Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi, cả thế giới nghiêng mình. Dù đã biết trước điều đó sẽ xảy ra nhưng với nhiều người, đó vẫn là một nỗi đau quá lớn!
“Không riêng gì cá nhân tôi, cả dân tộc Việt Nam đều ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đi công tác mấy hôm, khi trở về thì nghe tin bác mất. Tôi rất xúc động và rất buồn!... Nhưng cũng chỉ biết để ở trong lòng thôi, vì mình ở xa” – Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ với chúng tôi.
Dù chưa có dịp gặp trực tiếp “người yêu nước vĩ đại”, “thiên tài quân sự” Võ Nguyên Giáp nhưng trong tâm thức của bầu Đức, “Bác là người tuyệt vời trên cả tuyệt vời, rất nhân hậu, điềm đạm và ai cũng phải kính nể”.
Với bầu Đức, sự ra đi của Đại tướng là một sự mất mát quá lớn đối với dân tộc Việt Nam. “Không chỉ riêng tôi, cả giới doanh nghiệp trong nước đều xúc động mãnh liệt khi nghe tin bác Võ từ trần” – bầu Đức nói.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Cũng là một người có may mắn gặp Đại tướng trong các buổi trò chuyện với doanh nhân, ông Đỗ Quang Hiển, Tổng giám đốc công ty Cổ phần tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (bầu Hiển) tâm sự: “Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, khi nghe tin bác mất đều cảm thấy hụt hẫng và bất ngờ. Cả thế giới và trong nước đều ngưỡng mộ bác nhưng điều tôi nhớ nhất là những dịp được ngồi nói chuyện với Đại tướng về kinh doanh. Lúc đó, Đại tướng đưa ra những chiến thuật, chiến lược trong chiến tranh vận dụng vào trong kinh doanh rất giỏi”.
Một ví dụ điển hình như triết lý “Lấy ít định nhiều, lấy yếu thắng mạnh” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện thành công trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng có thể ứng dụng được trong kinh doanh.
Sự tài giỏi của người chỉ huy là tạo được thế bí mật bất ngờ để đánh địch. Trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân, ta đã đánh vào nhiều thành phố vào các cơ quan đầu não của ngụy quân Sài Gòn, vào đại sứ quán Mỹ… mà trước đó đối phương không hay biết gì. Trong kinh doanh cũng vậy, sáng tạo, bí mật, bất ngờ luôn tạo ra những “đòn hiểm” khiến đối phương không kịp chống đỡ.
Trong buổi trao đổi với chúng tôi, bầu Hiển cũng bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn của mình đối với một vị tướng tài năng được cả thế giới kính trọng. “Trong tôi, Đại tướng gần gũi như một người ông trong gia đình” – Bầu Hiển nhấn mạnh.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển
Bầu Hiển cũng cho rằng, tấm gương của tướng Giáp sẽ sống mãi trong lòng một dân tộc quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng Việt Nam trăm lần đẹp hơn". “Tất cả chúng ta phải sống, học tập và làm việc theo gương của Đại tướng” như đã từng “sống, chiến đấu, làm việc và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” – đó là lời nhắn nhủ của bầu Hiển trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Có thể nói, sự ra đi của ông Võ Nguyên Giáp - Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến hàng triệu người Việt Nam trào dâng nước mắt. Từ trưa 6/10, hàng ngàn người dân Việt từ khắp các vùng miền Tổ quốc xa xôi đã xếp thành hàng dài trước cổng nhà Đại tướng để được vào phúng viếng, thắp nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của cụ.
Lòng người Mường Phăng (Điện Biên) – nơi gắn với huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như nghẹn đi mỗi khi có ai hỏi thăm về công lao của tướng Giáp. Cụ già 100 tuổi tên Lù Thị Đôi - “nhân chứng sống” duy nhất ở nơi căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa khi nghe tin đại tướng qua đời đã khóc rất nhiều. Và bây giờ, cứ mỗi lần xem lại bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2004, cụ lại khóc!
Hãng thông tấn Prensa Latina, Đài truyền hình Cuba và nhiều hãng tin lớn của thế giới đều đăng bài tiếc thương "người bạn lớn", Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.”
Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013.
Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.
Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức ngày 13/10 tại quê nhà Quảng Bình.
Trong 2 ngày tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 12 và ngày 13/10/2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí".
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
1) Đêm đầu tiên sau tin dữ Đại tướng từ trần;
2) Đại tướng ra đi thanh thản; Bác sĩ kể về phút cuối đời Đại tướng;
3) Thông báo Quốc tang, Ban tang lễ Đại tướng; Lịch trình tang lễ;
4) Hình ảnh nơi an nghỉ đẹp như cổ tích của Đại tướng ở quê nhà Quảng Bình;
5) Mọi thông tin về nơi an táng Đại tướng;
6) Thế giới nghiêng mình trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp;
7) Chỉ có ở Soha.vn
(Danh sách này liên tục được cập nhật khi có thông tin mới)