Chênh lệch từ đấu thầu vàng chảy đi đâu?

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ khoản chênh lệch trong đấu thầu vàng chuyển về ngân sách nhà nước.

Trả lời về điều hành giá vàng tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng một lần nữa tái khẳng định, các hoạt động điều hành thị trường vàng trong thời gian vừa qua chỉ nhằm bình ổn thị trường và không bình ổn giá.

Do đó mục tiêu đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước cũng không phải để kéo giá xuống ngay lập tức cân bằng với giá thế giới, mà nhằm tăng cung ra thị trường, giải quyết nhu cầu. “Toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng Ngân hàng Nhà nước thu được từ việc đấu thầu là nguồn thu của ngân sách, chuyển về ngân sách nhà nước”, ông Hưng nhấn mạnh.

Chênh lệch từ đấu thầu vàng chảy đi đâu?
 

Không nói rõ thời điểm giá trong nước và quốc tế sẽ về gần nhau, Phó thống đốc đưa dự đoán, đến ngày 30/6 sắp tới, khi các ngân hàng hoàn thành tất toán trạng thái vàng, nhu cầu trên thị trường sẽ giảm, khi đó chênh lệch giá sẽ được thu hẹp.

Ông cũng nêu quan điểm, thời gian vừa qua, nhu cầu cũng có nhưng trong dân đã giảm nhiều, việc nắm giữ kim loại này cũng giảm. Số vàng đấu thầu ra cho các đơn vị trúng chủ yếu là ngân hàng, theo ông, một phần dùng để tất toán, một phần để tăng cung ra thị trường. Nếu không tăng cung cho thị trường, theo ông Hưng, hoạt động sẽ rơi vào bất ổn.

Trả lời băn khoăn về quy định tỷ lệ đặt thầu tối thiếu 500-1.000 lượng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có vốn 20-40 tỷ đồng vô hình trung khiến các đơn vị thắng thầu phần lớn là ngân hàng, ông Hưng cho rằng, do vàng miếng là mặt hàng không khuyến khích mua bán.

Do không phải mặt hàng thiết yếu, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nên dù được cho phép mua bán, doanh nghiệp vẫn phải có điều kiện kinh doanh, trong đó có điều kiện vốn.

Riêng về các nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao trong những ngày vừa qua, ông Lê Minh Hưng cho biết, một phần do 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng miếng, giá quốc tế giảm mạnh nhất trong 30 năm.

Việc không cho nhập khẩu vàng trong bối cảnh nhu cầu có thực, nếu không tiến hành đấu thầu để tăng cung, sẽ khiến cho thị trường biến động rất mạnh. Hơn nữa, mục đích đấu thầu vàng miếng, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, là nhằm thông qua bình ổn giá tránh bất ổn, sốt vàng, ổn định tỷ giá, hoạt động thị trường ngoại tệ. “12 tấn vàng tung ra thị trường qua các phiên đã làm tăng cung, giảm áp lực cầu vàng”, ông Hưng đánh giá.

Trước đó, tại lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc với Ngân hàng Nhà nước hôm 26/2, Chủ tịch HĐQT công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC Lê Hùng Dũng cho biết, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ thu hẹp ngay khi SJC tiến hành gia công.

Thực tế, ngay cả khi gia công, đấu thầu hàng chục tấn vàng, chênh lệch này vẫn duy trì ở khoảng 5-6 triệu đồng/lượng, có thời điểm vọt lên 7 triệu đồng - mức kỷ lục từ trước tới nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại