Các ngân hàng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị
Đến 31/05/2013, tất cả 05 Ngân hàng Thương mại Nhà nước được giao nhiệm vụ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để có thể triển khai cho vay đối với khách hàng từ 1/6/2013.
Căn cứ vào Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, các ngân hàng đã ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống. Tất cả các ngân hàng đều xác định đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao, vì vậy công tác chuẩn bị để triển khai hết sức chu đáo, thận trọng.
Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) đã hoàn thành văn bản hướng dẫn triển khai trong hệ thống khá sớm và tổ chức buổi họp báo ngày 23/5/2013. Trong buổi họp báo này BIDV đã cho biết sẽ niêm yết quy định của ngân hàng tại 700 điểm giao dịch của ngân hàng trong toàn quốc và cam kết sẽ xử lý đề nghị vay của khách hàng cá nhân trong vòng 4 ngày và khách hàng doanh nghiệp trong vòng 20 ngày.
Các khách hàng là cá nhân vay để mua nhà ở có thể được vay lên tới 80/% số tiền mua căn nhà, thời gian vay có thể lên tới 15 năm và được sử dụng chính căn nhà mua để thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng đã nhanh tróng ban hành văn bản hướng dẫn tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện trong toàn hệ thống, đồng thời tổ chức hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho tất cả các chi nhánh để bảo đảm sự thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời cho các chi nhánh, phòng giao dịch để thống nhất thực hiện trong toàn quốc.
Đồng thời Ngân hàng này đã xây dựng bộ câu hỏi dành cho khách hàng và cho cán bộ ngân hàng về nội dung của chương trình tín dụng để gửi cho tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn quốc. Vietinbank cũng đang có kế hoạch thiết kế băng băng rôn, poster, tờ rơi của chương trình và các chương trình truyền thông khác.
Cùng với động thái của các ngân hàng, thì các doanh nghiệp, địa phương cũng đang khẩn trương chuẩn bị để có thể tiếp cận được với chương trình cho vay hỗ trợ này. Một số dự án về xây dựng nhà ở xã hội và chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang được UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xem xét phê duyệt. Mới đây nhất, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã làm lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm-Hà Nội và đang trong quá trình thương thảo với BIDV để vay vốn đầu tư từ chương trình này.
Công khai, minh bạch để người dân nắm được chủ trương
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ là một chương trình chính sách, có quy mô lớn trên cả phương diện số tiền cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay và chưa có tiền lệ. Vì vậy, vấn đề công khai, minh bạch để người dân nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước và đảm bảo đồng vốn cho vay đến được đúng đối tượng rất được ngành ngân hàng quan tâm.
Vấn đề công khai minh bạch được thiết kế ngay trong Thông tư của Ngân hàng Nhà nước và của Bộ Xây dựng. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các nội dung có liên quan đến hoạt động cho vay trong khi Bộ Xây dựng quy định chi tiết về từng loại đối tượng, điều kiện từng loại đối tượng được vay, cách xác định giá mua và diện tích của căn hộ mua… với mục tiêu để người dân đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và người chưa có nhà hoặc nhà ở chật chội có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương được giao nhiệm vụ phải theo dõi và lưu riêng hồ sơ các khoản vay của chương trình để phục vụ cho thanh tra, kiểm toán sau này. Các quy trình về xác định tình trạng cư trú, diện tích chỗ ở hiện tại cũng được quy định cụ thể trong Thông tư 07 của Bộ Xây dựng.
Đối với đối tượng là doanh nghiệp chủ đầu tư nhà ở xã hội, doanh nghiệp chủ đầu tư án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở thương mại phải được bộ Xây dựng xem xét và công bố mới được các ngân hàng thương mại xem xét cho vay theo chương trình này.
Hai thông tư cũng quy định về trách nhiệm của khách hàng, ngân hàng và những người có liên quan cố tình làm sai hoặc gian dối để được vay vốn theo chương trình và có những chế tài nghiêm khắc áp dụng đối với những hành vi này.
Trên cơ sở các hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho các chi nhánh, phòng giao dịch và thực hiện công khai dưới nhiều hình thức, phương tiện thông tin khác nhau, để người dân nắm được chính sách, tự hoạch định phương án tài chính để mua nhà và làm các thủ tục theo quy định để vay vốn.
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở được sự thanh tra, giám sát của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân, cụ thể là thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước (Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước), hệ thống kiểm tra giám sát nội bộ của từng ngân hàng thương mại, xác nhận của thủ trưởng đơn vị và của UBND phường, xã…và của chính người dân trên địa bàn sẽ là cơ sở để vốn cho vay đến đúng đối tượng được hưởng.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý đây là chương trình tín dụng chính sách, không phải là vốn ngân sách cấp cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, vì vậy dù cho lãi suất thấp, thời hạn dài nhưng mấu chốt là người vay phải có thu nhập để trả gốc và lãi vay theo định kỳ cho ngân hàng cho vay.