Theo ông Tuấn Anh thị trường bất động sản vẫn đang dừng và loay hoay ở đó. Cũng bắt đầu từ hệ quả của năm 2013, năm nay sẽ tiếp tục có những khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng.
Hướng tháo gỡ có thể cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”, nên có giải pháo cho yếu tố đầu tư, kinh doanh của nước ngoài vào kênh này.
Trước đó năm 2013 vị “dị nhân” này cho rằng bất động sản vẫn “chết lâm sàng”, xu hướng xấu đi. Nếu muốn cứu thì nên gián tiếp bằng việc “kích cầu” đời sống của người dân.
Ông cũng cho rằng, ở lĩnh vực này nên “cứu” bằng chính sách, cơ chế chứ không nên “cứu” bằng tiền mặt. Đặc biệt, cần giải phóng toàn bộ các quy hoạch “treo”.
Dự đoán của dị nhân dường như chỉ đúng một phần rất nhỏ, bởi gần đây nhất ngày 7/1/2014 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, tổng giá trị tồn kho bất động sản giảm gần 1/3 so với đầu năm 2013. Đến thời điểm này, tổng giá trị tồn kho khoảng 94.458 tỷ đồng.
Dù rằng dư luận tỏ ra nghi ngờ thông tin về lượng hàng tồn kho bất động sản giảm mạnh trong nửa cuối năm 2013, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đây là thông tin chính xác với số liệu đảm bảo.
Dù vậy thực tế thì việc tái cơ cấu thị trường bất động sản có những “đau đớn” nhất định (với hơn 10.000 doanh nghiệp của ngành phải đóng cửa, phá sản), nhưng đến thời điểm này, thị trường đã ổn định và xu hướng này sẽ rõ ràng hơn trong năm Giáp Ngọ. Theo Bộ trưởng, minh chứng là hàng hóa tồn kho bất động sản giảm dần đều qua từng quý.
Nhưng ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành lại không tin như vậy.
Ông cho rằng thực tế của thị trường BĐS đang rất u ám và chỉ cách cho mọi người tự kiểm định bằng cách: “Hãy cứ dạo một vòng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhìn qua những dự án xây dựng nhà chung cư đang trùm bạt thì sẽ biết thị trường BĐS đang ở đâu”.
Ông cũng minh chứng thêm: Chỉ cần một dự án gồm 2 lô chung cư cũng tồn kho gần 1.000 căn hộ nên con số này cần phải nhân 3-5 lần mới hợp lý chưa kể những công trình dở dang chưa bán được đã đắp nền đắp chiếu; chưa kể những dự án đã xây xong chưa bán được, chủ đầu tư đã PR bằng cách mỗi đêm bật đèn, điện sáng lên nhưng thực sự không có người ở.
Muốn biết hàng tồn kho thế nào phải kiểm tra thực tế trực tiếp, kiểm tra số xe đậu ở tầng hầm, số người ở trực tiếp sống trong căn hộ còn nếu chỉ căn cứ theo báo cáo của từng doanh nghiệp số hàng bán ra, số hàng tồn kho thì chúng ta sẽ bị nhầm lẫn rất lớn"- ông Đực thẳng thắn.
Ông phân tích thêm, nhiều doanh nghiệp có 1.000 chung cư, thực tế họ có thể báo cáo đã bán 9.999 căn và chỉ báo cáo hàng tồn kho còn 1 căn, nhưng 9.999 căn họ bán cho ai? Họ bán cho sàn bất động sản, người quen, thành viên hội đồng, mỗi người ôm 50-100 căn. Tức là hàng tồn kho chuyển từ kho của chủ đầu tư sang cho những nhà phân phối thứ cấp, hội đồng thành viên hay những người mua đi bán lại, nghĩa là thực sự vẫn còn nguyên....
Ông Đực chỉ thẳng, tồn kho chắc chắn cao nhưng khi khai báo họ chỉ khai tồn kho còn 20-50 căn. Người mua tiếp tục ôm vào không bán được và chết dí trên những hàng tồn kho thứ cấp hoạt động và cạnh tranh với chính hàng tồn kho của các nhà đầu tư ban đầu, tức là không phải cạnh tranh giữa dự án này với dự án kia mà ngay trong một dự án cũng cạnh tranh ráo riết nhau khiến cho không dự án nào bán được.
Và dường như những dự báo, nhận định về BĐS của dị nhân và ông Đực đang khác rất xa so với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nói như ông Đực thì: chỉ cần Bộ trưởng ra lệnh là giá nhà đã hạ và cũng không cần quá nhiều động tác thì hàng tồn BĐS cũng giảm được 1/3.