Chưa ai vay được tiền hỗ trợ lãi suất 6%

Các ngân hàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 6% nhưng chưa ai vay được tiền.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xét duyệt đơn cho DN và người dân phải được tiến hành song song, tính toán phương án, cách thức trả nợ cho các khoản vay cũng cần được công khai, minh bạch.

Tại các điểm giao dịch của một số ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank... ở Hà Nội, TP.HCM, đa số người dân mới chỉ đến tìm hiểu thủ tục, chưa ai vay được tiền để mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng ưu đãi.

Muốn vay 80%, thu nhập phải 20 triệu đồng/tháng

Anh Lê Thanh Hải (30 tuổi, ở H.Hoài Đức, Hà Nội) kể, chiều 4.6 có đến Ngân hàng (NH) Ngoại thương VN (Vietcombank) đặt vấn đề vay 80% giá trị hợp đồng căn hộ nhà ở xã hội định mua có giá hơn 900 triệu đồng, nhân viên NH này cho biết chỉ được vay khoảng 56% giá trị hợp đồng vì tổng thu nhập của cả hai vợ chồng anh chỉ 17 triệu đồng/tháng, không đủ điều kiện vay 80% giá trị hợp đồng.

Theo giải thích của nữ nhân viên này, dù theo chính sách của nhà nước, trường hợp của anh Hải được vay đủ 80% giá trị hợp đồng, nhưng khi xét hồ sơ Vietcombank thấy có thực lực trả nợ đến đâu sẽ cho vay đến đấy, không nhất thiết phải đủ 80%. Nữ nhân viên cũng lấy ví dụ thêm, nếu thu nhập của hai vợ chồng anh lên đến 20 triệu đồng/tháng sẽ được vay tối đa khoảng 700 triệu.

lãi suất, ưu đãi, mua nhà
 

Còn anh Thanh, một cán bộ tín dụng BIDV phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn, khuyên nên vay tiền tại những đơn vị tài trợ vốn cho chính dự án đó thì mức độ giải ngân sẽ cao hơn. “Với dự án bên mình tài trợ, mình sẵn sàng đảm bảo mức tối đa có thể lên tới 80% giá trị căn hộ”, cán bộ này thẳng thắn.

Tuy vậy, theo anh Thanh, điều kiện cũng như các thủ tục để vay vốn lãi suất (LS) 6% trong gói 30.000 tỉ đồng sẽ khó hơn so với cho vay thông thường. Hiện tại, LS cho vay mua nhà ở tại chi nhánh NH này đang là 12%/năm với ngắn hạn, trung và dài hạn từ 12,5% đến 13%/năm. Do đó, vay được vốn với mức LS chỉ 6% đúng là mơ ước của nhiều người, nhưng từ hôm 3.6 đến nay vẫn chưa có hợp nào được giải quyết vì vướng mắc thủ tục và điều kiện.

Khách hàng cá nhân phải chờ doanh nghiệp

Phó giám đốc một NH cổ phần triển khai gói tín dụng trên khuyên khách hàng cá nhân nên đợi đến "khi NH có danh sách chủ đầu tư nào được vay hỗ trợ LS 6%/năm, lúc đó sẽ biết được những dự án có hỗ trợ LS. Như vậy đỡ mất thời gian hơn và thủ tục vay cũng dễ hơn, đặc biệt trong trường hợp thế chấp bằng chính căn nhà mua”.

Trong khi đó, thành viên HĐQT của một trong 5 NH triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho biết: “Đến thời điểm này vẫn chưa có danh sách doanh nghiệp (DN) được vay nên NH không giải ngân được. Chúng tôi đang nóng lòng chờ danh sách này, lúc đó mới có thể thẩm định và giải ngân được”.

Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các DN có nhu cầu vay vốn hỗ trợ LS 6%/năm sẽ gửi hồ sơ về Bộ Xây dựng để Bộ này kiểm tra, thẩm định và tổng hợp gửi NHNN và 5 NH thương mại triển khai cho vay.

Điều đáng nói, dù 70% giá trị gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là dành cho cá nhân nhưng NH TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), NH đầu tiên triển khai gói hỗ trợ 6%, lại phân bổ số tiền cho DN vay là 60% và người mua nhà vay là 40% trong 2 - 3 năm đầu tiên. Sau đó giảm dần vào năm thứ 4 với tỷ lệ tương ứng là 30% và 70%.

Lãnh đạo BIDV giải thích, việc cho vay tập trung vào DN trong thời gian đầu là để tăng nguồn hàng cho thị trường. Bởi có hàng thì người mua mới có cái để mua. Sau 2 -3 năm đầu khi nguồn hàng đã hình thành, bắt đầu giải ngân cho khách hàng cá nhân vay để mua.

Giám sát chặt ngân hàng

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xét duyệt đơn cho DN và người dân phải được tiến hành song song, tính toán phương án, cách thức trả nợ cho các khoản vay cũng cần được công khai, minh bạch.

Theo ông, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng lần này là một dự án mang tầm cỡ quốc gia, nên phải tránh tuyệt đối tình trạng “lợi dụng” nguồn vốn giá rẻ để giải cứu những công ty sân sau. “Việc cho vay, thẩm định, giải ngân phải có sự can thiệp của cả bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất là HĐQT, nếu làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó các NH được giao nhiệm vụ cần phải tuân thủ quy định, đảm bảo đồng tiền được sử dụng đúng mục đích”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, hằng tháng hoặc hằng quý, Bộ Xây dựng và NHNN cần công bố kết quả thực hiện minh bạch, đồng thời phải giám sát chặt chẽ hoạt động của các NH được chỉ định cho vay vốn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại