Những dự án nằm trong khu vực phạm vi 930 ha trung tâm TP.HCM không được chuyển đổi sang nhà xã hội và chia nhỏ căn hộ.
Tuy vậy những dự án ở ngoại thành được chia nhỏ thì việc đảm bảo quyền lợi của người ở trước và người đến sau sử dụng các căn hộ đã chia nhỏ là một bất cập mà chủ đầu tư không dễ giải quyết được.
Tuy nhiên, nhiều người sinh sống trong khu chung cư này bức xúc việc chủ đầu tư tự ý chia nhỏ căn hộ là vi phạm hợp đồng mua bán, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như quyền lợi của cư dân trong tòa nhà.
Người dân không đồng ý việc chia nhỏ căn hộ, bởi như thế đồng nghĩa với việc tăng “dân số” sinh sống trong khu chung cư. Các hộ cũ mua nhà với giá cao (chênh lệch tới 10 triệu đồng/m2), nay phải chia sẻ quyền lợi về không gian sống.”
Ông N.T.D cư dân của chung cư trên bức xúc “Khi quyết định mua nhà ở chung cư này chúng tôi đã xem xét kỹ hợp đồng nhà. Như vậy mọi tiện ích chúng tôi được sử dụng cũng tương ứng như giá nhà chúng tôi phải trả. Khi dự án đã bị chia nhỏ thì hợp đồng cũng xem như bị phá vỡ. Khi số dân đông hơn thì chũng tôi phải chia sẻ các tiện ích và cả không gian sinh hoạt. Trong khi đó chũng tôi đã phải chi một số tiền lớn hơn những hộ mua nhà sau này.”.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tại 40 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố thì hàng tồn kho đều nằm ở các dự án căn hộ có diện tích từ 80m2 trở lên.
Các dự án có căn hộ nhỏ dưới 80m2 đều bán được. Việc Bộ Xây dựng đã có chủ trương cho phép chia nhỏ căn hộ là một giải pháp kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn cho phân khúc nhà chung cư.
Tuy vậy mỗi khu dân cư đều được các chủ đầu tư cũng như những người tham gia dự án tính toán và thiết kế cơ sở hạ tầng phục vụ cho lượng người nhất định. Nếu hiện tại số căn hộ tăng lên, đồng nghĩa với việc lượng người tăng lên thì những vấn đề công cộng khó mà đáp ứng và đảm bảo được nhu cầu khi lượng người vượt chuẩn.
Cụ thể cơ sở hạ tầng quan trọng nhất ở đây chính là hệ thống điện, một “điểm nóng” rất dễ gây ra hỏa hoạn. Phần lớn, hệ thống dây điện tòa nhà đều được đi ngầm. Vậy nếu như người dân trong các căn hộ đã chia nhỏ đều sử dụng hết công suất điện thì hệ thống điện liệu có đảm bảo an toàn.
Theo KTS Nguyễn Thế Duy, khi tiến hành thiết kế, người ta đã phải chia và tính số lượng m2 sinh hoạt trên đầu người. Thông thường, tiêu chuẩn tối thiểu tại nước ta từ 15 – 18 m2/người, chưa tính diện tích sử dụng chung như phòng khách, nhà vệ sinh, bếp... hay cơ sở hạ tầng công cộng.
Chưa kể, việc chia nhỏ căn hộ sẽ khiến khu căn hộ cao cấp này không khác gì những khu chung cư bình dân. Như vậy, giải pháp chia nhỏ căn hộ để bán được nhà, góp phần giảm khó cho thị trường bất động sản, xem ra còn lắm nhiêu khê.
Theo Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ chỉ được thực hiện đối với các công trình mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng, chủ đầu tư phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng trước khi thực hiện điều chỉnh.
Bộ Xây dựng yêu cầu việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại từ diện tích lớn, sang căn hộ thương mại có diện tích nhỏ, phải bảo đảm các nguyên tắc, bảo đảm an toàn, tiện lợi cho người sử dụng. Căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải có đủ không gian, diện tích sử dụng tối thiểu như bếp, công trình vệ sinh, phòng tắm….
Tuy nhiên, cũng nên chú ý, khi phát triển loại hình nhà ở nhỏ, hay chia nhỏ căn hộ phải đi đôi với hình ảnh đô thị được quy hoạch hợp lý. Bởi nếu các công trình nhà ở đơn giản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo đô thị. Và việc chia nhỏ căn hộ còn đi đôi với sự điều chỉnh của hàng loạt vấn đề khác như điện nước, nhà vệ sinh… Về lâu dài sẽ tạo áp lực lên hạ tầng xã hội xung quanh dự án.