Bánh trung thu “1 vốn 40 lời”, công ty sản xuất nói gì?

“Nếu làm thực sự nghiêm túc mà đạt mức lợi nhuận trong mơ như vậy thì số lượng doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu sẽ phải cao gấp nhiều lần hiện tại” – đại diện Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết.

Đó là khẳng định của bà Lê Phương Ngọc – đại diện công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội về “lời đồn” lợi nhuận “siêu khủng” của bánh trung thu.

Theo bà Ngọc, lấy ví dụ của công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, là một doanh nghiệp 51% nhà nước thì việc làm thế nào để sau khi hoàn tất mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động, mà có lợi nhuận đã là thành công.

"Để giữ được uy tín lâu năm, mỗi một khâu sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, thành phẩm, đến đóng gói đều phải đặt dưới sự giám sát của bộ phận KCS nội bộ, các cơ quan kiểm nghiệm, kiểm tra, đánh giá VSATTP,...

Tất cả các bước phải tuân thủ theo đúng quy trình quản lý chất lượng.

Thêm vào đó, nguyên liệu đầu vào chỉ là một phần trong cấu thành của một chiếc bánh, còn rất nhiều chi phí khác như nghiên cứu sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất hàng năm, đào tạo nâng cao, hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng cáo truyền thông ,vận chuyển, phân phối…

Nếu thực sự có mức lợi nhuận “trong mơ” như vậy thì số lượng doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu sẽ phải cao gấp nhiều lần hiện tại" - bà Ngọc cho hay.

Thị trường khó lường

Đánh giá về thị trường bánh trung thu năm nay, đại diện công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, để đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu của thị trường, cũng như thỏa mãn mong muốn được thưởng thức những chiếc bánh tươi, ngon nhất, chiến dịch Trung thu của Công ty được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một diễn ra từ cuối tháng 6 đến trước 30/7 âm lịch và giai đoạn cao điểm là từ 1/8 đến 15/8 âm lịch (tức tới rằm trung thu).

Năm nay, Bánh mứt kẹo Hà Nội đặt kế hoạch tiêu thụ trên 3 triệu chiếc. Tính tới thời điểm hiện tại thì doanh số bán hàng đã vượt 15 % so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để đánh giá thị trường sẽ tích cực hơn năm 2014. Bà Ngọc cho biết:

“Thời gian gần đây, người dùng thường hay có thói quen mua bánh sớm để biếu tặng và đặc biệt là để cúng rằm tháng 7, vì vậy con số 15% chỉ là tín hiệu ban đầu, chưa nói lên được điều gì.

Bánh trung thu là mặt hàng tiêu dùng nhanh, mang nặng tính thời vụ nên rất khó dự đoán”.

Chung quan điểm, bà Ngô Thị Tính – Giám đốc công ty Bánh mứt kẹo Bảo Minh cũng cho biết thị trường bánh trung thu vài năm trở lại đây diễn biến khó lường.

Tuy nhiên nhìn chung là bán kém hơn ngày trước do cạnh tranh nhiều.

Cũng phân khúc bánh truyền thống phục vụ khách hàng yêu thích hương vị bánh Hà Nội xưa, công ty Bảo Minh không lựa chọn cách “phủ sóng” rộng rãi tốn nhiều chi phí mà lựa chọn các siêu thị, đại lý phân phối quen thuộc để cạnh tranh trong thị trường ngách nhỏ của mình.

Cấm bán bánh vỉa hè: Không mấy ảnh hưởng

Để đảm bảo năm văn minh đô thị, năm nay Sở GTVT Hà Nội không cấp phép cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh bán bánh trung thu trên vỉa hè.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét không chấp thuận cho việc bố trí các doanh nghiệp được trưng bày và bán bánh trung thu trên vỉa hè để đảm bảo an toàn giao thông cũng như công bằng giữa các doanh nghiệp.

Về lệnh cấm này trên địa bàn Hà Nội, đại điện công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, hai năm trở lại đây, các nhà phân phối của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn khai thác thêm các điểm bán ngoài trời, do đó doanh số của họ cũng bị ảnh hưởng, tuy không nhiều.

Bởi thực tế thì các điểm bán bánh trung thu đem lại doanh số tốt nhất cho công ty lại thường là các điểm bán truyền thống đã được người dân biết đến từ lâu như các cửa hàng ở Bà Triệu, Quán Thánh, Huỳnh Thúc Kháng và hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại