BĐS suy thoái, hàng loạt dự án ở Hà Nội ngừng trệ

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ này, các chủ đầu tư đều “đổ lỗi” cho sự suy thoái của thị trường nhà đất, vướng mắc về quy hoạch và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng…

Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt là giải quyết nhu cầu về nhà ở thực cho các đối tượng thu nhập thấp, thành phố Hà Nội cũng hoàn thành việc rà soát, kiểm tra đợt một đối với 15 dự án khu đô thị, khu nhà ở đang triển khai trên địa bàn.

Qua kiểm tra, hầu hết các dự án nhà ở đều bị chậm tiến độ. Tình trạng thiếu các công trình trường học, hạ tầng xã hội thiết yếu trong và ngoài dự án đã và đang gây bức xúc cho nhiều cư dân.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ này, các chủ đầu tư đều “đổ lỗi” cho sự suy thoái của thị trường nhà đất, vướng mắc về quy hoạch và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng…

100% dự án chậm tiến độ

Trong số các doanh nghiệp chậm trễ về tiến độ, có thể kể đến dự án Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai) do Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

Với quy mô gần 24ha, dự án cam kết thực hiện từ năm 2002 đến 2007, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 3.426 m2 chưa giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án chưa được các chủ đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng “bỏ ngỏ,” không xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch, trong khi dự án đã hoàn thành xây dựng 1.117/1.125 căn biệt thự và ba khối nhà chung cư cao tầng.

Hay tại một số dự án khác của chủ đầu tư này như Khu nhà ở Bắc Đại Kim - Định Công mở rộng, mặc dù tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý 4/2003 đến quý 1/2005, song dự án mới giải phóng được 8% tổng diện tích đất (tương đương với 8.769 m2); dự án khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) với quy mô 19,8ha, cũng chỉ có 1/8 khối nhà cao tầng và 141/174 căn nhà ở thấp tầng được triển khai xây dựng. Do đó, hạ tầng xã hội và các công trình công cộng cũng chưa được đầu tư xây dựng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chỉ hoàn thành trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng.

Tương tự, tại một dự án rất “khủng” về quy mô diện tích (189,7ha), khu đô thị mới Nam An Khánh do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) làm chủ đầu tư cũng đang “báo động” về tiến độ thực hiện, mặc dù theo văn bản cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính Phủ không xác định thời gian thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Đức Học cho biết, dự án khu đô thị Nam An Khánh được triển khai từ năm 2004, nhưng tại thời điểm kiểm tra các chủ đầu tư mới xây dựng được 588/1.620 căn thấp tầng của cả khu.

Đáng lo ngại là dự án có tới 8,3ha dành để xây dựng các công trình công cộng và trường học nhưng hiện chưa có công trình nào được đầu tư xây dựng với lý do chưa có công trình nhà ở nào hoàn thành đưa vào sử dụng. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng mới hoàn thành 60% khối lượng công việc. Đối với phần mở rộng của dự án Nam An Khánh (khu B - 44,6ha), chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và mới giải phóng mặt bằng được 24 ha.

Tại địa bàn quận Long Biên, các dự án như Thạch Bàn và Hanoi Garden City cũng “viện” nhiều lý do để giải thích cho tình trạng chậm tiến độ vì cả hai dự án đều phải hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2013.

Cụ thể, tại dự án khu nhà ở Thạch Bàn còn vướng 2ha chưa giải phóng mặt bằng do quận chưa bố trí được nơi di chuyển nghĩa trang và một phần đất có nguồn gốc phức tạp, chính sách hỗ trợ, bồi thường còn nhiều bất cập.

Hiện tại, dự án thi công xong 114 căn nhà ở thấp tầng, nhưng chưa triển khai thi công các nhà chung cư cao tầng (gồm CT1, CT2A, CT2B). Các khu đất được quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường học phục vụ cư dân đến sinh sống vẫn bị bỏ hoang, chưa triển khai.

Còn dự án Khu đô thị mới Hanoi Garden City (diện tích 31,54ha, quy mô dân số 6.600 người), dù đã đưa vào sử dụng khu chung cư CT4 với 148 căn hộ và đang xây 103 căn biệt thự nhưng theo chủ đầu tư này dự án mới bán được 100 căn chung cư và 37 căn biệt thự.

Cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ từ 1- 3 năm, hàng loạt dự án trên địa bàn thị xã Sơn Tây như khu đô thị mới Mai Trai – Nghĩa Phủ, khu nhà ở Sơn Lộc, khu nhà ở Phú Thịnh, khu đô thị Thiên Mã… đều đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch hoặc có dự án chưa đưa vào kinh doanh do chưa đủ điều kiện và có một phần dự án đã hoàn thành xây móng nhưng chưa có khách mua…

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, 100% dự án kiểm tra đợt này đều chậm tiến độ. Và điều đáng quan tâm hiện nay là hầu hết các dự án đều “lơ là” nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội (như trường học, nhà trẻ, trung tâm y tế…) và các công trình công cộng phục vụ người dân. Thậm chí có dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng một phần nhưng chưa có một công trình thiết yếu và tiện ích nào được xây dựng.

BĐS suy thoái, hàng loạt dự án ở Hà Nội ngừng trệ
 Khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp tại Đặng Xá, Gia Lâm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Đổ lỗi” cho sự suy thoái của thị trường

Giải thích nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án, chủ đầu tư các khu đô thị Nam An Khánh và Hanoi Garden City đều cho rằng, do phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nên ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư dự án.

Thêm vào đó, tình hình thị trường bất động sản suy thoái cũng gây khó khăn cho việc huy động nguồn vốn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối xa khu vực dự án nên việc kết nối giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông kém cũng ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của dự án và tác động lớn đến việc chuyển đến sinh sống của người mua nhà. Đây cũng là một trong những lý do khiến các chủ đầu tư dự án “lờ” luôn việc đầu tư các công trình hạ tầng xã hội vì hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn khác cũng đang “kêu” vướng về quy hoạch. Dự án khu biệt thự nhà vườn sinh thái Yên Bình (huyện Thạch Thất) đang phải tạm dừng thi công để chờ quy hoạch phân khu của Hà Nội tại khu vực và quy hoạch tuyến đường Láng - Hòa Lạc kéo dài. Dự án Khu đô thị Tiến Xuân (1.253ha) cũng tạm dừng triển khai để phục vụ công tác rà soát và khớp nối quy hoạch theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Không hoàn toàn phủ nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự đình trệ của các dự án, song từ khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai, các chủ đầu tư kiến nghị thành phố, các sở ngành và quận, huyện liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Thành phố cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về giá đền bù, hỗ trợ và tái định cư; có hướng dẫn cụ thể về xác định giá đất theo giá thị trường để làm căn cứ xác định thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất cho dự án.

Một số chủ đầu tư cũng kiến nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết; hỗ trợ vốn để những người có nhu cầu thực và các chủ đầu tư thực hiện dự án nghiêm túc tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ. Đồng thời có chính sách phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đúng quy hoạch của dự án.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại