Nhà đầu tư bán tháo, chứng khoán Trung Quốc “bốc hơi” trên 30% giá trị
Sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015.
Cụ thể, các chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%.
Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến.
Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD tăng gấp 10 lần so 12 tháng trước đó, đồng thời đã vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ.
TTCK đã mất trên 30% giá trị
Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt 1 năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi TTCK Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%.
Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nguyên nhân của “cơn bão” mạnh “đánh” vào TTCK Trung Quốc là do thời gian qua tăng trưởng của thị trường này không đi kèm với tăng trưởng kinh tế.
Trong khi kinh tế Trung Quốc đang rơi vào trạng thái suy giảm kéo dài, với tốc độ tăng trưởng hiện GDP chỉ đạt 7%.
Giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số P/E thị trường bị đẩy lên quá cao.
Ngay cả sau khi sụt giảm gần đây, chỉ số P/E của Shanghai Composite Index vẫn ở mức 23, trong khi đó Hang Shen Index của thị trường Hồng Kông – nơi mà nhiều trong số các công ty tương tự của Trung Quốc niêm yết chỉ ở mức 12.
Chỉ số Shenzhen Composite Index thậm chí sau khi đi một phần ba điểm số hiện có chỉ số mức định giá (P/E) trung bình là 50.
Cùng với đó, chất lượng nhà đầu tư (NĐT) ở mức thấp do tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh tuy nhiên các NĐT đa số đều là NĐT cá nhân và trình độ học vấn ở mức thấp.
Trong khi đó, các NĐT nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp NĐT cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.
Một nguyên nhân nữa được nhắc tới là do tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao.
Tỷ lệ vốn margin/giá trị số cổ phiếu floating thị trường Trung Quốc đạt gần 9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển.
Điều này đồng nghĩa với khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.
Cho tới giờ, dù TTCK Trung Quốc đã hồi phục đôi chút do những biện pháp “cứu trợ” từ Chính phủ, như cấm cổ đông lớn và lãnh đạo của công ty niêm yết bán ra cổ phiếu trong 6 tháng tới; yêu cầu các công ty mua vào cổ phiếu và điều tra hoạt động bán khống… cũng chưa giúp các NĐT tỏ ra an tâm.
“Những biện pháp nêu trên có thể giúp cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên với mức định giá (P/E) vẫn còn rất cao, việc điều chỉnh giảm của TTCK Trung Quốc để về sát hơn giá trị thực có thể tiếp tục sẽ diễn ra và đây cũng là điều cần thiết sau khi thị trường này đã tăng quá nóng trong thời gian qua”- Công ty Chứng khoán BSC nhận định.
Chứng khoán Việt Nam có “dính” hiệu ứng dây chuyền?
Phân tích của BSC cho thấy, mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của TTCK đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của Chính phủ nước này.
Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.
Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Và sự đổ vỡ lần này của TTCK dù không gây phản ứng dây chuyền trực tiếp, nhưng bài học với TTCK Việt Nam là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính.
Chính từ đó, những người có ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể đầu tư.
Ngoài ra, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các NĐT tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng.
Sự đổ vỡ của TTCK có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp NĐT cá nhân, nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.
Còn xét ở khía cạnh tích cực, những vấn đề của TTCK Trung Quốc lại là cơ hội đối với TTCK Việt Nam, khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới.
“Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây”- BSC đánh giá.