Thị trường bất động sản năm 2013 đã rất bết bát, vậy theo ông, bước sang năm 2014 thị trường liệu có khá hơn?
Theo tôi, thị trường bất động sản năm 2014 sẽ rất khó khăn và khốc liệt. Sẽ có sự đào thải lớn trong ngành bất động sản. Doanh nghiệp nào bán được nhà may ra sẽ có cơ hội sống sót, còn nếu không sẽ chết.
Và tất nhiên, phân khúc cao cấp sẽ diễn ra đổ vỡ nhanh và mạnh, ngay trong năm nay chúng ta đã có thể thấy được sự đổ vỡ ở phân khúc này. Lối thoát cho phân khúc này không còn cách nào khác ngoài việc phải chuyển thành căn hộ nhỏ nhưng vẫn còn rất khó khăn.
Phân khúc nhà ở trung bình cũng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp muốn đứng vững sẽ chấp nhận bán hòa vốn, hoặc có thể bán lỗ vốn để thu hồi lại tiền, thoát khỏi sự khó khăn của bất động sản. Các doanh nghiệp cùng bán hòa hoặc lỗ sẽ tạo ra sự cạnh tranh với nhau và sẽ chẳng dễ dàng gì.
Phân khúc nhà ở phù hợp với người có thu nhập dưới hoặc bằng 15 triệu đồng/tháng có cơ may tồn tại. Nhưng cần phải nói là sản phẩm như thế hiện nay có rất ít hoặc không có do vướng mắc về thủ tục. Đáng lẽ chỉ cần một mình Sở Xây dựng TP.HCM xét duyệt là được rồi, đằng này phải qua quá nhiều ban ngành, làm kéo dài thời cấp phép. Và đợi đến khi được cấp phép thì doanh nghiệp cũng chết bất đắc kỳ tử rồi.
Đấy là đối với các doanh nghiệp bất động sản, còn với nhu cầu của người dân trong năm 2014 sẽ thế nào, thưa ông?
Nhu cầu của người dân sẽ không có gì là đột biến so với năm 2013. Nguyên nhân thì như tôi đã từng nói, người dân đang mất niềm tin vào doanh nghiệp, vào nền kinh tế. Họ sẽ không dám mạo hiểm bỏ tiền ra mua nhà mà chỉ bỏ 2,5 - 3 triệu đồng để thuê nhà.
Đấy là chưa kể vật giá ngày càng tăng liên tục. Giá xăng dầu tăng, giá gas tăng, thực phẩm, đồ dùng đều tăng vọt, trong khi đồng lương của người dân lại eo hẹp, lại không tăng.
Vậy thì người không có tiền thì lấy đâu tiền mà mua? Người có một ít tiền cũng chẳng dám vay thêm tiền ngân hàng để mua nhà, vì giá cả leo thang thì liệu có đủ tiền vừa trả gốc, vừa trả lãi, vừa chi phí sinh hoạt. Người có nhiều tiền lại càng không mạo hiểm đầu tư vào lúc này mà họ sẽ đợi đến khi kinh tế ổn định trở lại mới dám bỏ tiền ra mua.
Cho nên theo tôi, nhu cầu của người dân năm 2014 sẽ không tăng.
Một liệu pháp may ra cứu vãn được thị trường bất động sản trong năm tới là ngành xây dựng nên rút ngắn thời gian xét duyệt chuyển đổi căn hộ. Càng kéo dài thì doanh nghiệp càng chết.
Vậy theo ông, cơ quan quản lý nên làm gì để ít nhiều tháo gỡ được khó khăn cho thị trường bất động sản 2014?
Hiện nay, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ, hoặc xin cấp phép xây dựng các căn hộ nhỏ là cực kỳ khó khăn, phải mất ít nhất từ 5-6 tháng. Cộng thêm 5-6 tháng nữa để xây dựng thì mất ít nhất là gần 1 năm mới có sản phẩm bán ra thị trường. Một năm là quá dài và trong thời gian chờ đợi, nhiều doanh nghiệp đã chết rồi.
Bên cạnh đó, việc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng còn nhiều vướng mắc, còn rất chậm mà ngân hàng thì đổ lỗi cho ngành xây dựng, còn xây dựng lại đổ lỗi cho ngân hàng. Hai bên đổ lỗi cho nhau thì làm sao có sản phẩm để bán được.
Cho nên, việc cần thiết lúc này là ngành xây dựng phải rút ngắn thời gian xét duyệt, phải cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Phải kiên quyết làm với quyết tâm lớn thì may ra thị trường bất động sản năm 2014 còn có khả năng phục hồi.
Xin cảm ơn ông!