Tranh thủ lúc nghỉ trưa, chị Lê Ngọc Vân - nhân viên một công ty trên phố Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - sau khi lướt vào gian hàng bán đồ cũ trên facebook xem có bao nhiêu sản phẩm được bán ra trong buổi sáng, thì một tay cầm điện thoại di động nhắn tin nhoay nhoáy cho khách hàng, tay kia nhấc điện thoại cố định gọi cho nhân viên làm tại nhà riêng thông báo buổi trưa có thêm 4 người đến nhận ký gửi đồ cũ. Chị Vân cho hay chị đang nhận ký gửi đồ cũ để bán kiếm thêm chút tiền.
Chị Vân chia sẻ, gần 2 năm nay nhân viên cơ quan bị giảm lương, các khoản thưởng theo đó cũng không còn. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình cứ khó dần, chi tiêu bị cắt giảm. Cuối cùng, chị đành phải tính chuyện làm thêm. Nhiều người gợi ý chị nên mở shop quần áo, giầy dép online... nhưng chị không có vốn.
“Suy đi tính lại, tôi quyết định mở dịch vụ nhận ký gửi đồ cũ để bán. Kiểu kinh doanh này không phải bỏ vốn, không lo hàng ế trong khi tiền phần trăm (%) giá trị hàng bán được của mọi khách gửi lại khá lớn”, chị Vân nói.
Hiện chị nhận ký gửi rất nhiều mặt hàng, từ quần áo, giầy dép cho đến đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, cứ món đồ nào còn dùng được là khách có thể đem đến nhà riêng của chị ký gửi. Khách sẽ tự định giá sản phẩm của mình, khi bán xong, chị được 20% giá trị của món hàng. Hàng không bán được, sau khi hết thời hạn ký gửi, sẽ được gửi trả chủ nhân.
Nhờ lượng khách đến ký gửi đồ khá nhiều, hàng phong phú và số khách đến mua cũng cao nên sau hơn 4 tháng mở dịch vụ nhận ký gửi và bán đồ cũ, hiện mỗi tháng, trừ chi phí các loại, trả lương nhân viên... chị Vân thu cả chục triệu đồng/tháng, gấp đôi lương đi làm”.
Cùng chung ý tưởng, Thùy Linh - nhân viên kế toán một công ty trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) - cũng đang nhận ký gửi những món hàng là thực phẩm, đặc sản của mọi người từ khắp miền quê để bán.
“Quần áo thì khá nhiều người bán nên tôi chỉ nhận ký gửi thực phẩm sạch, đặc sản quê”, chị Linh tiết lộ.
Chị Linh kể rằng ban đầu khách mua đông, chị không có đủ nguồn hàng để bán. Giờ thì hàng ký gửi chỗ chị khá phong phú, từ thực phẩm sạch như lợn, gà, trứng... đến những đặc sản khắp các miền. Hàng bán hết, tiền sẽ được thanh toán cho khách ký gửi và chị được trích lại 15% giá trị của tổng số hàng.
“Từ hồi mở cửa hàng đến giờ đã gần một năm, thu nhập của tôi tháng nào cũng được từ 10-15 triệu đồng. So với công việc chính thì đó là thu nhập đáng mơ ước mà tôi không phải quá vất vả”, chị Linh cho hay.
Không chỉ vậy, theo lời chị Linh, một số người bạn của chị là dân công sở cũng đang lên kế hoạch để mở dịch vụ nhận ký gửi đồ. Người có vốn thì kết hợp vừa kinh doanh vừa nhận hàng ký gửi bán kèm, người không có vốn thì chuyên nhận hàng ký gửi làm thêm để có thể cải thiện thu nhập cho gia đình.