CEO Thế giới Di động: “Đầu tư vào chuỗi thực phẩm vì thấy vợ đi chợ khổ quá”

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, so với kinh doanh điện máy thì kinh doanh thực phẩm bản chất vẫn là bán lẻ, chỉ sản phẩm là khác nhau.

Với tham vọng mang lại sự tiện lợi, tiện ích cho các bà nội trợ trong việc mua hàng hóa, thực phẩm mỗi ngày, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thế giới Di động tiết lộ về kế hoạch đầu tư chuỗi bán lẻ thực phẩm tại TPHCM.

Trao đổi với chúng tôi, vị chủ tịch của Thế giới Di động cho rằng về bản chất kinh doanh thực phẩm cũng là ngành bán lẻ.

Do đó, với kinh nghiệm vận hành chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy, Thế giới Di động sẽ chính thức đưa vào thử nghiệm chuỗi bán lẻ thực phẩm vào tháng 11 tới tại TPHCM.

Bán lẻ thực phẩm dù sao cũng là ngành đặc thù có yêu cầu khắt khe về bảo quản, vận chuyển. Ông có nghĩ đến khó khăn này khi đầu tư vào mảng bán lẻ thực phẩm?

Bản chất thì kinh doanh thực phẩm vẫn là bán lẻ, chỉ sản phẩm là khác nhau. Bán lẻ điện máy thì phải học về sản phẩm, lắp đặt cho khách hàng.

Song về cơ bản đây đều là những ngành hàng tiêu dùng, có nền chung là bán lẻ hàng hóa tiêu dùng.

Tôi hiểu lĩnh vực nào cũng có cái khó riêng. Điện thoại trước đây không ai dám đầu tư vào, nhưng giờ thì rất nhiều nhà đầu tư.

Tôi cũng hiểu hàng thực phẩm không như điện thoại, không để được lâu, song chúng tôi có hệ thống riêng biệt, hoàn toàn mới để khắc phục những đặc thù của ngành thực phẩm.

Hiện chúng tôi đang chuẩn bị những bước cuối cùng để lên hàng và đưa ra thị trường.

Vậy tại sao ông lại thích đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực đặc thù và có nhiều thử thách này?

Tôi đầu tư vào lĩnh vực này bởi đây là thị trường quá lớn và tiềm năng, nhưng các bà nội trợ lại vất vả khi đi chợ.

Tôi nhìn bà xã thấy vất vả quá, cuối tuần cứ phải mất 3, 4 tiếng đi siêu thị, mua mắm muối, đồ ăn cho cả nhà, thay vì thời gian đó có thể dành đi uống cà phê, đi chơi, giải trí với gia đình, chồng con, nhưng lại phải đi siêu thị.

Điều này tôi thấy vô lý trong xã hội hiện đại. Bên Nhật bản thì họ chỉ cần nhấn nút, click là có thể mua được hàng, đưa đến tận nhà. Tôi đã tự hỏi tại sao các bà nội trợ lại phải dành thời gian cho những việc này?

Ông có thể tiết lộ về mô hình mới mà ông sẽ áp dụng cho chuỗi bán lẻ thực phẩm sắp khai trương?

Chúng tôi đang là người đi sau trong ngành kinh doanh bán lẻ thực phẩm, ở Việt Nam không có mô hình của chúng tôi, nhưng mô hình này không mới ở nước ngoài.

Thực tế với ngành này, có quá nhiều khó khăn và rào cản nên Việt Nam chưa có mô hình nào chuẩn. Tôi cho rằng sẽ làm tốt tất cả những vấn đề như bảo quản, vận chuyển.

Cái thiên hạ làm được thì mình phải làm được. Giá bán bằng thiên hạ, đồ ăn sẽ tươi không thua chợ truyền thống.

Mô hình sẽ tích hợp thương mại điện tử, đưa đến tận nhà. Song sẽ tích hợp online và offline, nếu cần gấp thì có thể vào cửa hàng, hoặc có thể đặt hàng, có thời gian và địa điểm và cứ đúng giờ ấy nhân viên sẽ giao hàng cho bạn.

Tôi khảo sát thấy hệ thống chợ vẫn đắt hơn siêu thị. Chúng tôi sẽ xử lý việc này.

Thay vì mất vài tiếng đi siêu thị thì sẽ mất 5 phút thôi, tiết kiệm thời gian, gần gũi hơn với khách hàng. Quy mô mỗi shop sẽ khoảng 150 – 200 m2

Mô hình cuối cùng mà 3 – 5 năm là vài ngàn shop. Còn trước mắt sẽ thử nghiệm tại TPHCM, vài chục shop thôi.

Hàng hóa sẽ mua về bán, vì chỉ có mấy chục shop mà liên kết nông dân thì chưa được, chưa đến thời điểm để làm vậy. Chúng tôi sẽ thử nghiệm xem cửa hàng mình có được và khách hàng có đến hay không?

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, theo ông đâu là thách thức lớn nhất với một nhà bán lẻ?

Khó nhất với bán lẻ là hiểu khách hàng, khách hàng không phải là cái gì cố định, tâm lý họ luôn thay đổi. Chúng ta phải lắng nghe được cái này thích, cái kia không thích, cái này khách hàng bực bội hay không.

Song Cin học để giảm chi phí, kết hợp lắng nghe khách hàng muốn gì. Bán lẻ mà không biết thực tế khách hàng muốn gì là thua.

Chúng tôi cũng xác định không đầu tư ra ngoài ngành, hay đầu tư vào các DN cùng ngành để ăn chia kiếm lời. Chúng tôi sẽ chỉ tập trung phát triển cho nội bộ của DN mình.

Có thể Thế giới Di động sẽ tính đến việc mua lại các công ty, tiến hành M&A nhưng để phát triển hệ thống của chính DN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại