Chuyện đại gia Việt mua sắm máy bay

PV |

Ngoài việc tốn hàng chục triệu USD mua sắm, mỗi tháng các đại gia phải bỏ ra số tiền rất lớn cho chi phí hoạt động của máy bay.

Trong khi hầu hết mọi người còn phải xếp hàng dài để mua vé máy bay, chờ đúng giờ bay mới được qua cổng, các đại gia Việt Nam đã không ngần ngại chi tiền mua, bán máy bay để phục vụ cho nhu cầu của bản thân.

Trong những ngày đầu năm mới này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khiến dư luận tò mò, khi có kế hoạch bán máy bay cũ và sắm máy bay mới.

Theo nhiều nguồn tin, máy bay mà bầu Đức tính mua là máy bay Legacy 600, có giá khoảng 20 triệu USD.

Legacy 600 là loại siêu máy bay kích thước trung bình chở được 13 hành khách, có nội thất tiện nghi và riêng tư với ba khu vực cabin riêng.

Trước đó, bầu Đức đã trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng, khi sắm chiếc King Air 350 có với giá khoảng 7 triệu USD vào năm 2008.

Chiếc King Air là loại máy bay động cơ cánh quạt, có vận tốc tối đa 540 km/h, chỉ bay được ở tầm thấp và tầm bay 3.000 km.

Bầu Đức đã thay chiếc King Air 350 bằng chiếc Legacy 600.
Bầu Đức đã thay chiếc King Air 350 bằng chiếc Legacy 600.

Trong khi đó, từ hơn 1 năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long đã không còn sở hữu máy bay riêng sau khi bán chiếc trực thăng EC 135P2i có giá 5 triệu USD cho một doanh nghiệp Hong Kong.

Ông Long đăng ký sở hữu chiếc trực thăng EC 135P2i 6 chỗ ngồi này từ năm 2010.

Sau đó thuê công ty dịch vụ bay miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC 135P2i, ước tính mỗi tháng ông Long phải tiêu tốn thêm 2 tỷ đồng để nuôi chiếc máy bay này.

Cụ thể, để máy bay cất cánh được trên bầu trời, mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát phải bỏ ra 300 triệu đồng để thuê phi công của Vietnam Airlines lái.

Nếu tính cả tiền thưởng, các chi phí khác phát sinh, chi phí cho phi công không chỉ dừng lại ở mức 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mỗi tháng ông Long phải ném vào đó thêm vài trăm triệu đồng để thuê bến đỗ.

Vị đại gia này từng quyết định thuê nguyên một mảnh đất rộng chục ha tại tỉnh Yên Bái để làm sân bay cho riêng mình.

Ngoài chi phí thuê phi công, bãi đỗ, đại gia Trần Đình Long còn phải mất nhiều khoản phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa…

Từ cuối năm 2011, dư luận xôn xao về việc ông Cao Văn Sơn - chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh (Green Planet) nhập khẩu 10 chiếc máy bay cá nhân hạng nhỏ.

Ông Sơn cho biết: “Tất cả thành viên trong gia đình tôi đều đã có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định rồi.

Tôi có chút tiền thì muốn đầu tư vào mấy cái máy bay, chủ yếu là để chơi và thỏa mãn niềm đam mê, mất thì thôi”.

Những chiếc máy bay của Green Planet là loại 2 chỗ ngồi, hai trong số đó do Cộng hòa Czech sản xuất, còn lại xuất xứ từ Mỹ.

Trong số 10 máy bay này, chiếc có giá thấp nhất 2 triệu USD và chiếc có giá cao nhất 14 triệu USD. Mức giá này chưa tính thuế nhập khẩu, VAT...

Trong năm 2014, ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Minh (TMC) đã nhận bàn giao 2 chiếc thủy phi cơ giá khoảng 3,2 triệu đô.

Đây là những chiếc thuỷ phi cơ thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Thủy phi cơ được Tập đoàn Thiên Minh mua nhằm bàn giao cho hãng hàng không tư nhân Hải Âu khai thác du lịch.

Công ty Thiên Minh được thành lập vào năm 1994, tiền thân là một công ty lữ hành nhỏ.

Đại gia Trần Đình Long đã bán chiếc trực thăng này cho một doanh nghiệp Hong Kong.
Đại gia Trần Đình Long đã bán chiếc trực thăng này cho một doanh nghiệp Hong Kong.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp và cá nhân có tiền để mua máy bay, đặc biệt là các loại máy bay giá chỉ mấy trăm nghìn USD, rẻ hơn giá các loại "siêu xe" họ đã và đang mua. Nhưng họ chưa mua, vì nhiều lý do.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines... đều có sân bay dành riêng cho hoạt động của hàng không tư nhân. Nhu cầu này chưa được đáp ứng ở Việt Nam.

Ngoài ra, các thủ tục pháp lý cho hoạt động bay của máy bay riêng tại Việt Nam cũng khá phức tạp. Hiện chỉ có các sân bay dành cho hoạt động thương mại, quốc phòng.

Trong khi nhu cầu sở hữu máy bay riêng, kinh doanh dịch vụ trực thăng, thủy phi cơ rất lớn, nhưng đến nay số lượng tại Việt Nam vẫn chưa đáng kể, và thị trường này được đánh giá rất tầm năng và nhiều đại gia Việt đủ khả năng đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại