di sản. Chúng ta chỉ có tài sản, chúng ta phát triển trước họ, đi trước họ trong chuyện mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Công ty của tôi đã từng giúp Bộ Khoa học và Công nghệ Lào xây dựng một số dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, qua đó tôi hiểu họ đi sau chúng ta.
Họ đi sau nên mặc nhiên xem kém hơn thì không đúng, cũng như không thể nói hoa hậu năm trước và năm sau ai đẹp hơn được. Tất nhiên bao giờ thế hệ trẻ cũng có ưu thế, các nước mới phát triển, mới mở cửa cũng vậy.
Nhưng người Lào tạo ra ưu thế chứ không phải chỉ có chúng ta giúp người ta tạo ra ưu thế. Người Lào mở cửa với cánh phía Tây là Thái Lan, cho nên các nguồn lực kinh tế không chỉ đi từ phía Đông là Việt Nam. Chúng ta có đường 7, đường 9, một số đường đi sang Lào, nhưng ở Thái Lan họ cũng sang Lào bằng rất nhiều con đường. Gần đây họ mở cửa cả biên giới phía Bắc là Trung Quốc.
Người Lào cố dứt ra khỏi tình trạng lệ thuộc một phía trong quá trình mở cửa đất nước, đấy là một sự sáng tạo địa chính trị. Các quốc gia đều tìm cách bứt ra khỏi tình trạng lệ thuộc, Camuchia cũng thế.
Còn cơ sở hạ tầng, nếu bây giờ người ta đánh giá Việt Nam kém hay bằng Lào, Campuchia thì là một vấn đề, bởi chúng ta đi trước mà không giải quyết được cơ sở hạ tầng, cái đấy là một lỗi.
Đây là một cảnh báo buộc phải lưu ý, chưa kể thứ bậc tham nhũng cao hơn Lào và Campuchia. Tham nhũng phản ánh sự phiền hà của hệ thống quản lý, tính không hiệu quả của quá trình đầu tư và sự suy thoái đạo đức trong việc tiếp đối tượng.
Di sản kém, cơ sở hạ tầng kém, tham nhũng nhiều tức là cạnh tranh bằng di sản không ưu thế, cạnh tranh bằng tài sản cũng không ưu thế và cạnh tranh bằng đạo đức cũng thế. Đây là một cảnh báo khổng lồ nhưng mới là cảnh báo chứ không phải so sánh phần trăm tỉ lệ.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
Vậy có còn nguyên nhân nào khác ngoài cơ sở hạ tầng, gánh nặng quy định pháp luật, tham nhũng làm cho việc thu hút FDI của Việt Nam bị giảm đi?
Chúng ta vừa kiêu ngạo lại vừa thiếu hiểu biết, chúng ta hội nhập hàng chục năm rồi nhưng xã hội hiểu biết về các quy tắc quốc tế rất kém. Đến mức nhầm lẫn địa vị của ông bộ trưởng một bộ với địa vị của ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong những chuyện gần đây.
Theo ông, để khắc phục tình trạng vừa chỉ ra thì giải pháp là gì?
Gần đây có hai nghị quyết mà tôi rất thích thú. Nghị quyết thứ nhất là Nghị quyết 4 chấn chỉnh lại tư cách đạo đức của cả một hệ thống chính trị, Nghị quyết thứ hai là Nghị quyết Hành pháp, Nghị quyết của Chính phủ về việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Làm tốt hai chuyện này sẽ khắc phục được những khuyết tật mà chúng ta vừa thảo luận từ nãy đến giờ.
Lào, Campuchia đã vượt mặt Việt Nam
Theo quan sát và đánh giá của ông, Campuchia và Lào có thể "vượt mặt" Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài hay không, nếu có thời gian có thể là bao lâu?
Tôi nghĩ bây giờ Lào, Campuchia đã vượt Việt Nam rồi. Dân số Campuchia, Lào ít hơn Việt Nam tức là gánh nặng để giải quyết mọi vấn đề xã hội thấp hơn, nhẹ hơn. Đây là một tham số rất quan trọng.
Họ đã có ưu thế về di sản, quy mô tài sản cần phải đầu tư, họ lại thực thi chính sách tốt hơn chúng ta. Có thể chỉ số hình thức về tham nhũng của họ cũng chẳng kém mình, nhưng cơ cấu nhẹ và ít hơn cho nên dễ giải quyết hơn.
Rõ ràng, họ có ưu thế trong việc khắc phục các khuyết tật cơ bản của một nền kinh tế quốc gia. Họ vượt chúng ta rồi chứ không phải mất bao nhiêu lâu nữa.
Trong khi chúng ta đi trước, có ưu thế là từng có một thế hệ lãnh đạo hết sức nhạy cảm, nhưng chúng ta không tận dụng được điều ấy, chúng ta ề à, chậm chạp. Chúng ta không phân tích các đặc điểm quốc gia, chúng ta vẫn say sưa trong việc nói về mình và chúng ta thua.
Tuy nhiên, tôi lưu ý thế này, nếu chúng ta xem đây là không gian kinh tế Đông Dương, tức Lào, Campuchia, Việt Nam thì phải nói rằng nếu cả Lào và Campuchia đều phát triển tốt hơn lên, điều kiện cơ sở hạ tầng, nền kinh tế tốt hơn lên thì nền kinh tế của bán đảo Đông Dương sẽ tốt hơn.
Nền kinh tế của Đông Dương tốt hơn chưa chắc đã có hại cho Việt Nam mà còn có lợi. Cho nên chúng ta phải cân đối giữa việc đi nhanh một chút của Lào và Campuchia kéo mất đầu tư, với việc đầu tư nhảy dù vào toàn bộ bán đảo Đông Dương. Bởi vì người Lào và người Campuchia cần Việt Nam như là cửa biển.
Cho nên rõ ràng trong chính sách đối ngoại, chiến lược phát triển của bán đảo Đông Dương chúng ta phải hiểu mình giữ địa vị gì, phải thấy rằng sự vươn lên của cả Lào và Campuchia là lợi thế của bán đảo Đông Dương.
Bây giờ chúng ta mở rộng TPP tức là vươn sang bên kia bờ Thái Bình Dương, thế thì tại sao lại sốt ruột và đau khổ vì Lào và Campuchia vượt mặt chúng ta?