“Theo lịch trình hiện tại, đến 1/1/2019 Việt Nam sẽ không được vay ADF, muộn hơn 1 chút so với việc Việt Nam “tốt nghiệp” vay vốn IDA (*) của Ngân hàng Thế giới”, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADB ) Việt Nam thông báo.
Có 2 hình thức vay vốn từ ADB là ADF (Quỹ phát triển Châu Á - chuyên cung cấp vốn vay ưu đãi ) và OCR (chuyên cung cấp vốn vay thương mại). Trong đó, ADF được thiết kế để cho vay tại các quốc gia còn khá nghèo.
Theo ông Eric, có 2 tiêu chí để Việt Nam có thể vay vốn từ ADF.
Một là Chỉ số thu nhập quốc dân (GNI).
GNI của Việt Nam đã tăng theo thời gian. Các quốc gia được vay vốn ADF đến một lúc nào đó sẽ đạt ngưỡng GNI ở mức giàu có hơn, và không còn được vay ADF nữa. Việt Nam đã đạt ngưỡng GNI này từ năm 2010.
“Việt Nam đã vượt quá tiêu chí GNI để vay vốn ADF từ 5 – 6 năm nay”, ông Eric bình luận.
Tiêu chí thứ 2 để vay vốn ADF là Độ tin cậy tín dụng quốc gia.
Quốc gia đi vay đã vay ở trên thị trường thế giới bao lâu? Chỉ số độ tín nhiệm quốc gia do các tổ chức đánh giá tín nhiệm như Standard & Poor hay Moody đánh giá thế nào?
Căn cứ trên các tiêu chí trên, đại diện ADB khẳng định: Chỉ còn 3 năm nữa Việt Nam sẽ không được vay vốn ADF của ADB.
“Chúng tôi cũng không thể đưa ra quyết định quá sớm. Đây không chỉ là quyết định của ADB mà còn là quyết định của cổ đông của ADB, tức các quốc gia cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho ADB”, ông Eric nói.
Nhưng ông cũng khẳng định: Việt Nam chưa “tốt nghiệp” ADF (chưa đạt đủ tiêu chí để không được vay ưu đãi). Việt Nam vẫn đang trên con đường “tốt nghiệp”, đang phải đánh giá ưu/nhược điểm của việc “tốt nghiệp” ADF.
Hiện Việt Nam đang vay ADB ở cả 2 gói vốn vay OCR lẫn ADF.
Ông Eric cho rằng, dù phải tốt nghiệp ADF, Việt Nam cũng sẽ có khả năng được vay nhiều vốn hơn từ OCR (vốn vay thương mại) – khi nguồn vốn vay này sẽ kết hợp với ADF từ năm 2017.
(*) IDA là Hiệp hội Phát triển Quốc tế - một đơn vị thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên cung cấp các khoản tài chính cho các quốc gia nghèo