Có thể khẳng định ngay rằng, sự trở lại của Tràng Tiền Plaza nổi như cồn bởi chính tên tuổi và cả những câu chuyện đằng sau của ông trùm hàng hiệu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP).
Đình đám không chỉ bởi 400 tỷ đồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đổ ra để tạo nên một Tràng Tiền Plaza hoàn toàn khác biệt so với lịch sử của địa danh nổi tiếng này trên đất Hà Thành.
Cũng phải nói thêm, số tiền trăm tỷ đồng này chỉ là phần đầu tư cải tạo bên ngoài của toà nhà. Để làm nên đẳng cấp 5 sao của Tràng Tiền Plaza, phải kể tới 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng, được các nhà đầu tư bỏ ra để hoàn thiện nội thất cho 112 gian hàng siêu sang. Trong số này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 20 gian.
Trong lúc này, giới đầu tư lại tiếp tục bàn tán tới tỷ lệ 95% diện tích của Tràng Tiền Plaza đã được lấp đầy bằng sự hợp tác của hơn 40 thương hiệu hàng đầu thế giới chỉ sau gần 1 tháng mở cửa mà không phải thông qua bất cứ công ty môi giới nào. Thậm chí, nhiều người bình luận rằng, vào thời điểm này, chỉ có ông Jonathan Hạnh Nguyễn mới làm được điều đó.
Soi lại vào lĩnh vực đầu tư này, có thể thấy tên tuổi của IPP và Johnathan Hạnh Nguyễn khá dày đặc. Đó là các dự án đầu tư tại các khu kinh tế cửa khẩu như: Mộc Bài – Tây Ninh, Lao Bảo – Quảng Trị, Kim Thành – Lào Cai, Móng Cái – Quảng Ninh, Tịnh Biên – An Giang...
Đó là các dự án trung tâm mua sắm hàng thời trang cao cấp Rex Arcade tại Khách sạn Rex hợp tác đầu tư cùng Saigon Tourist, các cửa hàng cao cấp tại Vincom – Eden… và cả dự án Tràng Tiền Plaza kết hợp với Công ty Thương mại Tràng Tiền... Đây đều là những dự án lớn nhất và đầu tiên ở Việt Nam về kinh doanh thời trang cao cấp.
Chưa dừng lại, nghe phong thanh, ông trùm hàng hiệu Hạnh Nguyễn đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xúc tiến chương trình “Năm du lịch hàng hiệu 2013” tại Việt Nam nhằm thu hút ngoại tệ thông qua việc mua sắm hàng hiệu cao cấp từ hàng triệu du khách nước ngoài…
Nhưng ông trùm hàng hiệu lại không muốn nói về điều này. Khi trả lời về lý do đầu tư một khoản tiền lớn vào một phân khúc thị trường vô cùng nhỏ hẹp ở nền kinh tế mới nổi, nhưng đang trong lúc khó khăn như Việt Nam, ông kể lại câu chuyện cách đây 29 năm.
“Vào năm 1984, khi tôi trở về nước và ra thăm Hà Nội, tôi đã đứng rất lâu trước Trung tâm Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền và thoáng buồn. Một bách hoá nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, một biểu tượng mà người dân Hà Nội đi đâu cũng nôn nao nhớ về sao mà xưa cũ, buồn tẻ. Lúc đó, tôi đã ấp ủ giấc mơ được tham gia cải tạo lại toàn bộ trung tâm này để mang lại diện mạo mới cho Hà Nội”, ông kể.
Có thể thấy sự nhạy cảm của một người Việt Nam đã sống hơn 20 năm ở nước ngoài, đã có những kinh nghiệm kinh doanh trên trường quốc tế và hơn hết là vẫn đau đáu tâm tư trở về và đóng góp cho tổ quốc.
Theo gia đình định cư tại Philippines khi ngoài 20 tuổi, Johnathan sang Mỹ du học đại học về chuyên ngành hàng không và được cử làm Tổng đại diện của Hãng Hàng không Philippines (Philippines Airlines) tại khu vực Đông Dương.
Ông kể, khi đất nước mở cửa, trở về Việt Nam, ông có cơ hội được gặp các vị lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, được nghe về những sách lược, chiến lược phát triển, mở cửa nền kinh tế, ông nhận thấy đã đến lúc phải bắt đầu kế hoạch “làm giàu cho Tổ quốc”.
“Ấn tượng nhất là một lần tôi được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được nghe lời khuyên của ông rằng, đất nước còn khó khăn, các anh em bà con ở nước ngoài nên góp sức xây dựng đất nước”, ông kể lại
Lời khuyên này cùng với câu nói mà ông rất tâm đắc, đó là: “Đừng bao giờ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi, ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” đã trở thành động lực để ông khởi động các kế hoạch đầu tư về nước.
Bước đầu tiên rất quan trọng, đó là bắt tay thực hiện dự án mở đường bay Manila - TP HCM. Những năm 1985-1986, lượng khách nước ngoài vào Việt Nam rất ít, do đặc thù của nền kinh tế mới hé cửa với thế giới, thủ tục visa khó khăn, rủi ro của Dự án này lên tới… 90%.
“Nhưng tôi thuyết phục đối tác Philippines rằng, đây không phải là việc làm trong 2-3 năm, mà là 10-20 năm sau”, ông Hạnh Nguyễn kể lại khi đã lấy cả uy tín và khoản vốn góp của mình để thuyết phục các nhà đầu tư cho dự án. Thực tế, trong ba năm đầu đi vào hoạt động, số tiền lỗ lên tới 5 triệu USD. Nhưng cho đến nay, đường bay đã phát huy tiềm lực.
Năm 1995, khi Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn trở thành cầu nối, kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài vào trong nước. Dự án đầu tiên được ông thực hiện tại Nha Trang là sản xuất hàng song mây xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 8.000 lao động địa phương.
Tính đến nay, ông đã kêu gọi hợp tác đầu tư 30 dự án, với tổng trị giá hơn 455 triệu USD, mang lại doanh số hằng năm khoảng 580 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động ở Việt Nam.
Riêng với Công ty Imex Pan-Pacific-IPP do ông thành lập cũng đang thực hiện hàng chục dự án thuộc nhiều lĩnh vực thương mại, cung cấp dịch vụ thực phẩm và giải khát, khách sạn, du lịch, cửa hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế và 4 quốc gia ở Đông Nam Á, phân phối độc quyền hơn 70% các nhãn hiệu thời trang và mỹ phẩm hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Trở lại Tràng Tiền Plaza, dường như người ta lại thấy hình ảnh dùng uy tín và tài sản làm bảo đảm để thu hút các nhà đầu tư của ông cách đây 28 năm, khi lần đầu quay trở lại Việt Nam. Mặc dù việc trúng thầu làm chủ dự án này được ông cho là may mắn, song Johnathan cũng xác định, Tràng Tiền Plaza không thể thu vốn trong 1,2 năm tới và cũng không thể có ngay lợi nhuận, thậm chí phải chấp nhận lỗ trong một ba năm.
“Điều thỏa mãn nhất của tôi lúc này là giấc mơ Tràng Tiền đã thành hiện thực. Trong tương lai, tôi mơ sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều dự án trung tâm thương mại tầm cỡ tại TP HCM để Việt Nam có quyền tự hào về bộ mặt tươi sáng, phồn vinh của mình và khách đến Việt Nam không thể không đặt chân tới các trung tâm này để tiêu tiền và mua sắm” - ông nói và nhắc tới những dự báo của các chuyên gia kinh tế, khi kinh tế hồi phục sẽ kéo theo sức mua tăng và lúc đó, trung tâm thương mại sẽ là nơi mua sắm sôi động nhất.
Đã có người hỏi, ông có ngại không khi được gọi là tỷ phú, ông trả lời: Hãy cho tôi thêm thời gian, tôi sẽ phấn đấu, bổ sung những gì còn thiếu sót để thật sự xứng đáng là tỷ phú, chứ không phải tỷ phú trên giấy hay tỷ phú bong bóng.
Một điều ít người biết tới về ông trùm hàng hiệu này, đó là những dự án ông thực hiện dường như đều bắt nguồn từ … ước mơ thiết thực.
Lần đầu về nước, ngồi trên máy bay nhìn xuống thành phố, ông thấy buồn vì các nóc nhà chỉ một màu xám bạc ảm đạm, mái tôn thì gỉ sét, còn mái ngói thì bạc màu, lúc đó, ông ước mơ sẽ làm cho các mái nhà tươi sáng lên và năm 1995, Nhà máy sản xuất sơn TOA được hình thành.
Hay như dự án đình đám hiện tại là Tràng Tiền cũng bắt đầu từ ước mơ thay đổi diện mạo cho Hà Nội. Rồi ông làm cả dự án xuất khẩu cát ở Nha Trang, dự án xuất khẩu song mây, dây khoá kéo...
Không phải tất cả đều thành công, nhưng như ông đã nói: “Kinh doanh là đường dài, các dự án tôi thực hiện nếu chưa đi được tới đích như dự định thì trước mắt cũng giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều người hoặc phục vụ thị trường, nhất là gần đây, khi ngành du lịch phát triển, một trong những yếu tố thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam là nhu cầu shopping”.
Thời điểm hiện nay, các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư của IPP gặp không ít khó khăn, nhất là lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu khi mà ở nước ta, đây là mặt hàng xa xỉ, bị áp thuế cao. Với khoản đầu tư lớn, cộng với sức mua đang giảm do kinh tế chưa ổn định, Tràng Tiền Plaza chắc sẽ phải mất nhiều thời gian sống nhờ vào thương hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn. Nhưng ông vẫn rất tự tin.
“Lượng khách du lịch quốc tế đang đóng góp lớn vào doanh thu tại các cửa hàng này. Nên tôi vẫn quyết tâm thực hiện và cái được lớn nhất là các dự án kinh doanh của chúng tôi đã góp phần tạo ra bộ mặt mới tươi sáng, phồn thịnh hơn cho thành phố”, ông Johnathan tâm sự.