Bán dự án, đại gia bị dồn “đường cùng”

Trước sức ép phải trả nợ, nhiều doanh nghiệp nội không kham nổi đã bị đối tác có tiềm lực tài chính giá để mua rẻ dự án bất động sản.

Thị trường bất động sản giảm sâu đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính bắt đầu săn lùng các dự án giá rẻ. Tại Hội chợ triển lãm bất động sản vừa được tổ chức tại TPHCM, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Bắc đổ dồn để tìm cơ hội mua dự án vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó tổng giám đốc công ty Đất Lành cho biết, thời gian vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản nước ngoài, trong nước tìm kiếm mua dự án tại TPHCM. Những đối tượng mua lại dự án có 3 nhóm đối tượng, nhóm người có tiền mua lại dự án cũ người ta đầu tư lại.

Thứ hai, hệ thống doanh nghiệp là chân rết của ngân hàng, ngân hàng lấy vốn để nuôi các doanh nghiệp này để mua dự án. Thứ ba, doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả đều chung mục tiêu là ép doanh nghiệp bán rẻ.

Về phía người bán, bán dự án tại thời điểm này còn có cơ hội để thể thu lại được một chút vốn. Nếu tiếp tục kéo dài, khả năng doanh nghiệp mất hết vì trả nợ lãi vay. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán tại thời điểm này do không có tiền tiếp tục triển khai, hàng không bán được do đầu tư sai phân khúc.

Doanh nghiệp không bán thì chết dần vì vậy bán lúc này doanh nghiệp có thể thu lại được ít tiền. Ví dụ, dự án trị giá 500 tỷ đồng bây giờ doanh nghiệp chấp nhận bán 100, 200 tỷ đồng. Nếu không bán chỉ cần để một thời gian nữa trả lãi ngân hàng doanh nghiệp mất trắng dự án.

 

Bản thân ông Đực cũng đã từng chứng khiến nhiều doanh nghiệp bạn đã bị mất trắng dự án một cách trớ trêu “Tôi biết có một doanh nghiệp chỉ làm 1 dự án và hiện tại họ đã mất trắng dự án đó. Dự án có diện tích 6 nghìn m2, nếu ngày xưa doanh nghiệp có thể bán 1 m2 bằng 1 cây vàng. Doanh nghiệp này đã vay tiền ngân hàng để triển khai dự án nhưng mà doanh nghiệp đã đi sai phân khúc thị trường. Vì vậy, sản phẩm không bán được bắt đầu ngừng thi công 1-2 năm.

Trong thời gian đó, doanh nghiệp đã kiệt sức vì trả lãi vay ngân hàng buộc lòng phải bán dự án cho 1 công ty A. Công ty A mua lại hết dự án đó và trả tiền bằng số căn hộ cao cấp tại dự án khác. Tuy nhiên, đến bây giờ công ty A này bây giờ trên bờ phá sản. Vì vậy, doanh nghiệp này cũng không thể lấy được số căn hộ cao cấp đó. Như vậy là doanh nghiệp mất trắng dự án”, ông Đực cho biết.

Theo đại diện một số công ty chuyên môi giới bất động sản, hiện nay trên thị trường có một số doanh nghiệp có năng lực tài chính bắt đầu gom dự án. Tuy nhiên, họ thường đứng sau các ngân hàng để ép các doanh nghiệp đang ở bước đường cùng buộc phải bán rẻ. Sản phẩm được nhiều doanh nghiệp quan tâm lúc này đó là những dự án đất nền, đầy đủ thủ tục pháp lý.

Rất nhiều dự án đã bị ép giá thấp chỉ bằng 30-40% so với giá trị thời điểm không những thế các dự án chuyển nhượng phải là dự án sạch, hoàn tất thủ tục pháp lý, đóng xong tiền sử dụng đất theo Nghị định 69 (tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường.

Nhận định về xu hướng bán dự án, ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam, đánh giá thị trường BĐS Việt Nam hiện đang khan hiếm nguồn vốn nên các chủ đầu tư phát triển BĐS hiện buộc tìm kiếm nguồn tiền mới.

Nguồn vốn này đến từ việc bán toàn bộ dự án, tìm kiếm đối tác góp vốn, bán nhà ở số lượng lớn hoặc bán khu thương mại và văn phòng theo sàn. Hiện nhiều chủ đầu tư Việt Nam nắm giữ các quỹ đất lớn có thể bán một phần cho các bên thứ cấp để huy động vốn xây dựng dự án khác.

“Dù đối mặt với nhiều rào cản như khung pháp lý chưa chặt, tính minh bạch thị trường còn thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và chênh lệch trong kỳ vọng giá mua bán nhưng tôi nghĩ các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực BĐS sắp tới sẽ gia tăng” - ông Neil MacGregor cho biết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại