“Buộc” sáp nhập Phương Nam vào Sacombank, sau đó sẽ là ngân hàng yếu khác

Mai Hương |

Đây là thông điệp của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong buổi họp ngày hôm qua (30/12) của ngành ngân hàng tại TP.HCM. Trường hợp đầu tiên sẽ là sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank, sau đó sẽ yêu cầu nhiều ngân hàng yếu nhập vào ngân hàng lớn.

Tại buổi họp tổng kết ngành ngân hàng TP.HCM cuối năm, ngày 30/12/2014, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, hoạt động ngân hàng trong năm 2015 đặt trọng tâm vào xử lý nợ xấu và tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng.

Ông Thanh nhấn mạnh, nếu năm 2013-2014, việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng là tự giác thì đến năm 2015 việc tái cơ cấu sẽ là bắt buộc.

Bắt đầu là công cuộc sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank và tiếp tục đến các ngân hàng khác với chủ trương các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước sẽ “kèm” các ngân hàng cổ phần yếu, kém.

Trên tinh thần đó, định hướng trong năm 2015 của ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh là sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Đánh giá năm 2014, ông Lâm cho biết, 80% tín dụng cho vay của các ngân hàng trên địa bàn dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Tính đến ngày 31/12/2014,  huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM ước đạt gần 1,29 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2013.

Nguồn vốn tín dụng cho vay ra có đến 80% đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn của các DN trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó, 58% nguồn vốn cho vay ra dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao  và có đến 65% nguồn vốn dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên là cho vay các DN nhỏ và vừa.

Trong chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng bơm ra đã vượt chỉ tiêu và đạt mốc 40.000 tỷ đồng năm 2014, vượt xa con số tín dụng cho vay kết nối năm 2013 là 13.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của thành phố lại tăng cao tới 6% trên tổng dư nợ, tương đương 67.000 tỷ đồng.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới việc cho vay ra vào năm 2015, vì theo chỉ đạo của Thống đốc các ngân hàng cho vay ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động, không tăng nợ xấu.

Họp tổng kết ngành ngân hàng TP. HCM cuối năm , ngày 30/12/2014

Tại buổi họp, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho hay, tín dụng năm 2014 toàn ngành đã cán đích 13%. Năm 2015 chỉ tiêu tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức 13-15% để đảm bảo mức tăng trưởng GDP 6,2%.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nguồn vốn đi vào đúng lĩnh vực sản xuất, tín dụng kết nối ngân hàng- doanh nghiệp đã vực dậy hoạt động của nhiều DN.

Điều này đã góp phần giúp thu ngân sách TP.HCM năm 2014 vượt chỉ tiêu 10%.

Bà Hồng đề nghị, NHNN chi nhánh TP.HCM nhanh chóng tổng kết hoạt động kết nối ngân hàng- doanh nghiệp năm 2014 và lên kế hoạch năm 2015 sớm để UBND TP.HCM duyệt.

"NHNN chi nhánh cần làm rõ tại sao tín dụng của TP.HCM chiếm gần 40% cả nước nhưng năm nay chỉ tăng 11%, trong khi cả nước tăng 13%?", bà Hồng đặt vấn đề.

Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết thêm năm 2015 ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có cuộc tái cấu trúc lần 2, sẽ gom các ngân hàng lại để tạo thành những ngân hàng có quy mô lớn, đạt chuẩn mực quốc tế.

Các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ xấu theo Thông tư 02. Bên cạnh đó, vấn để mua nợ xấu của VAMC theo giá thị trường cũng được triển khai.

Năm nay, các ngân hàng đã tự xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro khoảng 80.000 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại