Những ngày cuối năm 2012, ngay sau lễ mở cửa lấy ngày đẹp, một vị khách tình cờ ghé xem Tràng Tiền Plaza đã bỏ ra 160 triệu đồng mua 1 chiếc đồng hồ tại đây. Sự khởi đầu khá ấn tượng này đem đến cho những người vận hành, khai thác trung tâm thương mại có vị trí đẹp nhất thủ đô niềm tin về một sự thành công mới.
Ông chủ và giới showbiz
Có vị trí đẹp nhất Thủ đô với bề dày lịch sử và tên tuổi thương hiệu lớn, song Tràng Tiền Plaza với cách quản lý vận hành lỗi thời của công ty TNHH Tràng Tiền (trực thuộc tổng công ty Vinaconex, sau này được chuyển giao cho tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) đã thất bại. Nhiều người từng đến đây ví Tràng Tiền Plaza lộn xộn như một cửa hàng bách hóa thời bao cấp hoặc những chợ bán lẻ bình dân.
Hàng hóa nghèo nàn, tốt xấu lẫn lộn, phẩm cấp, chất lượng, giá cả không đảm bảo... Hoạt động èo uột tất yếu cho kết quả là hiệu quả kinh tế thấp. Do không phải là công ty đại chúng nên kết quả kinh doanh của công ty TNHH Tràng Tiền không được công bố, song một nguồn tin từ Vinaconex cho hay, doanh nghiệp hầu như không có lãi.
Trước thực trạng đó, sau khi tiếp nhận doanh nghiệp này, SCIC quyết định tái cấu trúc. Tràng Tiền Plaza đóng cửa, một đề bài với hiệu quả kinh tế đặt lên hàng đầu được đưa ra, các phương án đầu tư, kinh doanh được xây dựng. Trong rất nhiều phương án, liên doanh với đối tác nước ngoài được lựa chọn bởi kinh nghiệm và tiềm lực cũng như khả năng làm việc với các thương hiệu lớn của họ. Tràng Tiền Plaza được định vị trở thành trung tâm mua sắm hàng hóa cao cấp, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài.
Một cuộc thi được tổ chức nhằm chọn ra đối tượng hợp tác với SCIC với 5 gương mặt sừng sỏ nhất tại châu Á tham gia, trong đó có những tên tuổi như: Parkson (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc), DFS (Singapore)… Cuối cùng DFS, được biết đến với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới, với đại diện là doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn (bố chồng Tăng Thanh Hà) được lựa chọn.
Chi tiết hợp đồng hợp tác giữa hai bên không được tiết lộ, song theo một quan chức của SCIC, DFS chịu trách nhiệm làm việc với các đối tác, mời gọi họ đến thuê địa điểm và bán hàng tại đây, cũng như chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý vận hành trung tâm thương mại. Lợi nhuận sẽ được phân chia theo tỷ lệ được thỏa thuận.
Nhằm thổi một làn gió mới vào diện mạo và phong cách của Tràng Tiền Plaza, phía đối tác nước ngoài rất cầu kỳ trong việc cải tạo sửa chữa. Họ cất công sang tận Pháp, nơi lưu giữ bản thiết kế những ngày đầu của Tràng Tiền Plaza để có được những thông số phục dựng lại nơi đây theo lối kiến trúc thanh lịch và sang trọng, cổ kính. Tuy nhiên, để đảm bảo kiến trúc, cảnh quan của tòa nhà nằm ngay cạnh Hồ Gươm, việc sửa chữa, cải tạo Tràng Tiền Plaza còn được UBND TP Hà Nội quan tâm và giám sát chặt chẽ.
Theo yêu cầu của chính quyền thành phố, công trình phải giữ kiến trúc vốn có, chỉ làm mới hoặc thay thế vật liệu, màu sắc và một vài chi tiết kiến trúc; không làm biến dạng về hình thức, kết cấu hiện có. Kết quả của sự cải tạo là bên ngoài tòa nhà vẫn giữ nguyên, số tầng, kiến trúc, màu sơn không thay đổi. Phía bên trong tòa nhà có thay đổi cấp trần, hệ thống chiếu sáng, điều hòa bằng những vật liệu, thiết bị cao cấp.
Nhưng thay đổi lớn nhất nằm ở sự vận hành và những thương hiệu xuất hiện ở đây. Với mối quan hệ và khả năng thuyết phục, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh hàng cao cấp, DFS đã đưa về đây những thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới như: Luis Vuitton, đồng hồ Rolex, mỹ phẩm Chanel... Các thương hiệu cao cấp của Việt Nam cũng có mặt, song chiếm tỷ lệ thấp bởi giá thuê tại đây không hề dễ chịu, trung bình khoảng 150 USD/m2/tháng.
Dự kiến, Tràng Tiền Plaza sẽ chính thức khai trương vào ngày 15/3/2013. Song trước Tết Quý Tỵ, trung tâm đã mở cửa để khách hàng và người dân đến tham quan, mua sắm làm quen. Trong ngày mở cửa đầu tiên, gia đình Jonathan Hạnh Nguyễn xuất hiện với sự có mặt của cô con dâu đình đám Tăng Thanh Hà. Mối quan hệ chặt chẽ và rất rộng của gia đình này trong giới showbiz và doanh nhân, đối tượng khách hàng chính của hàng hiệu, với kinh nghiệm điều hành nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thành công cho trung tâm thương mại "kiêu kỳ" nhất thủ đô.
Thách thức
Nền kinh tế đang khó khăn, hàng hiệu trở thành món đồ quá xa xỉ với một bộ phận khách hàng Việt Nam, kể cả những người trước đó không tiếc tiền cho khoản mục này. Một loạt nhãn hiệu giảm giá tới 50%, thậm chí 70% trong dịp cuối năm tại các trung tâm thương mại cao cấp như Parkson, Vincom nhằm kích cầu, vậy mà doanh số tăng không như kỳ vọng. Như tại Parkson, dù chỉ có duy nhất 1 ngày giảm giá 40% cho tất cả các mặt hàng tại đây vào 25 tháng Chạp âm lịch, nhưng lượng người mua không tăng đã cho thấy việc chi tiêu chặt chẽ hơn của khách hàng.
Với những mặt hàng cực cao cấp, giá cả lên tới vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng như tại Tràng Tiền Plaza, đây sẽ là trung tâm thương mại cực kỳ kén khách. Đó là chưa kể những người có khả năng sắm những món đồ này có thể dễ dàng mua chúng tại nước ngoài, nơi được tin tưởng về giá cả và chất lượng.
Tại Hà Nội, đã có những trung tâm thương mại từng định vị là địa chỉ mua sắm cao cấp đã thất bại thảm hại. Đơn cử, Grand Plaza với ông chủ là Công ty IDJ. Không phải nhà khai thác và vận hành trung tâm thương mại chuyên nghiệp, chỉ là đơn vị trung gian, mua thứ cấp sàn thương mại và bán lại hoặc cho thuê lại để kiếm lời đã dẫn đến việc các chủ gian hàng vào thuê tại đây, mỗi người bài trí cửa hàng theo một phong cách riêng, giá cả lộn xộn, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, chính sách khuyến mãi mỗi chủ cửa hàng một khác. Khách hàng mua sắm thưa thớt dần và khách thuê bỏ đi gần hết sau những ngày đầu khá xôm tụ, khiến "thiên đường mua sắm" này biến thành "thiên đường trống vắng".
Dẫu vậy, một số địa chỉ mua sắm cao cấp khác như Vincom Bà Triệu hay Parkson Thái Hà vẫn được đánh giá là thành công. Chìa khóa cho lời giải bài toán hiệu quả của loại hình kinh doanh này có lẽ là yếu tố con người và kinh nghiệm vận hành cũng như khai thác mạng lưới khách hàng.