Chuyện 'ba chìm bảy nổi' của sim VIP

An Hưng |

Chỉ với một cái sim điện thoại nhỏ xíu, người dùng đã thể hiện “đẳng cấp” thông qua dãy mười số VIP thật dễ nhớ. Thị trường TP.Hồ Chí Minh những ngày qua “sục sôi” việc lùng mua những chiếc sim VIP và cũng có lắm người do thiếu tiền nên phải cầm cố, thậm chí “tiễn” luôn những số “alô” đẹp.

Khi sim được cầm cố

Dạo một vòng các trang mạng, chúng tôi nhận thấy hàng chục cửa hàng kinh doanh điện thoại từ Bắc chí Nam đều mở dịch vụ mới là nhận cầm cố, thế chấp sim điện thoại quý hiếm của các đại gia.

Đó là những dãy số của các mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone... mà chỉ cần đọc hoặc gọi một lần là mọi người sẽ rất dễ thuộc.

Nhập vai một người đang sở hữu sim có dãy số cuối là 888888, dân trong nghề gọi là “lục phát”, rất cần tiền để trả nợ cá độ bóng đá, chúng tôi tấp xe máy vào một tiệm kinh doanh điện thoại di động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q3). Cô nhân viên nhìn khách từ đầu tới chân ra bộ thăm dò.

Trắng tay vì bóng đá, phải đi cầm cả sim

Trắng tay vì bóng đá, phải đi cầm cả sim

Biết ý định của chúng tôi, sau vài phút báo cáo sếp, cô nhân viên nói chỉ cầm được 10 triệu đồng.

Chúng tôi đòi tăng thêm 12 triệu đồng, nhưng cô ta lắc đầu và hỏi muốn tính tiền theo ngày hay tháng?

Nếu trả lãi ròng “ăn 5”, mỗi ngày chúng tôi phải trả là 50 nghìn đồng một ngày, mỗi tháng mất 1,5 triệu đồng tiền lãi.

Chủ thuê bao và nhân viên cửa hàng cứ ra quầy kinh doanh của hãng để sang tên. Người cầm cố vẫn được xài số này, nhưng tên đã sang chủ mới.

Giữa hai người còn có hợp đồng cầm cố theo thời gian nhất định (do thỏa thuận). Nếu vi phạm thời hạn thì chủ sở hữu của chiếc sim sẽ mất hẳn quyền sở hữu.

Lấy lý do cần tiền gấp, chúng tôi quay sang hỏi chuyện muốn bán đứt luôn cái sim đẹp. Cô nhân viên vào nói với sếp rồi quay ra định giá 12 triệu đồng.

“Cửa hàng em bán ra sim này chỉ lời 200 - 400 nghìn đồng thôi, nhưng phải qua rất nhiều thủ tục khác nữa.

Sim của anh rẻ là do người mua thích dãy số cuối ít nhất 5 hoặc 6 số 7 với ý nghĩa là “bảy nổi”, hoặc ba cặp lộc phát đi liền kề nhau (686868) giống như... đánh đề vậy!”, cô ta cho biết thêm.

Cũng với chiếc sim có dãy số cuối đẹp như trên, chúng tôi ghé vào một cửa hàng điện thoại trên đường Trường Chinh (Q. Tân Bình).

Người chủ tên Tùng hỏi: “Anh muốn cầm bao nhiêu? Bên em thấy được là “chơi” liền, khỏi tốn thời gian!”. “50 triệu” - chúng tôi trả lời.

Tùng ngớ người hồi lâu vì giá quá cao, còn giá đề nghị của anh ta chỉ là 13 triệu, lãi theo ngày, “ăn 3”, nghĩa là mỗi ngày chúng tôi phải trả lãi là 39 nghìn đồng. Chúng tôi hỏi lãi một tháng thì Tùng nhanh tay bấm máy tính và kết quả mỗi tháng mất gần 1,2 triệu đồng.

Chuyển hướng sang việc bán hẳn chiếc sim này, Tùng ra giá là 15 triệu đồng. Tuy cao hơn cửa hàng lúc sáng, nhưng chúng tôi vẫn “bỏ đi”.

Tùng tiếc nuối vì hụt kèo nên nhắn tin: “Anh sẽ được 16 triệu đồng, Ok không?”.

Mua sim theo... phong thủy

Trong những ngày thâm nhập các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, chúng tôi chạm mặt với rất nhiều người cần tiền.

Họ có thể là đại gia “xuống đời” vì thua độ đá banh, làm ăn thất bát... cho đến những kẻ dại gái mà hầu bao thì trống rỗng.

Tại một cửa hàng điện thoại di động của người quen trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), chúng tôi chứng kiến hai thanh niên cưỡi “con” PS, ăn mặc bảnh bao, dùng nước hoa nồng nặc.

Hất hàm hỏi chủ cửa hàng, người cầm lái rút trong túi ra cái iPhone 6 plus nói: “Anh có cái sim “bá đạo” luôn. Số 0903777799. Chú mày xem được bao nhiêu?”.

Sau vài giây suy nghĩ, người chủ cửa hàng nói giá chiếc sim đó cầm cố là 12 triệu đồng vì tuy có dãy số 7 rất đẹp, nhưng kết thúc bằng cặp 9, như vậy có nghĩa là “chín lênh đênh” (ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh), người mua sẽ rất kén chọn.

Tay thanh niên kia đòi “bán quách đi cho xong” thì người bán cũng “kết giá” ở mức 15 triệu đồng.

 - ảnh 1

Nhận thế chấp sim điện thoại.

Trong lúc hội ý, tay bán sim nói với bạn: “Theo “thằng” Brazil (ở bán kết Copa America) xui quá. Toàn thua hoài. Tao chỉ còn cái sim này là còn giá trị.

Mày đi cầm luôn cái xe PS đi đặng gỡ lại. Tao quyết phục thù vì thua liền ba trận rồi. Lấy được 15 “chai”, tao theo Chi Lê trong trận chung kết (Chile - Argentina) thì chắc có tiền”.

Viết giấy mua bán xong, chủ tiệm đẩy xấp tiền 500 nghìn đồng về tay người mua.

Gã bán sim lúc nãy đếm tiền xoèn xoẹt rồi lên xe dong thẳng tới tiệm cầm đồ, nhằm “nạp” luôn chiếc PS để có tiền cá độ bóng đá.

Nửa tiếng sau, trong danh sách sim bán ra của cửa hàng có dãy số sim trên, tất nhiên có giá mới.

Ngày hôm sau quay lại cửa hàng này, một vị khách bước xuống từ chiếc ôtô Lexus đã đồng ý mua lại 25 triệu đồng để gắn vào cái điện thoại vertu mạ vàng.

“Em bán sim cho anh ít lời lắm, kiếm vài trăm nghìn đồng để trả tiền mặt bằng thôi. Loại sim này khó mua lắm vì hiếm” - người chủ cửa hàng dù đã “vô mánh” vẫn ca cẩm với vị khách sang trọng.

Khi khách nổ máy phóng đi, chủ cửa hàng mới cười tươi như hoa với khoản lãi 10 triệu đồng.

Anh Bảo (45 tuổi, chủ một cửa hàng điện thoại tại Q10) tiết lộ:

“Bọn tôi phải hiểu tâm lý người dùng, có thể lúc nhận cầm sim thì “mốt” hợp mệnh, phong thủy... đang lên và được nhiều người chuộng, lúc đó khả năng sim có thể đẩy đi được là rất cao.

Nhưng nếu cầm sim đúng lúc qua “thời”, không ai chịu mua thì chỉ có nước ngồi bó gối”.

Một lần mua sim tại cửa hàng ở khu vực Đầm Sen (Q11), chúng tôi chứng kiến một thiếu gia đi xe Mercedes láng bóng, đầu tóc chải mượt. Nhìn trước ngó sau, anh này vào cửa hàng nhờ cầm sim gồm tám con số 8.

Theo lời anh ta, mấy hôm nay công việc thua lỗ quá, ba mẹ lại không chi tiền nên chỉ còn mỗi cái sim là ứng tiền... đi chơi được.

Vừa lấy 20 triệu đồng cất vào túi, anh ta “alô” người đẹp nào đó đang chờ tới đón. Mỗi ngày mất 100 nghìn đồng tiền lãi, nhưng có tiền đáp ứng gấp cho một lần hẹn hò cũng đủ để anh ta nở nụ cười mãn nguyện.

Trên thực tế, chưa có vụ khiếu nại, tranh chấp nào phát sinh từ việc cầm cố sim đẹp được phát hiện, nhưng người vay tiền có nguy cơ bị mất sim đẹp rất lớn.

Bởi khi ký hợp đồng cầm cố, người vay tiền bắt buộc phải sang tên chính chủ sim cho dịch vụ cầm đồ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Việc cầm cố sim điện thoại trên thực chất là một hình thức cho vay tiền có cầm cố tài sản.

Do đó, về nguyên tắc, lãi suất vay phải tuân theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, tức là do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Việc cho vay với lãi suất cao, vượt quá mức quy định của pháp luật thì tùy theo mức độ mà người cho vay có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi mua bán SIM điện thoại, pháp luật cho phép chủ thuê bao có thuê bao đã kích hoạt đưa vào sử dụng ở trạng thái mở hai chiều hoặc khóa một chiều hoặc khóa hai chiều nhưng còn thời hạn sử dụng theo quy định, được chuyển quyền sử dụng cho người khác.

Tuy nhiên, người nhận chuyển quyền sử dụng phải đăng ký lại thông tin thuê bao chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận chuyển quyền sử dụng.

Tôi cho rằng việc cầm cố, mua bán sim điện thoại tràn lan như hiện nay sẽ xảy ra nhiều hệ lụy xấu, như: dễ xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, cơ quan nhà nước không quản lý được thông tin thuê bao, khó giải quyết khi có tranh chấp, khiếu nại...

Do đó, cần thiết phải có các quy định của pháp luật chặt chẽ hơn nữa để giải quyết tình trạng trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại