Tôi không dám đánh đồng khẳng định, không dám “vơ đũa cả nắm”, nhưng phần đông người Việt ta trước nay vẫn hay mang cái tính sĩ diện trong người. Người Việt “sĩ” từ chuyện ăn, chuyện mặc đến chuyện lớn hơn là sắm cái xe, làm cái nhà, tổ chức tiệc tùng hay đám cưới.
Tôi nhớ có anh bạn nước ngoài sang ta công tác. Dù đến từ một nước giàu hơn ta đến vài chục bậc nhưng anh ta cũng phải trợn tròn mắt vì cái cách ăn uống của người Việt. “Ăn ít nhưng gọi nhiều”, bỏ bê, lãng phí cũng chỉ vì cái tính sĩ diện mà ra.
Tôi cũng nhớ đến mấy ông láng giềng ở quê. Quanh năm bữa ăn chỉ rau với gạo, nhưng bán được miếng đất là phải làm cho bằng được cái nhà to nhất xóm. Nhà rộng thênh thang nhưng cũng chỉ để chứa thóc, lúc định sắm đồ bên trong thì hết tiền. Mà đến lạ, chả rõ kinh tế thế nào, nhưng hễ cứ nhà xây sau là phải to, phải cao hơn nhà xây trước. Ta cứ vất vả, vật vã chạy đua theo những cái hào nhoáng bên ngoài cũng chỉ vì sĩ diện.
Người Việt sĩ diện đủ đường, đủ kiểu, nếu lấy ví dụ ra thì có kể cả ngày không hết. Thôi thì cũng chỉ ví dụ về chuyện ăn, chuyện ở để nói về cái chuyện đi. Ở ta, việc mua chiếc xe bốn bánh xem ra cũng nặng tính sĩ diện lắm.
Một nhà phân tích kinh tế của châu Âu khi so sánh về cách mua, sắm xe hơi của người tiêu dùng giữa hai nước Đức và Việt đã chỉ ra rằng: “Một người Đức bình thường có 30.000 USD trong tay và đang có ý định mua xe hơi, họ sẽ chỉ mua một chiếc xe giá khoảng 20.000 USD, số còn lại họ dùng vào việc khác hoặc tích lũy. Người Việt thì ngược lại, không phải là tất cả, nhưng rất nhiều người nếu có khoảng 30 ngàn đô, họ sẽ sẵn sàng đi vay thêm cả chục ngàn đô nữa để mua bằng được chiếc xe họ thích”. Hai cách mua xe thể hiện tính sĩ diện của người Việt và tính thực dụng của người Đức, nghĩ đến mà thấy ngược đời.
Cái bệnh sĩ nó sinh ra cái bệnh lãng phí. Có ông mua xe rõ to, rõ sang chỉ để chở con đi học hay đi làm trong thành phố. Mua một chiếc xe nhỏ, tiết kiệm thì phù hợp quá nhưng mà lại sợ người ta khinh. Lại có ông đã sắm xe thì phải “rước” về cái xe hiện đại cơ, nhiều tính năng cơ. Mà mấy tính năng đó thì ở Việt Nam ta chả bao giờ dùng đến, chả làm gì sất, như hệ thống cảnh báo làn đường chẳng hạn.
Vừa rồi tôi có chuyến công tác sang Nhật. Đúng là được “mở mắt”. Sang đất nước của những hãng xe hơi lớn, một đất nước văn minh và giàu có, nhưng tôi thấy người dân họ phần lớn đi những chiếc xe bé tí tẹo, giá độ chục ngàn đô. Những chiếc xe trông vuông vức, mũi ngắn và thô kệch này mà về Việt Nam thì kiểu gì cũng bị chê ỏng, chê eo.
Xe xấu, kém sang trọng nhưng người dân của đất nước - mà ở đó có những Toyota, Nissan, Mazda... lại rất “chuộng”. Hỏi ra mới biết, họ đi xe nhỏ vì giảm được phí đỗ, phí nhiên liệu và đủ thứ phì khác. Và quan trọng nhất, yếu tố cốt lõi tạo ra cách tiêu dùng này là người Nhật không xem ôtô là biểu tượng của địa vị xã hội như ở ta, họ không sĩ như ta.
Đấy là chuyện của mấy ông thường thường, có tiền rồi “cố thêm tí” để sắm xe. Mấy ông đại gia Việt thì còn “sĩ” hơn. Mấy năm nay tài chính chết, đất cát chết nhưng đi là cứ phải siêu xe, xe sang trị giá cả triệu đô chứ không ít. Họ có tiền, họ mua xe là việc của họ, ta chẳng quan tâm, thậm chí là không được quyền quan tâm. Nhưng có người đi siêu xe, hay tổ chức hẳn một đại hội siêu xe mà ôm cả đống nợ như một đại gia trẻ đất Hà Thành nào đó thì đúng là nực cười cho cái tính sĩ diện.
Tôi cứ liên tưởng tới ông Warren Buffett, người giàu có nổi tiếng của thế giới hiện có tới 39 tỉ USD nhưng vẫn đi chiếc xe mua 15 năm trước với giá 18.000 USD. Hay một người trẻ như Mark Zuckerberg - “ông chủ” Facebook – một tỉ phú vừa “bỏ” thêm vào “túi” mình 12,4 tỉ USD trong năm 2013 cũng chỉ sử dụng một chiếc Acura TSX giá 30.000 USD. Dòng xe này được vị CEO 29 tuổi quan niệm một cách rất thực tế là nó an toàn, tiện nghi và không phô trương.
Và nếu đem ông Warren Buffett hay anh chàng nằm trong top những người giàu nhất thế giới - Mark Zuckerbergđứng cạnh các đại gia Việt chơi siêu xe như báo chí hay đưa tin, thì các vị tỉ phú nước Mỹ kia cũng phải chào thua về độ chịu chơi.