Các công ty bia tự "hạ giáo" trong trận chiến với Heineken ở VN?

Hà Anh |

(Soha.vn) - Theo chuyên gia, khi cạnh tranh với các đối thủ ngoại, các nhãn hiệu bia Việt Nam đã quên mất một điều căn bản đó là luôn luôn lắng nghe và phục vụ khách hàng chu đáo.

>>> Tuyên bố sẽ “bá chủ” thế giới, Heineken VN phô trương quá mức?

LTS: Mới đây, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam. Ông cho biết trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Và dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!

Khi giải thích về việc tại sao người Việt Nam lại uống bia Heineken nhiều đến vậy, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) “trách nhẹ” người tiêu dùng về tư tưởng sính ngoại, một lúc nào đó “hiếu kỳ, ra oai” khi sẵn sàng bỏ thêm tiền túi vài nghìn đồng để mua một lon Heineken uống thay vì dùng bia Việt.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, sở dĩ bia nội tụt hạng so với bia ngoại không hẳn bởi sự “sính ngoại” của người Việt mà còn do nhiều yếu tố sâu xa khác. Tòa soạn xin đăng tải bài phân tích độc quyền của ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam về những nhức nhối còn tồn tại ở thị trường bia nội.

Các công ty Việt Nam đã tự hạ giáo quy hàng trước khi lâm trận

"Thị trường bia Việt Nam cũng như các thị trường hàng tiêu dùng nhanh FMCG đều ghi dấu thành công của các thương hiệu ngoại. Trên thực tế, sự thành công của thương hiệu nước ngoài phần lớn được "sự giúp đỡ nhiệt tình" của bản thân các công ty Việt Nam khi không chịu thay đổi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, các công ty Việt Nam đã tự "hạ giáo quy hàng trước khi lâm trận".

Hãy nhìn vào những cơ hội thành công chứng tỏ từ Vinamilk, Tôn Hoa Sen, Coffee Trung Nguyên, Masan, Vissan... để suy nghĩ xem chúng ta có thể thắng thế trước các công ty nước ngoài hay không. Các công ty Việt Nam này đã lột xác và thành công trong các cuộc chiến khốc liệt với các tay chơi nổi tiếng trên thế giới và hiện tại họ đang mở rộng ra nước ngoài. Thật đáng nể khi trong các công ty nói trên có các công ty tư nhân hay khởi nghiệp từ bàn tay trắng con số không như Coffee Trung Nguyên như câu nói của CEO Đặng Lê Nguyên Vũ: “Không gì là không thể”.

Gần đây trên truyền thông có những lời trao đổi về thói quen sử dụng bia và tâm lý sính ngoại của của người tiêu dùng. Câu chuyện có vẻ không công bằng khi bản thân các công ty đòi hỏi nghĩa vụ từ người tiêu dùng mà không để ý tới nghĩa vụ đáp trả. Thương hiệu bia 333 đã nổi tiếng trong Việt Nam nhưng cũng đầy tai tiếng với điệp khúc “tới hẹn lại tăng giá” trong 20 năm qua. Những người tiêu dùng tầm trên 30 tuổi chắc chắn trong tâm trí vẫn còn đọng lại những hình ảnh không tốt về bia 333 luôn “móc túi” người tiêu dùng trong những thời gian nhạy cảm trong quá khứ.

“Gieo nhân nào gặt quả” đấy là triết lý bình thường khi bản thân công ty không coi trọng người tiêu dùng họ sẽ nhận lại những đáp trả tương xứng là đương nhiên.

Đề cập tới vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vựa bia, hình như các nhãn hiệu bia Việt Nam quên mất một điều căn bản đó là luôn luôn lắng nghe và phục vụ khách hàng chu đáo tận tâm qua những sản phẩm đổi mới liên tục. Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có phổ sản phẩm rộng khắp từ bia bình dân – Larue cho tới bia trung cấp Tiger hay bia cao cấp Heineken và các sản phẩm đổi mới như Crystal Tiger.

VBL vào Việt Nam từ năm 1991. Sau 23 năm họ đã cung cấp đầy đủ phổ sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh to lớn. Các doanh nghiệp bia Việt Nam cần nhìn nhận và đánh giá mình nghiêm túc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm. Thời gian là giống nhau cho mọi công ty nhưng rõ ràng chúng ta đã tụt hậu trong cạnh tranh.

Một đối thủ cạnh tranh không thể tự nhiên từ trên trời rơi xuống mà họ cũng cần phải có thời gian phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Chúng ta có thể dễ dàng truy cứu các mốc lịch sử của VBL tại web site của họ. Các mốc quan trọng trong lịch sử VBL như sau: 1991 hình thành- 1995 mở rộng công suất lần 1-2005 mở rộng công suất lần 2 - 2008 đưa ra sản phẩm Crystal Tiger – Hiện tại mở rộng lần 3.

Nhìn vào lịch sử phát triển, chúng ta cũng thấy rõ có quá nhiều thời gian cho các đối thủ Việt Nam đặc biệt Sabeco tận dụng để vượt lên nhưng đã bị bỏ qua. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2005 - 2008 khi VBL có những bước phát triển vượt trội. Trong cạnh tranh chỉ cần đi chậm 1-2 năm cũng đã rất khó khăn huống chi Sabeco đã bỏ lỡ gần 10 năm trong cạnh tranh với đối thủ VBL.

Có thể nói 3 - 5 năm tới 2014 - 2019 sẽ là khoảng thời gian còn lại duy nhất cho Sabeco và các hãng bia trong nước cố gắng phát triển, giành miếng bánh thị trường trước khi VBL trở thành "bá vương", bị "hất cẳng" ngay tại thị trường sân nhà.

Cạnh tranh thành công với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới không có gì là quá khó khăn hay có công thức bí mật. Các đơn vị Việt Nam trong cùng ngành FMCG đã thành công và chẳng có lý do gì mà các hãng bia lại thất bại nếu như tư duy phát triển kinh doanh theo hệ thống.

Tuy nhiên, để trở thành một công ty tầm cỡ tại Việt Nam và vươn ra các nước xung quanh bắt buộc lãnh đạo cần có tư duy phát triển hệ thống lâu dài và bền vững. Không cần học đâu xa hãy học chính những đối thủ cạnh tranh như VBL trong các phương pháp tiếp cận kinh doanh của họ từ quản trị doanh nghiệp hiệu quả và tiết kiệm, tôn trọng khách hàng, xây dựng hệ thống phân phối, phát triển sản phẩm.

Bao trùm lên trên hết chính là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Lại một lần nữa đây cũng chính là điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp Việt Nam khi bản thân các lãnh đạo cấp cao luôn luôn đưa ra những lý do bên ngoài biện minh cho những điểm chưa hoàn thiện của mình. Thất bại trong từng cuộc chiến là đáng tiếc chưa đáng sợ bằng thất bại trong ý thức hệ của những người quản lý cấp cao doanh nghiệp.

Câu chuyện Sabeco và các hãng bia trong nước có đủ tiềm năng và sự phát triển để có thể vượt qua VBL hay khôngphụ thuộc rất nhiều vào việc: Bản thân lãnh đạo của các hãng và có lột xác vượt qua chính bản thân mình hay không?"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại