Cho vay mua nhà lãi suất 6%: Tiền thừa, nhà thiếu?

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lý giải việc chậm giải ngân gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng trong 2 tháng qua là do thiếu nguồn cung, chứ phía NH không thiếu tiền.

Khẳng định này được ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) đưa ra tại họp báo về kết quả triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo NQ 02- CP chiều 16/8.

Tiền thừa, “hàng” thiếu

Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 13/8 các NHTM đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền 65,57 đồng trong đó đã giải ngân 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng. Đi đầu trong số địa phương giải ngân nhanh gói hỗ trợ tín dụng 30 ngàn tỷ đồng là thành phố Đà Nẵng, chiếm tỷ trọng 29,25% toàn quốc, kế đến là Hà Nội (28,58%), Vĩnh Phúc (11,85%) và TP. Hồ Chí Minh (10,51%)….

Đại diện NHNN cũng xác nhận tới thời điểm này đã có 3 DN được ký hợp đồng tín dụng, trong đó có 2 khách hàng DN của NH BIDV và 1 khách hàng DN của Agribank với tổng số vốn 708 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo, cả đại diện cơ quan cung ứng vốn là NHNN và cơ quan quản lý nguồn "hàng" là Bộ Xây dựng đều thừa nhận một thực tế giải ngân gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp 30 ngàn tỷ đồng trong 2 tháng qua khá "ì ạch", cùng với đó số lượng đối tượng được vay rất ít.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp, hạng sang còn phân khúc nhà ở trung bình, xã hội không đáng kể.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, bất cập thời gian qua cung cầu thị trường bất động sản không hợp lý. Trong thời kỳ phát triển nóng thị trường chú trọng phát triển căn hộ diện tích lớn, giá bán cao chỉ phù hợp với người thu nhập cao, mà thiếu quy hoạch phát triển căn hộ nhỏ, nhà ở xã hội… vì thế “hàng” phân khúc này rất khan hiếm.

Một số dự án nhà ở xã hội, thu nhập thấp như Đặng Xá, Kiến Hưng… đều là sản phẩm thực hiện trước khi ban hành NQ 02, khách hàng và chủ đầu tư ký hợp đồng mua nhà đều trước thời điểm ngày 7/1/2013, nên theo quy định sẽ không được vay từ gói 30 ngàn tỷ.

 

Trước nghi vấn NH “ém” tiền không muốn giải ngân nhanh hợp đồng cho các đối tượng đủ điều kiện vay, ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN khẳng định, vốn giải ngân cho gói tín dụng này không hề thiếu.

NHNN căn cứ trên cơ sở quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn của khách hàng cá nhân, DN … do Bộ Xây dựng quy định để xem xét thẩm định tài chính có cho vay hay không. Còn các điều kiện nới lỏng để giải ngân nhanh hơn gói hỗ trợ này, ông Mạnh cho rằng thuộc các bộ chuyên ngành khác.

“Tôi xin khẳng định, vấn đề vốn, thời gian cho vay, lãi suất vay…các NH luôn luôn sẵn sàng và duy trì cam kết của mình. Còn đối với điều kiện nới lỏng để giải ngân nhanh hơn thuộc các bộ chuyên ngành khác”- Vụ trưởng Vụ Tín dụng khẳng định.

Vốn sẽ “rải” trong 3 năm

Về mục tiêu giải ngân 15 ngàn tỷ đồng từ gói hỗ trợ ngay trong năm 2013, theo lãnh đạo NHNN, việc giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào thị trường có hàng hay không.

“Hiện do nguồn cung nhà ở xã hội thiếu, một số dự án chuyển đổi mới bắt đầu triển khai nên chúng tôi xác định sẽ giải ngân gói này trong vòng 3 năm”- ông Mạnh nói và khẳng định, đây là gói tín dụng có thu hồi, hoàn trả nên phải đáp ứng điều kiện vay, hoàn trả của vay tín dụng thông thường.

“Đúng là thực tế thời gian đầu mới triển khai vốn ra thị trường còn chậm, nhưng gần đây vốn ra đã nhanh hơn, còn thủ tục vay vướng ở đâu sẽ tháo gỡ dần tới đó”- ông Mạnh nhân mạnh và lưu ý, không vì kích” tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống NH mà giải ngân “ồ ạt, không đúng đối tượng”.

“Trong trường hợp cá nhân, hộ gia định có nhu cầu nhưng không vay được thuộc gói này thì có thể thuê, thuê mua nhà ở để giảm áp lực về nhu cầu ở" - lãnh đạo NHNN gợi ý.

Để khơi nguồn cung phân khúc nhà ở hạng trung, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 ngàn tỷ, ông Ninh thông tin thêm, Bộ Xây dựng đã kiến nghị đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở quy mô nhỏ bằng cách cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí.

Với những dự án nhỏ UBND cấp tỉnh xem xét chấp thuận trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng tại các địa phương, trừ dự án trên 500 căn hộ trở lên mới cần sự đồng ý của Bộ Xây dựng.

Tất nhiên quy trình chuyển đổi phải qua nhiều bước khác nhau (điều chỉnh quy hoạch, giấy phép xây dựng…) nên mất thời gian. Hiện nay các địa phương đã tích cực xem xét, như tại Hà Nội đã có một số dự án được phép chuyển đổi. Còn TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký điều chỉnh của 26 dự án song vẫn chưa có quyết định chính thức cho phép chuyển đổi, điều chỉnh dự án nào”- ông Ninh dẫn chứng.

Đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ thêm, trong chiến lược phát triển nhà ở tới năm 2020 tầm nhìn tới 2030 sẽ chú trọng phát triển ưu tiên nhà ở xã hội, nhà diện tích nhỏ … và hiện đã có trên 40 địa phương xây dựng quy hoạch cụ thể.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại