"Cần minh bạch trước khi tính đến tăng giá xăng dầu"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm các thông tin kinh doanh của doanh nghiệp chưa minh bạch, rõ ràng là hoàn toàn không hợp lý

Theo quyết định của Liên Bộ Tài chính - Công thương, từ 20 giờ tối qua (14/6) giá xăng sẽ tăng thêm tối đa 426 đồng/lít, mặt hàng dầu diesel tăng tối đa 221 đồng/lít.

Cùng với quyết định tăng giá xăng dầu, tại quyết định này, Bộ Tài chính cũng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục được sử dụng Quỹ BOG với xăng và dầu diesel là 300 đồng và mặt hàng dầu hỏa và mazut vẫn giữ nguyên mức hiện hành để hạn chế mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.

Bình luận về quyết định tăng giá xăng dầu trong thời điểm này của liên Bộ Tài chính - Công thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm các thông tin lỗ lãi của doanh nghiệp chưa được minh bạch là hoàn toàn không hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.

"Chuyện tăng giảm giá xăng dầu ở các nước cũng như Việt Nam là chuyện hoàn toàn bình thường nhưng việc tăng trong thời điểm này là chưa hợp lý. Bởi cái chính cho đến bây giờ là chưa có sự minh bạch trong các thông tin về giá cơ sở của xăng dầu là thế nào, lợi nhuận định mức thế nào... Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, việc kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp lỗ hay lãi ra sao lại không rõ ràng mà hoa hồng chiết khấu cho các đại lý của họ vẫn tăng có lúc lên tới 600 đồng/lít... thì việc tăng càng bất hợp lý", ông Phú nhấn mạnh.

Ông Phú cũng đưa ra một số thực tế còn rất bất cập trong công tác điều hành, quản lý giá xăng dầu hiện nay.

"Thực tế, nhiều người vẫn đưa ra các vấn đề còn tồn tại trong công tác điều hành giá xăng dầu đó là tăng nhiều nhưng giảm ít. Lúc đáng tăng lại chưa tăng và lúc đáng giảm lại chưa giảm. Đó là sự khó hiểu mà các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Cục quản lý giá cần phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân

Và ngay việc quỹ bình ổn xăng dầu vẫn để tại doanh nghiệp là không đúng bởi lãi vay, gửi, tiền gửi, sử dụng như thế nào thì rất khó để biết. Như chúng tôi đã kiến nghị là phải đưa về kho bạc để quản lý, sử dụng khi cần thiết. ", ông Phú nói.

Cùng với đó, ông Phú cho rằng: "Việc điều hành giá xăng dầu hiện nay là theo Nghị định 84 nhưng theo tôi không thể tính theo giá nhập khẩu trung bình 30 ngày rồi cộng với các khoản thuế phí theo quy định của Bộ Tài chính để so sánh với giá bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp lời bao nhiêu, hay lỗ như thế nào phải phụ thuộc lượng hàng tồn kho, giá nhập khẩu từng lô hàng và thời điểm tiêu thụ.

Theo tôi, chỉ nên để bình quân 15 ngày nhưng cái quan trọng hơn là phải sửa đổi lại Nghị định 84 làm sao cho thực sự minh bạch, công khai và chịu sự quản lý Nhà nước. Đã chưa phải là cơ chế thị trường thì phải Nhà nước quản lý, nhân dân giám sát chứ không thể để doanh nghiệp tự định giá được".

Đánh giá về việc tăng giá xăng dầu lần này, ông Phú cũng khẳng định: "chắc chắn việc tăng giá lần này sẽ ảnh hưởng tới việc tăng giá nhiều mặt hàng khác, đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI của tháng 6 và 7 tăng theo. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là trong lúc, sức mua đang cạn kiệt, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn thì việc tăng này là một sức ép lớn".

Trong khi đó, trao đổi với PV, một chuyên gia kinh tế xin giấu tên cho rằng, việc vẫn duy trì chính sách cho doanh nghiệp được trích Quỹ bình ổn đang khiến doanh nghiệp được lợi đơn, lợi kép trong trường hợp hoà vốn hoặc lãi

"Việc duy trì trích Quỹ bình ổn đang vô hình chung đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao trong khi một mặt họ vẫn có thể than thở rằng doanh nghiệp đang lỗ", chuyên gia này nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại