Ông Nguyễn Văn Tạo ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, khoảng 2 hôm trước ông nhờ một người quen mua hộp bánh trung thu 4 chiếc ở Xuân Đỉnh, nhưng khi giở ra thì 1 bánh đã bị mốc xanh. Ngoài vỏ hộp có chiếc bánh bị mốc không hề có nhãn mác, không có hạn sử dụng và cũng không ghi tên nhà sản xuất. Duy nhất trên chiếc túi bóng đựng bên ngoài ghi cơ sở sản xuất Sinh Hùng, địa chỉ ở Xuân Đỉnh.
Đại diện cơ sở sản xuất bánh trung thu Sinh Hùng là bà Đỗ Thị Nhuần thừa nhận chiếc bánh mốc là của cơ sở bà sản xuất. Bà này giải thích, hạn sử dụng của sản phẩm cơ sở này làm ra chỉ khoảng 10 ngày do không dùng chất bảo quản. Chuyện không dán tem nhãn được bà lý giải là mấy ngày đầu sản xuất, cơ sở thiếu tem mà chưa kịp in. "Đây đúng là một sơ suất của chúng tôi, hiện chúng tôi đã khắc phục được điều này", bà Nhuần nói.
Bà Đỗ Thị Hương Chà - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu vụ xã đã có kế hoạch tổng thể về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản xuất, tiêu thụ bánh trung thu như: Tổ chức tập huấn về ATTP, tuyên truyền và có giấy chứng nhận cho công nhân của các cơ sở sản xuất...
Theo bà, Sinh Hùng là cơ sở sản xuất bánh truyền thống có tên tuổi, nhưng ông chủ mới mất, người mới tiếp quản có thể có sơ suất. Cũng theo bà Chà, hiện trên địa bàn xã Xuân Đỉnh có 30 cơ sở sản xuất bánh trung thu. Năm 2012, khi đi kiểm tra, các cơ sở thường vi phạm các lỗi như công nhân không dùng găng tay, không có quần áo bảo hộ trong quá trình sản xuất bánh...
3 bộ quản lý 1 chiếc bánh trung thu: vẫn mốc!
Theo Luật ATTP, một chiếc bánh trung thu sẽ do 3 bộ quản lý. Nguyên liệu làm bánh do bộ NNPTNT phụ trách; bao bì, giá cả do bộ Công thương “quản”, điều kiện an toàn thực phẩm bộ Y tế “nắm”.
Vì thế, vào mùa bánh trung thu thì cả 3 bộ đều vào cuộc. Chỉ riêng Hà Nội đã có 6 đoàn kiểm tra cấp thành phố, 2 đoàn do sở Y tế chủ trì, 2 đoàn do sở NNPTNT chủ trì, 2 đoàn do sở Công thương chủ trì. Tương tự, cấp huyện, xã cũng thành lập các đoàn như vậy. Ngoài ra còn có thanh kiểm tra đột xuất.
Các doanh nghiệp cũng thừa nhận, thường xuyên bị kiểm tra đột xuất. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó tổng giám đốc công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, 1 tháng trước, công ty đã tiếp 2 đoàn của sở Công Thương và chi cục Đo lường - Chất lượng thành phố đến kiểm tra về trọng lượng, chất lượng, giá cả của bánh trung thu.
Ngày 28/8, công ty đón đoàn của Đội quản lý thị trường số 17 Hà Nội thì ngày 29/8, lại đón đoàn liên ngành thành phố xuống kiểm tra. Như thường lệ, trong thời gian tới, khả năng sẽ còn có đoàn kiểm tra ATTP của huyện Quốc Oai, Thạch Thất (do công ty ở Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai) xuống kiểm tra.
Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà (đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) vào mùa bánh trung thu, chỉ trong vòng 1 tháng đã đón 5 đoàn kiểm tra, bao gồm: Quản lý thị trường, thanh tra Sở Y tế và đoàn liên ngành của UBND quận, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP thành phố
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ riêng bánh trung thu, năm 2012, cả nước có 9.157 đoàn kiểm tra. Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng cục ATTP nhận định: “Thực tế số đoàn thanh tra, kiểm tra cao hơn nhiều do một số tỉnh không báo cáo đầy đủ về số lượng đoàn thanh tra ở từng cấp hoặc một số địa phương không báo cáo về số lượng đoàn thanh tra”. Ngoài ra, các bộ khác cũng có những đoàn kiểm tra riêng mà Bộ Y tế không thể biết.
Năm 2012, 9.157 đoàn kiểm tra đã phát hiện hơn 26.500 cơ sở vi phạm ATTP nhưng số cơ sở bị xử lý chỉ chiếm 4,9%, có tới 76,23% chỉ nhắc nhở, xuê xoa, tập trung chủ yếu ở tuyến xã và huyện. Đó có thể là lý do chất lượng bánh trung thu mất ATTP “đến hẹn lại lên” vẫn tràn ngập thị trường.