Quyết định này của Bộ Công Thương đã làm mãn nguyện 4 ông lớn trong ngành thép Việt Nam bao gồm Thép Hòa Phát , Thép miền Nam, thép Việt Ý và gang thép Thái Nguyên.
Trong đó, doanh nghiệp "sung sướng" nhất có lẽ là Thép Hòa Phát.
Những năm gần đây, bối cảnh cung lớn hơn cầu, sức ép từ thép nhập khẩu đã đẩy giá sản phẩm thép đi xuống. Yếu tố này khiến các DN trong ngành phải sống khá chật vật vì lợi nhuận sụt giảm.
Tuy nhiên, đi ngược lại với xu hướng bão lỗ hoặc lãi cực kỳ thấp của nhiều doanh nghiệp khác, Thép Hòa Phát liên tục có mức tăng trưởng cao cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Năm 2015, Hòa Phát đạt hơn 27.000 tỷ doanh thu thuần – tăng gần 9% so với năm 2014, trong đó mảng thép đóng góp 22.000 tỷ.
Lợi nhuận sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng – tăng gần 8% và vượt 7,8% so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Riêng con số lợi nhuận của Hòa Phát đã hơn tất cả các doanh nghiệp lớn ngành thép cộng lại.
Lãi ròng tăng tỷ lệ thuận với doanh thu qua từng năm song mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã gửi công văn cầu cứu Chính phủ lo ngại khi thép nhập khẩu tấn công thị trường nội địa ồ ạt.
Hòa Phát là một nhà cung cấp phôi thép lớn cho thị trường ngành, vì vậy tập đoàn này không hề muốn thép Trung Quốc "ăn" mất thị phần của mình.
Chỉ chưa tròn một tháng, ngày 7/3 vừa qua, Thép Hòa Phát nhận được tin vui từ Bộ Công Thương:
Quyết định áp thuế tự vệ với mức thuế tương đối là 23,3% đối với Phôi thép và 14,2% đối với Thép dài và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.
Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ chính thức phải chịu thêm mức thuế nhập khẩu bổ sung (thuế tự vệ).
Do đó thuế nhập khẩu đối với phôi thép Trung Quốc sẽ lên 33,3% và thép dài ở mức 29,2%.
Quyết định trên chắc chắn sẽ làm giảm sức ép cạnh tranh của thép nhập khẩu đối với thép Hòa Phát, trong đó chủ yếu là thép nhập từ Trung Quốc.
Với việc áp thuế tự vệ cho mặt hàng thép dài và phôi thép, công việc kinh doanh của Hòa Phát dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi khi loại bỏ được một đối thủ nguy hiểm.
Ở mặt ngược lại, nếu coi văn bản của Bộ Công Thương là cứu cánh cho Thép Hòa Phát thì cũng có thể đó coi là một "án mạng" cho các doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ.
Bởi khi hạn chế được lượng cung giá rẻ từ nước ngoài, Hòa Phát, sẽ trở thành người làm chủ cuộc chơi trước những doanh nghiệp nội không có khả năng tự chủ được phôi.