Thủ tướng vừa ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Việc này áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế, phân phối và kinh doanh xăng, dầu tại Việt Nam cho động cơ xăng và diesel của các phương tiện cơ giới đường bộ, trừ các loại xăng, dầu đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.
Theo đó, từ ngày 1/12/2014, xăng sử dụng cho phương tiện đường bộ trên 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1/12/2015, việc này sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
Xăng E5 sẽ được bắt buộc sử dụng trên toàn quốc từ cuối năm 2015. Ảnh:KC
Đối với xăng E10, hai mốc thời gian trên lần lượt là 1/12/2016 và 1/12/2017. Trong thời gian chưa áp dụng tỷ lệ phối trộn theo lộ trình, chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và diesel B5 và B10.
Hiện mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5 gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro. Để đảm bảo hoạt động liên tục, các nhà máy đã buộc phải xuất khẩu Ethanol sang một số nước như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng khả năng cạnh tranh rất kém do giá thành sản xuất còn cao.
Theo một số chuyên gia về cơ khí động lực, sản phẩm xăng E5 có 5% là cồn Etanol, trong xăng có trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) mà Etanol làm tăng trị số octan nên thải ít chất độc hơn, sản phẩm đốt cháy là CO2 bà H2O, giảm ăn mòn máy móc hơn. Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện. Sử dụng xăng E5 còn giúp giảm lượng nguyên liệu tiêu thụ. Chính vì vậy người tiêu dùng còn được hưởng lợi về mặt kinh tế.