Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: Nếu không hiểu rõ đối thủ, chưa cần đánh đã biết là thua

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy sẽ có chiến lược gì để tấn công và phòng thủ trước sự cạnh tranh từ các đối thủ trong và ngoài nước khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015?

Đây là phần chia sẻ của ông Trần Hùng Huy tại Diễn đàn CEO Forum 2015 vừa qua.

Khi Việt Nam tham gia AEC, những hàng rào bảo hộ sẽ dần bị gỡ bỏ, với ACB thì đây là cơ hội hay thách thức?

Ông Trần Hùng Huy: Đối với ACB thì đây là cơ hội khá tốt vì theo tôi mỗi ngành nghề có những lịch sử khác nhau.

Ngành ngân hàng Việt Nam mới có 20 năm hình thành và trên thực tế chỉ thực sự phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại.

Trong khi ngành ngân hàng ở các nước trong khu vực và thế giới đã có hàng trăm năm kinh nghiệm thì hội nhập là cơ hội để tiếp thu những kinh nghiệm quản trị này.

Cùng với đó, nhân lực giỏi ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn hạn chế nên khi tham gia AEC cũng là một cơ hội để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về củng cố sự phát triển của các ngân hàng trong nước.

Sức mạnh chiến lược nào của ACB trong cuộc chơi AEC sắp tới để phòng thủ sân nhà và tấn công thị trường mới?

Dù là ngân hàng hay doanh nghiệp thì trước tiên chúng ta phải xác định rõ đối thủ, nếu xác định nhầm thì chưa đánh đã thua.

Đối thủ của ACB là các ngân hàng nước ngoài hay chính là các ngân hàng trong nước điều này vẫn còn chưa rõ.

Ngành ngân hàng đã có sự thay đổi, số lượng hiện đã giảm xuống còn 34 và sắp tới sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng hơn 20 ngân hàng.

Sắp tới ACB sẽ đứng ở vị trí nào, top 10 hay top 20 là vấn đề ban lãnh đạo ACB phải xác định để biết được đối thủ và có chiến lược phòng thủ và tấn công hợp lý.

ACB hiện là ngân hàng 'nation one' và trọng điểm vẫn là các thành phố lớn.

Ngoài ra, phải hiểu được khách hàng của mình là ai, các ngân hàng trong nước và nước ngoài đang nhắm vào đối tượng khách hàng nào để có chiến lược thích hợp.

Thế hệ banking Việt Nam 1.0 đã kết thúc và chuyển sang thế hệ 2.0. Với ACB thì đâu là vũ khí để tự tái sinh hay sáng tạo mình?

Trước khi tái tạo hay sáng tạo ra cái gì mới thì cần phải biết được mình xuất phát từ đâu. Vũ khí mạnh nhất và nền tảng quan trọng nhất của ACB là văn hóa của ngân hàng.

Tất cả 10.000 nhân viên ngân hàng đều đề cao yếu tố chính trực và đây là sức mạnh giúp ngân hàng đứng vững trên thị trường.

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu ACB cũng đạt được những thành công và chúng tôi đang dẫn đầu nhiều mảng trong ngành ngân hàng.

Theo tôi, chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số và sắp tới dịch vụ ngân hàng sẽ phải dựa trên nền tảng công nghệ, đó là xu hướng không thể tránh khỏi.

Hiện tôi với vai trò Chủ tịch cũng đang là sponsor cho những dự án sáng tạo hay còn gọi là dự án S của ACB.

Chúng tôi kì vọng những dự án này sẽ có thể thay thế những thế mạnh hiện nay của ACB trong 2 - 3 năm nữa.

Để đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài mạnh hơn thì doanh nghiệp nội cần có chiến lược gì?

Để đối mặt với các đối thủ nước ngoài mạnh hơn về vốn và công nghệ, theo tôi chúng ta có thể “learn fast, think fast”(học nhanh, nghĩ nhanh).

Cách tốt nhất là chúng ta có thể trở thành partner của họ trong 1 hay vài năm, học những cái mạnh của họ để tăng nội lực cho doanh nghiệp và phát huy thế mạnh văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi vì điều mà các đối thủ nước ngoài thiếu chắc chắn là họ không thể hiểu rõ thị trường và văn hóa hơn chúng ta. Đây là chiến lược mà ACB cũng đang áp dụng.

Các dự án khởi nghiệp (startup) hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, ông có lời khuyên gì cho các doanh nhân trẻ về vấn đề này?

Không chỉ riêng ACB mà các ngân hàng Việt Nam đều tập trung vào mảng bán lẻ trong đó có tín dụng cá nhân và SMEs.

Còn nếu bạn đang là một startup thì nên tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại