Việc “tỷ phú mới nổi” Nguyễn Hà Đông luôn tìm cách “né” báo chí đã tạo ra một làn sóng hồ nghi về tài năng thực của anh. Trong một lần tình cờ nói chuyện với ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software, một lãnh đạo tài năng, giàu nhiệt huyết ở FPT, biết được rằng ông Tiến cũng là một trong những game thủ của trò chơi đang làm dư luận "dậy sóng" Flappy Bird, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông về Nguyễn Hà Đông và game Flappy Bird.
- Chào ông Hoàng Nam Tiến, tôi được biết, ông cũng là một trong những "game thủ" của trò chơi đang "làm mưa làm gió" trên thị trường game thế giới Flappy Bird. Vậy ông có thể chia sẻ cảm giác của mình khi chơi game này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Game này chơi khó nhưng cũng khá là vui. Nó làm cho tôi nhớ đến pcman hồi dùng máy tính với DOS.
- Bạn bè ông nhiều người cũng bày tỏ sự thích thú khi chơi game này. Còn dân FPT thì sao, Họ có chơi game này nhiều không?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi không rõ nhưng chắc nhiều.
- Dư luận những ngày gần đây không ngớt lời ca ngợi chàng trai trẻ tài năng Nguyễn Hà Đông. Mọi người coi đây như một “hiện tượng” hiếm hoi trong làng game Việt, làm rạng danh cho Việt Nam. Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi nghĩ nhiều hơn đến việc: Chúng ta tham gia được gì trong công nghiệp game hơn 30 tỷ USD? Tôi quen công ty game chuyên làm cho Microsoft, làm rất giỏi, nhưng suốt 15 năm cũng chỉ duy trì quy mô 200 người và chưa cho ra sản phẩm đáng kể. Tôi cũng biết rất nhiều công ty nhỏ nhỏ và một số bạn đã viết cả trăm game nhưng không game nào thành công.
- Vậy đây là một mốc son đáng ghi nhận khiến chúng ta phải suy nghĩ?
Ông Hoàng Nam Tiến: Nguyễn Hà Đông rất tuyệt, bạn ấy đã từng làm game từ lâu và thành công này là phần thưởng tuyệt vời cho những nỗ lực không mệt mỏi đó.
- Theo ông, Việt Nam cần thay đổi thế nào để có nhiều Hà Đông hơn nữa? Từ “hiện tượng” Hà Đông, chúng ta có thể rút ra bài học gì cho game Việt?
Ông Hoàng Nam Tiến: Đây là câu hỏi về chính sách vĩ mô, tôi thấy rất khó có thể trả lời.
- Những lời ông nói ở trên khiến người ta rất trăn trở, vậy có một giải pháp, lối đi nào cho các công ty game Việt?
Ông Hoàng Nam Tiến: Quan điểm của tôi là chúng ta phù hợp hơn với việc làm Software service, cần hàng nghìn, trăm nghìn bạn trẻ. Tất nhiên, Việt Nam sẽ có những cá nhân xuất sắc, làm những sản phẩm cả thế giới sử dụng. Hy vọng thế!
- Như ông nói thì tôi hiểu rằng: chúng ta không nên bỏ nhiều công sức "đâm đầu" vào thiết kế game để thu lợi nhuận?
Ông Hoàng Nam Tiến: Các bạn hãy yên tâm, tôi tin tưởng rằng đã và sẽ có rất nhiều các bạn trẻ làm game nên điều đó có thể sẽ thu được những thành công.
- Bên cạnh những lời khen ngợi hết mực dành cho chàng trai trẻ tài năng Hà Đông, cũng có khá nhiều ý kiến đặt vấn đề về trách nhiệm xã hội của Hà Đông như việc nộp thuế khi đạt doanh thu 1 tỷ đồng/ngày và “nghi án” đạo game. Đứng trên quan điểm cá nhân, ông thấy những dư luận đó như thế nào?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi nghĩ rằng, làm việc gì cũng cần có quan điểm riêng, không thể "đẽo cày giữa đường". Chẳng lẽ ai hỏi gì, nói gì cũng phải nghe theo?
- Không ít người cho rằng: Game Flappy Bird này sẽ nhanh chết vì không có chiều sâu. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Ai nói vậy thì kệ họ, sao phải quan tâm? Quan trọng là bạn có chơi không? Có thích thú với nó hay không?
Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!