Nhiều tờ báo trong nước loan tin Việt Nam giữ vị trí á quân trong xuất khẩu cà phê ra thế giới, chỉ sau Brazil. Còn kênh truyền hình BBC của Anh thì làm hẳn một phóng sự về cà phê Việt Nam. BBC cho biết lượng cà phê tiêu thụ tại Anh có nguồn gốc từ Việt Nam và đang đứng đầu thị trường này.
Tuy nhiên, chúng ta đừng vội mừng vì đằng sau những thông tin kia là một sự thật còn đắng hơn cả cà phê. Đó là khi tiêu thụ tại Anh thì cà phê Việt Nam đã được pha chế qua bàn tay của các nhà sản xuất Brazil. Nghĩa là nó đã khoác một cái vỏ bọc là cà phê Brazil và hầu hết người uống cà phê ở Anh vẫn tin đó là cà phê Brazil.
Đoàn làm phim của BBC đã đến tận các vườn cà phê ở Việt Nam, gặp gỡ nông dân, chuyên gia. Những hình ảnh tương phản được đặt cạnh nhau đã nói lên tất cả sự cay đắng này. Một bên là những người nông dân lam lũ trên rẫy cà phê, nhặt từng hạt cà phê bán với giá rẻ như bèo, chưa chắc đã đủ mua gạo ăn qua ngày. Một bên là “ông vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ khoe có 10 chiếc Ferrari, năm chiếc Bentley và tuyên bố là sẽ mua trực thăng…
Trước những số liệu về xuất khẩu và những thông tin mà BBC đưa ra, chúng ta không còn nghi ngờ gì về chất lượng của cà phê Việt Nam nữa. Thế tại sao chúng ta vẫn cứ phải tủi hờn chấp nhận phận áo gấm đi đêm? Tại sao danh tiếng cà phê Việt Nam không được thế giới biết đến? Câu trả lời nằm ở việc chúng ta quảng bá, xúc tiến thương mại quá tệ. Giới doanh nhân thì chỉ lo “chém gió”, còn các cơ quan nhà nước thì ngồi không.
Đầu năm 2013, Đặng Lê Nguyên Vũ từng tuyên bố đánh bật Starbuck ngay tại sân nhà. Thế nhưng đến giờ này ai đánh ai thì đã quá rõ. “Ông vua” này cũng từng tuyên bố sẽ tấn công thị trường cà phê Mỹ nhưng rốt cuộc chẳng làm được gì. Trái lại một gương mặt mới toanh là Phạm Đình Nguyên chẳng nói chẳng rằng mà đưa được thương hiệu cà phê Phildeli của Việt Nam đến Mỹ một cách ngoạn mục!
Xem xong đoạn phim này, không biết tham tán thương mại, Trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương có buồn không chứ kiều bào và người dân ta thì buồn rười rượi. Mới đây trong lần trò chuyện với một nhân vật từ Mỹ về, chúng tôi được vị này cho biết tại New York, Bộ Công Thương của ta có đặt Trung tâm Xúc tiến thương mại. Thế nhưng trung tâm này hầu như chẳng làm được gì. Họ chỉ mở được mỗi cái showroom trưng bày vài ba sản phẩm mây, tre, lá, hàng thủ công mỹ nghệ!
Còn tại Anh, một nhà báo từng có dịp đến xem hội chợ Việt Nam tại London bức xúc, với danh nghĩa của cả một quốc gia mà người ta tổ chức một hội chợ nghèo nàn hệt như những gian hàng lô tô, xóc đĩa ở các vùng quê Việt Nam! Nói đâu xa, mới tháng 3 năm rồi, tại một hội chợ du lịch ở Đức, Tổng cục Du lịch Việt Nam còn treo luôn một bức ảnh quảng bá “giùm” cho du lịch Trung Quốc!
Cứ quảng bá, xúc tiến kiểu này thì cà phê Việt Nam âm thầm tôn vinh cho cà phê Brazil âu cũng là điều dễ hiểu!