[Chân dung doanh nghiệp] Những quyết định “để đời” của Kinh Đô

Nguyên Minh |

Từ việc bán 80% mảng bánh kẹo đến kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, KDC luôn gây bất ngờ cho nhà đầu tư bởi những quyết định của mình.

Bất ngờ muốn bán đi “nồi cơm” bánh kẹo

CTCP Kinh Đô (KDC) - doanh nghiệp nổi tiếng với những sản phẩm bánh kẹo - từng khiến nhà đầu tư hoang mang khi quyết định bán đi tới 80% Kinh Đô Bình Dương vào cuối 2014 cho Tập đoàn Mondelēz International.

Việc bán đi mảng bánh kẹo này đã mang đến khoản lợi nhuận trước mắt mà nhà đầu tư có thể nhìn thấy từ báo cáo tài chính quý II của doanh nghiệp.

Ngày 15/7 mới đây, KDC công bố đã hoàn tất chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài.

Với thương vụ này, lợi nhuận sau thuế quý II của doanh nghiệp lên tới 5.122 tỷ đồng. Quý II/2014 chỉ lãi hơn 60,1 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty thu về 6.582 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 5.152 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, KDC đã vượt kế hoạch 6.500 tỷ đồng LNTT đề ra trong ĐHĐCĐ thường niên 2015.

Tuy nhiên, câu trả lời cho việc sau khi nhận hết khoản lợi nhuận từ thương vụ này, KDC sẽ còn lại gì, phát triển trong lĩnh vực mới thế nào thì vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Bán luôn thương hiệu, đổi tên thành KIDO

Cùng với việc bán 80% mảng bánh kẹo và chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, KDC cũng từ bỏ luôn thương hiệu Kinh Đô gắn liền với doanh nghiệp trong hơn 20 năm qua.

Theo đó, thương hiệu Kinh Đô cũng thuộc quyền sở hữu của đối tác và doanh nghiệp cần chọn tên khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh sắp tới.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của KDC tổ chức ngày 26/6 đã thống nhất việc đổi tên doanh nghiệp thành CTCP Tập đoàn KIDO.

Ban lãnh đạo cho biết việc thay đổi tên gọi là bước đi tiếp theo trong hành trình hiện thực hóa tham vọng lọt top 3 ngành hàng thực phẩm thiết yếu.

Nhưng đồng nghĩa với đó, KDC cũng sẽ gặp nhiều thách thức từ việc quyết định "liều lĩnh" này.

Người tiêu dùng đã quá quen thuộc với hình ảnh và tên gọi Kinh Đô gắn liền với sản phẩm bánh kẹo, cùng với đó thị trường cũng đang tràn ngập các sản phẩm hàng tiêu dùng với các nhãn hiệu quen thuộc, KIDO sẽ không dễ dàng để chen chân vào lĩnh vực đầy cạnh tranh này.

Trong một báo cáo phân tích của BVSC mới đây, công ty chứng khoán này dự đoán, mặc dù có kinh nghiệm về quản lý, hệ thống phân phối có sẵn và nguồn lực tài chính tốt nhưng KDC sẽ phải mất tối thiểu 3 năm nữa mới có thể trở về mức lợi nhuận tương đương với ngành bánh kẹo trước đây.

"Rộng rãi" với cổ tức kỷ lục 200%

Ngày 27/7/2015, KIDO công bố nghị quyết của HĐQT về việc chia cổ tức đặc biệt năm 2015 với tỷ lệ 200%. Đợt chia cổ tức này sẽ được thực hiện vào ngày 21/8 sắp tới.

Đây là quyết định “độc nhất vô nhị” bởi trên thị trường hiện tại, việc chia cổ tức 100% đã là điều quá hiếm hoi.

Với quyết định này, KDC trở thành doanh nghiệp niêm yết đầu tiên chi trả mức cổ tức cao như vậy.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc KDC sẽ phải bỏ ra tới hơn 4.700 tỷ đồng cho lần chia cổ tức đặc biệt này.

Thông tin từ ĐHĐCĐ doanh nghiệp cho biết việc chia cổ tức đặc biệt này xuất phát từ lợi nhuận “khủng” từ việc bán 80% Kinh Đô Bình Dương cho đối tác ngoại.

Tuy nhiên, việc chia cổ tức “khủng” này được thị trường đánh giá là một chiêu cứu giá cổ phiếu KDC. Cổ phiếu KDC đã rớt giá kể từ khi có thông tin bán đi “nồi cơm” bánh kẹo Kinh Đô Bình Dương.

Thông tin chi trả cổ tức khủng này khiến liên tiếp 2 phiên sau đó, cổ phiếu KDC lên giá. Tuy nhiên những phiên giao dịch tiếp theo lại không được như kỳ vọng khi thị giá KDC lại tiếp đà giảm.

Tạo sóng với thông tin chi 1.000 tỷ vào lĩnh vực ngân hàng

ĐHĐCĐ DongABank vừa qua cho biết, sau thời gian tìm hiểu các đối tác, KDC sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược. Công ty này đã cam kết mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể, KDC sẽ chi 1.000 tỷ đồng để mua 100 triệu cổ phiếu Dong A Bank với giá bằng mệnh giá. Nếu thành công, Kinh Đô sẽ trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm vốn gần 17%.

Đây không phải là lần đầu tiên KDC đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Trước đó, năm 2007, KDC đã đầu tư 90 triệu USD vào Eximbank, trở thành một trong những đối tác chiến lược của ngân hàng này. Nhưng khoảng 3 năm sau, KDC đã rút khỏi Eximbank.

Tuy nhiên, mới đây, một nguồn tin cho rằng KDC đã quyết định ngừng việc rót vốn này.

Tuy vậy, một nguồn tin khác lại cho hay KDC vẫn đang trong quá trình thẩm định và đánh giá, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Đến thời điểm hiện tại, phía KDC vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về thương vụ này.

Tuy nhiên việc KDC muốn đầu tư 1.000 tỷ vào lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ không dừng lại.

Nhiều khả năng KDC sẽ chọn đối tác khác để thực hiện mục đích của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại