Chiếc Bphone trên tay nhóm TekCafe. Ảnh: TekCafe.
Như ICTnews đã đưa, vào chiều ngày 26/6, chiếc điện thoại Bphone của Bkav đã được root bởi nhóm lập trình viên TekCafe.vn.
TekCafe đã sử dụng phần mềm có tên Android Terminal Emulator để thực hiện các thao tác dòng lệnh trực tiếp ngay trên Bphone.
Và không ngoài dự đoán, Bkav đã vô hiệu hóa tập tin nhị phân quản lý ADB trong /system/bin, tập tin này có tên là adbd (Android Debug Brigde Daemon). Đây là lý do khiến máy tính không nhận diện được Bphone thông qua kết nối ADB.
Sau đó, TekCafe sử dụng công cụ root có nguyên tắc dựa trên các lỗi này (exploit tools) khá phổ biến để root thử. Kết quả, chiếc Bphone đã bị root trong vòng chưa đầy 2 phút thông qua phần mềm này.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, trao đổi với ICTnews vào sáng ngày 27/6, đại diện Bkav cho hay: smartphone cũng như một chiếc máy tính được mua tại siêu thị, cửa hàng cài sẵn Windows.
Vì bạn là chủ nhân của nó cho nên bạn có toàn quyền với nó, bạn có thể xoá Windows cài một hệ điều hành khác nếu muốn.
Ví dụ như Ubuntu và việc này ai cũng biết nó rất đơn giản. Với việc cài đặt lại như vậy trên smartphone thì nó được gọi là "root".
Bkav cũng như các nhà sản xuất khác, Bkav không có ý định ngăn cản việc “root” nào cả, vì thiết bị khách hàng đã mua về có toàn quyền với sản phẩm.
Cũng giống như bạn mua về một căn hộ và bạn có thể thay đổi phòng khách thành phòng ngủ; phòng ngủ thành phòng khách vì đó là quyền của bạn.
Người dùng không thích cài hệ điều hành BOS của Bkav thì có thể cài hệ điều hành khác nếu muốn.
Tất nhiên nó sẽ chạy không ổn định và có thể gây ra lỗi, bởi không được tối ưu như nhà sản xuất tối ưu trên sản phẩm của mình.