Chi trăm triệu mua cây, vất vả thuê người nhổ bỏ
Theo ghi nhận của phóng viên BizLIVE, thời gian gần đây, thị trường đang “sốt” loại cây cảnh mới mang tên nho thân gỗ.
Đây là một loài cây có trái khi chín đen như nho. Nếu trái còn xanh, thoạt nhìn cứ nghĩ là cây sung, vì quả mọc dọc theo thân cây.
Loại cây này trở nên “quyến rũ” đối với khách hàng không phải ở tính độc, lạ của nó, mà khi vào đến thị trường Việt, nó còn được gắn thêm cái mác về tính năng phong thủy.
Hình ảnh trái nho đen láy, to bóng, thơm ngọt mọc xum xuê dọc thân cây, gốc to xù xì, khiến cho người ta liên tưởng đến sự sung túc, sinh sôi trong cuộc sống.
Một doanh nhân kinh doanh đồ nội thất ở đường Đê La Thành, Hà Nội - người rất đam mê cây cảnh cho biết, gần đây, khi nghe mọi người nói nhiều đến cây nho thân gỗ, ông cũng tìm hiểu.
Ông cảm thấy rất thích thú và đã nhanh chóng sở hữu cho mình cho mình một cây với cái giá nhiều người nghe phát “sốt”, lên đến cả trăm triệu đồng. Cây càng lâu năm, thì giá càng “chát”.
Khi thấy phóng viên ngạc nhiên với mức giá khủng, ông liền giải thích: “Loại cây này có nhiều nhánh, cành lá sum sê, trái chín mọng nước nhìn rất đẹp mắt.
Chính bởi sự xum xuê và trái mọc trực tiếp trên thân cây, cũng như cành, nên nho thân gỗ này sẽ mang lại cho gia chủ sự phồn vinh, sung túc.
Vì vậy, giới kinh doanh chúng tôi cũng không có tiếc vài chục hay cả trăm triệu để có được”.
Cũng với suy nghĩ như vậy, anh Thanh Bình, chủ một khách sạn trên Hồ Tây đã săn lùng được cây nho độc lạ này.
Ông kể, cách đây 4 năm có sang Trung Quốc du lịch và thấy nho thân gỗ. Nhiều lần muốn mua mà vận chuyển về Việt Nam, nhưng có nhiều khó khăn quá nên ông mới chần chừ mãi.
Giờ Việt Nam có nhiều rồi, không thể không mua được. Ngoài là một cây cảnh lạ, đây còn là một loại cây mang nghĩa tâm linh. Trồng trong nhà ắt sẽ phát về việc kinh doanh, buôn bán.
Cũng cách đây vài năm, trào lưu tìm một số cây cảnh, đặc biệt là cây thân gỗ cũng nở rộ với những “tín ngưỡng” được gắn mác vào, như cây lộc vừng chẳng hạn.
Trước đó, cây lộc vừng rất được các doanh nhân ưa chuộng để trồng ở các tòa nhà cao ốc, văn phòng lớn làm vật trang trí phong thủy.
Những người chơi cây cảnh hay phong thủy cho rằng, đây là loại cây biểu trưng và mang lại tài lộc, vận may cho người chủ qua việc phân tích tên của nó, lộc ứng với tài lộc, vừng, với ngụ ý tuy nhỏ nhưng có rất nhiều. Cộng thêm cây lại có hoa màu đỏ rực rỡ.
Cũng tại thời điểm “hot”, giá của một cây lộc vừng tới bạc triệu, có khi lên đến chục triệu là chuyện bình thường.
Không thể phủ nhận vai trò của cây xanh trong vấn đề phong thủy. Nhưng đã có nhiều gia đình gặp phải rắc rối khi không tìm hiểu rõ ràng, chỉ thấy đang là xu hướng thì tìm mua cho bằng được để mang về trồng.
Gia đình nhà chị Ngọc Lam trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội chia sẻ: “Trước kia nhà tôi cũng trồng một cây lộc vừng trước cửa.
Tuy diện tích đất không rộng nhưng vẫn cố chen để trồng, vì nghe bạn bè nói là cây này được phong thủy lắm. Hoa ra thì lộc đầy nhà.
Nhưng lộc chưa thấy đâu, mà chỉ thấy phiền phức. Hoa ra thì có đẹp thật nhưng rụng vương vãi nhìn sân rất bẩn.
Tệ hơn nữa nhà có cháu nhỏ, suốt ngày dị ứng phấn hoa, cứ ra vào viện suốt. Sau đó trồng một thời gian thì chẳng thấy hoa ra nữa, nhìn cây xơ xác mà gia đình chúng tôi lo lắng.
Sợ cây chết hay không ra hoa có nghĩa là nhà tôi mất lộc, ông xã phải chạy khắp nơi hỏi người để cho, nhưng nhiều nhà cũng không ai muốn lấy, vì nhiều người cũng chung cảnh ngộ rồi.
Cuối cùng phải thuê người đến đánh cây mang về quê cho. Tiền thuê người đánh rồi vận chuyển cũng không phải là ít”.
Nản vì lúc nào cũng phải “kiêng khem”
Ngoài việc chọn “vật phẩm quý” để trấn yểm ngôi nhà sao cho hợp đủ mọi thứ, gia chủ còn phải xem ngày giờ xuất hành, hay ngay cả chọn quần áo để mặc cho phù hợp với mệnh làm cho nhiều người trở nên mệt mỏi.
Khi nhắc đến đồ phong thủy, cô Nguyễn Thị Thái, chủ một đại lý buôn bán sữa (ở Cầu Giấy) ngán ngẩm:
“Trước đây, tôi làm đủ mọi thứ, trên trời dưới đất, hết cây cối lại sang tranh ảnh, tượng, bể, chẳng thiếu thứ gì đâu.
Nhưng chỉ thấy vướng chỗ. Rồi chăm sóc lích kích lắm. Giờ tôi không đặt nặng những vấn đề đó nữa, thấy phù hợp là làm thôi, cứ tiện lợi cho mình là được”.
Theo quan điểm của chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn, về mặt vật lý, hầu hết các cây lâu năm đều có tác dụng cộng hưởng về các trường khí.
Tuy nhiên, tác dụng của cây xanh nói chung và cây nho thân gỗ về mặt phong thủy không đến mức như thiên hạ đồn đại.
“Nhiều người nghĩ rằng, ai cũng có thể trồng cây trong nhà để sinh khí. Nhưng không phải như vậy. Còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Thực chất, người ta khai thác hoặc sử dụng những cây lâu năm, những gốc cây xù xì, vì nó có tính mỹ thuật nhiều hơn chứ không phải là tính phong thủy.
Hiệu ứng a dua, đồn thổi đã làm sai lệch tầm nhận thức”, ông Sơn chia sẻ.
Chơi cây cảnh cũng như cây phong thủy không chỉ đơn thuần là hiệu ứng đám đông. Thấy nhiều người mua về rồi đổ xô làm theo cho hợp mốt, hợp thời.
PGS. TS. Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và tuyên truyền:
“Hiện giờ, rất nhiều công ty để bán được hàng, họ tường gán cho sản phẩm của mình những giá trị phong thủy sao cho thật linh thiêng, có tác động tốt đến sức khỏe, tinh thần của người chủ gia đình, đôi khi là không tồn tại.
Với vấn đề phong thủy là khoa học, nếu bày trí không hợp lý còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.
Như việc trồng quá nhiều cây có thể che mất ánh sáng, hay đó chính là nơi muỗi tập trung gây bệnh, cũng như mất vệ sinh môi trường sống".