Được cho là sản phẩm đột phá đầu tiên tại thị trường Việt Nam, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T tự tin sẽ đánh bật sản phẩm collagen nhập ngoại, nhưng bài toán trên thực không dễ giải đối với ông bầu 52 tuổi này.
200 tỷ đồng làm đẹp “di sản”
Gần hai năm sau ngày nhận lại “cục nợ” Thủy sản Bianfishco từ Habubank, bầu Hiển trở thành nhà phân phối các sản phẩm của doanh nghiệp này, trong đó có nước uống collagen.
“Di sản” mà bà Diệu Hiền để lại cho bầu Hiển là Nhà máy sản xuất nước uống bổ dưỡng Collagen Việt Nam đặt tại Khu Công nghiệp Trà Nóc II (Cần Thơ), diện tích 9.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, công suất 50.000 lon nước/giờ. Tuy nhiên, để có tương lai tươi sáng hơn, bầu Hiển đã phải chi thêm 200 tỷ đồng để tân trang toàn bộ “di sản” này.
Đầu tiên là bộ máy quản lý. Bầu Hiển cắt cử ông Nguyễn Tất Thắng, Phó tổng giám đốc T&T sang làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) và nhà máy collagen này. Trên website của T&T, cơ cấu ban lãnh đạo cấp cao của T&T dưới tên bầu Hiển vẫn có ông Thắng với chức danh là Phó tổng giám đốc. Việc này cho thấy, T&T đang tham gia trực tiếp vào sản xuất và phân phối sản phẩm nước uống collagen.
Kế tiếp là cơ cấu lại sản phẩm, phân khúc, quy mô thị trường. T&T chọn thị trường trong nước làm gốc, sau đó mới xuất khẩu. Thay vì lấy xuất khẩu làm gốc như cách bà Diệu Hiền làm.
“Đúng là khi thành lập nhà máy collagen này, nhiều người chưa hiểu biết lắm về collagen, T&T muốn thay đổi lại tư duy của người Việt về collagen, bằng cách mang đến sản phẩm đúng collagen, chất lượng và giá thành hợp lý, tốt cho sức khỏe”, người phát ngôn của T&T lý giải cách lựa chọn thị trường của mình.
Riêng về nhà cung cấp nguyên liệu, T&T tiếp tục hợp tác với nhà cung cấp collagen - Rousselot thuộc hệ thống của Tập đoàn Vion (Pháp) – đối tác bà Diệu Hiền đã làm việc trước đó. Rousselot cũng là thương hiệu nổi tiếng, trên 100 năm kinh nghiệm và là đối tác của các hãng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm toàn cầu.
Tham vọng thách thức sản phẩm ngoại
Theo Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (BMI), trong lĩnh vực đồ uống pha chế sẵn không cồn dự báo đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành công nghiệp nước giải khát Việt Nam, nước uống collagen vẫn là thị trường bị bỏ trống. Các sản phẩm hiện tại chủ yếu được nhập khẩu.
Theo PGS-TS Ngô Đăng Nghĩa, Giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường (Đại học Nha Trang), việc sản xuất, tiêu thụ collagen ở Việt Nam sẽ thuận lợi vì số người dân có thu nhập cao tăng nhanh, ý thức về chăm sóc sức khỏe cao hơn và hiểu biết về các thực phẩm chức năng như collagen nhiều hơn.
Song ông Nghĩa cảnh báo, doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất các sản phẩm mới này có thể sẽ gặp khó khăn. Thứ nhất, giá thành còn hơi cao so với thu nhập dù so với sản phẩm tương đương ở nước ngoài là khá rẻ. Thứ hai, dù hiểu biết về các thực phẩm chức năng như collagen nhiều hơn nhưng tỷ lệ đó còn hạn chế ở thành thị và người có học. Thứ ba, tâm lý chuộng đồ ngoại còn nặng.
Có lẽ vì các nguyên cớ này, nên dù thị trương đang “khát” collagen, nhưng T&T chưa đặt ra mục tiêu doanh số, thị phần cụ thể. Song nhà phân phối này dự kiến doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng vào năm 2015.
Trước mắt, T&T sẽ phân phối 5 dòng sản phẩm collagen, có chứa nhiều vitamin như kiwi, blueberry, dâu, đào, nha đam… với giá 12.000 đồng/lon. Tuy nhiên, mục tiêu của T&T về dài hạn khá tham vọng là đánh bật các sản phẩm collagen nhập ngoại.
Nhưng với giá bán 12.000 đồng/lon, khá rẻ so vói sản phẩm nhập ngoại có thành phần tương đương (có giá từ 70.000 đến 150.000 đồng/lon), mục tiêu này không dễ đạt, nhất là khi người tiêu dùng có mức thu nhập cao thường có nghi ngờ về chất lượng, thành phần nguyên liệu giữa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm nhập ngoại.
Lý giải vấn đề này, ông Phan Văn Lộc, Trưởng phòng Marketing T&T cho hay, sản phẩm collagen nhập ngoại thường bị đẩy giá lên cao gấp nhiều lần nhằm gây cho người tiêu dùng Việt Nam nghĩ đây là sản phẩm xa xỉ.
“Mức giá 12.000 đồng/lon là nhắm vào phân khúc trung bình. Có thể thời gian đầu, Công ty chấp nhận lãi ít để thâm nhập thị trường, để người tiêu dùng trong nước kiểm định chất lượng sản phẩm, từ đó đưa ra lựa chọn của họ”, ông Ngô Đăng Nghĩa nói.
Liên quan đến vấn đề phân phối collagen, hiện T&T đẩy mạnh phân phối ở các tỉnh, thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… Ngoài việc tuyển đại lý cấp 1, cấp 2, T&T sẽ phân phối sản phẩm trong kênh siêu thị …
Tuy nhiên, một chuyên gia về marketing từng được bà Diệu Hiền nhờ lên kế hoạch phát triển kênh phân phối đã từng phân tích, nếu sản phẩm này đi theo kênh truyền thống giống như Coca Cola, Pepsi sẽ thất bại. Bởi, bản thân nước uống collagen theo tâm lý mọi người cho rằng nó sẽ làm đẹp da, có lợi cho sức khỏe không phải là nước giải khát.
Vì vậy, chiến lược phân phối collagen sẽ phải giống như nước yến, nước sâm, tức là dựa vào kênh siêu thị hoặc những cửa hàng tiện lợi như B’smart, Family Mart, Shop and Go, Co.op Food hoặc những đại lý lớn.
Cũng theo chuyên gia này, so với nước yến, nước sâm do người dân đã biết đến thì collagen là sản phẩm mới. Chính vì vậy, mục tiêu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng trong vòng hai năm tới cũng như tham vọng thách thức hàng ngoại của T&T sẽ phụ thuộc vào hoạt động marketing, giúp người tiêu dùng hiểu về collagen.
Ngoài ra, nhà sản xuất cần để tâm đến đánh giá ban đầu của một số người tiêu dùng khi họ cho rằng, sản phẩm màu mè, không tự nhiên.
Nhìn thấy cơ hội M&A
Một lần nữa, bầu Hiển lại được giới truyền thông ưu ái gán cho cái mác người đi đầu trong lĩnh vực đầu tư sản xuất collagen tại thị trường Việt Nam, đúng với thương hiệu “đón đầu mọi xu hướng mới”.
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, T&T của ông bầu 52 tuổi này đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành với thế mạnh về công nghiệp, tài chính, bất động sản, khoáng sản, thể thao, xuất nhập khẩu.
Thế nhưng, việc đầu tư vào collagen không hề dễ dàng. Bởi trước đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn Collagen 5 (thuộc Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn), một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cá tra, cá basa, đã mất hơn 6 năm nghiên cứu về collagen, nhưng cũng chỉ mới chào bán một số nguyên liệu collagen. Hiện Vĩnh Hoàn đang rất cần nguồn vốn để đầu tư dự án nhà máy sản xuất collagen thủy phân, gelatin từ da cá tra tại Đồng Tháp. Nhà máy này có công suất 2.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 424 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự án dự kiến sẽ kết thúc tháng 6/2014.
Có vẻ bầu Hiển không thiếu vốn như Vĩnh Hoàn và theo các nhà môi giới M&A thì nhiều khả năng, ông bầu này sẽ đầu tư tái cấu trúc nhà máy sản xuất collagen mạnh hơn, sau đó bán lại kiếm lời.
Nhận định này là có cơ sở, khi bầu Hiển được nhắc nhiều đến các thương vụ M&A trong giới đầu tư, đặc biệt là thương vụ đánh dấu việc nhảy vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng là mua lại Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái (Cần Thơ) vào năm 2007, sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), trở thành cổ đông sáng lập, đồng thời nắm cổ phần lớn nhất. Năm 2012, nằm trong làn sóng M&A ngân hàng, ông tham gia mua lại Habubank và đó là con đường dẫn ông đến với sản phẩm collagen được dự báo sẽ gây sóng trên thị trường trong thời gian tới.