Chiều ngày 3/7, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu 6 thứ trưởng cùng lãnh đạo các cục vụ, lãnh đạo các sở GTVT trên cả nước có mặt đầy đủ để cùng đối thoại với các doanh nghiệp của ngành.
Diễn ra giữa lúc ngành giao thông có những quyết sách cứng rắn mạnh mẽ, nên đồng loạt các doanh nghiệp như được dịp thi nhau tố khổ. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp nêu ra tại đây đã được Bộ trưởng Thăng xử lý “tại trận”.
“Cho thanh tra đột xuất ngay lập tức”
Đại diện Chi nhánh Công ty vận tải Phương Trang (Cần Thơ) kêu ca với Bộ trưởng về việc trung bình mỗi tháng thiệt hại 800 triệu đồng vì giá xuất bến tăng cao.
Trong buổi đối thoại, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ giải thích việc giá xuất bến cao là vì đội giá nhiều, điều này là nằm trong thỏa thuận của chủ bến là Công ty Cầu phà - đơn vị tư nhân khai thác dịch vụ vận tải trên tuyến với doanh nghiệp vận tải; Bộ trưởng Thăng tức khắc hỏi lại: “ Sao anh là cơ quan quản lý nhà nước mà để cho doanh nghiệp cầu phà đó tự ý tăng giá?”. Sau một lúc nghe ông Đồng diễn giải tiếp, bộ trưởng Thăng chốt hạ: “Tôi chẳng hiểu gì cả, việc này giao tra cho thanh tra Bộ thanh tra đột xuất ngay, trong tháng 7 phải có kết quả báo cáo cho tôi.”
Tiếp theo, khi ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nêu chất vấn không hiểu lý do vì sao Hà Nội hiện nay đột ngột ngừng cấp phù hiệu taxi cho doanh nghiệp trong hiệp hội. Khi nghe được thông tin này, Bộ trưởng Thăng gọi ngay Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh có mặt trong cuộc họp lên hồi đáp doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Linh viện dẫn các nghị định về điều kiện kinh doanh taxi, đề án quy hoạch về phát triển taxi trên địa bàn Thủ đô đã được phê duyệt để lý giải, Bộ trưởng Thăng hỏi: “Vậy quy hoạch có được công khai không? Việc ngừng cấp phép có phải vì đã đủ số lượng hay không anh Linh phải nói rõ?”.
Giãi bày một lúc, ông Linh cho biết theo quy hoạch Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục cấp phép cho taxi. Giải quyết xong việc, Bộ trưởng Thăng cẩn thận hỏi lại ” anh Bình đã "thỏa mãn" chưa”?, ông Bình mỉm cười đáp lại.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
“Quy định sai, phạt rồi cũng trả lại tiền cho DN”
Trong cuộc đối thoại này, nhiều doanh nghiệp lên tiếng kêu khổ vì bị phạt theo Nghị định 171, khi chở hàng không vượt quá tổng tải trọng quy định theo Thông tư 07 và 03 của Bộ GTVT quy định về tải trọng xe lưu hành trên đường bộ, song vượt quá quy định về tải trọng trục xe cũng theo 2 Thông tư này.
Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng đề cập việc các quy định không thống nhất sổ kiểm định, mỗi thời điểm lại cấp tải trọng khác nhau cho cùng một loại xe. Việc xử phạt quá tải trọng trục trong khi doanh nghiệp chở hàng không quá tổng tải trọng, và xử phạt trên đường thì có nơi phạt theo giấy đăng kiểm, có nơi lại phạt theo tải trọng cầu đường ...
Ông Hoàng Quang Ngọc – Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội) cũng bày tỏ bức xúc: “Xin Bộ hướng dẫn cho chúng tôi để chở không quá tải trọng trục; trong khi chúng tôi chỉ chở đúng trong phạm vi tổng tải trọng cho phép vẫn bị phạt? Nếu chưa hướng dẫn được thì đề nghị không được phạt chúng tôi!”.
Lên tiếng về việc cấp đăng kiểm cho tải trọng của đầu kéo và móc kéo, Cục trưởng Cục Đăng kiểm - ông Trần Kỳ Hình cho biết: "Trước đây khi các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện theo Thông tư 03 và 07 thì không chở quá tải, đến nay việc thực hiện Thông tư 06 (hợp nhất của thông tư 03 và 07) thì những xe này quá tải.
Hiện nay các doanh nghiệp vẫn hiểu sai về Thông tư 07 bởi cùng một phương tiện nhưng ở những thời điểm khác nhau (các kỳ kiểm định) được Đăng kiểm cấp chứng nhận chở khối lượng hàng hóa khác nhau là do sức khỏe của phương tiện ở thời điểm đăng kiểm chỉ chở được khối lượng ngần đó."
Ông Hoàng Quang Ngọc tỏ ý trách móc vì Bộ không đưa ra tiêu chuẩn mẫu thì doanh nghiệp thiếu thông tin, từ đó không thể trách doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trấn an: “Tôi đồng ý là khi chưa đưa ra được thế nào là bộ tiêu chuẩn mẫu thì không được bảo là doanh nghiệp sai. Tất cả những vấn đề mà quy định pháp luật còn chưa thống nhất thì chưa được phạt doanh nghiệp. Quy định pháp luật mà mâu thuẫn, đã sai thì phạt rồi cũng phải trả lại tiền cho doanh nghiệp”.
“Không chờ mai, tối nay ra ngay văn bản”
Liên quan đến vấn đề đầu kéo đồng tải trọng đang nói ở trên, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải bổ sung ý kiến: “Từ nay đến 31/12/2014 nếu Chính phủ đồng ý thì sẽ không xử phạt tải trọng trục nữa.”
Bộ trưởng Đinh La Thăng lập tức xua tay “Chính phủ đã đồng ý về chủ trương rồi nên không cần chờ văn bản, Bộ sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an và các cơ quan không phạt nữa, tôi chịu trách nhiệm điều đó”. “Báo cáo Bộ trưởng, sáng mai Vụ Vận tải sẽ trình văn bản...” – ông Hùng vừa nói chưa hết câu thì bộ trưởng Thăng cắt lời: “Không sáng mai gì hết, tối nay phải có văn bản để trên bàn tôi!”. Cả hội trường vỗ hay tán đồng nhiệt liệt.
Cuộc đối thoại này còn thu nhận hàng loạt ý kiến của các doanh nghiệp vận tải trên cả nước về những bất cập trong công tác ban hành và triển khai chính sách của ngành giao thông; như đăng kiểm, kiểm soát tải trọng xe dành cho xuất khẩu, thời điểm cân xe, tải trọng cầu, chất lượng đường sá….
Tuy nhiên, hầu hết đều được lãnh đạo Bộ và các cục vụ, sở GTVT các tỉnh giải đáp cặn kẽ và cầu thị. Cuối buổi, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ quan điểm:
“Tôi xin lỗi các doanh nghiệp vận tải về những thiếu sót, bất cập, những thủ tục rườm rà, những văn bản chưa đáp ứng được nguyện vọng, gây bức xúc cho các anh. Tôi xin được lắng nghe, tiếp thu đầy đủ và sửa đổi các văn bản đặc biệt là sửa đổi Nghị định 171 và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ với một quy trình ngắn gọn để tháo gỡ được các vướng mắc chúng ta đã trao đổi.
Quan điểm của Bộ khi xây dựng chính sách là phải dễ hiểu, dễ thực hiện, không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Phải tạo sự bình đẳng, minh bạch giữa người thực thi công vụ và doanh nghiệp, lái xe”.
>>> Xem thêm: Bộ Trưởng Đinh La Thăng nói về phí bảo trì đường bộ
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA