“EVN như con ốc đá, đã bò chậm rồi, lại còn cứ cố thủ trong cái vỏ”
Cách đây mấy ngày, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay: “Không tăng giá điện thì EVN phá sản”. Thông điệp này từng được TGĐ EVN chia sẻ cách đây hơn một tháng. Bà có nhận định gì về vấn đề này?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi có nghe nói về vấn đề này. Tôi chỉ kinh ngạc ở chỗ, Thủ tướng vừa mới chỉ đạo yêu cầu rà soát để giảm giá thành mà lãnh đạo bộ lại có phát ngôn như vậy là không ổn.
Chiều tối ngày 22/1, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN rà soát để giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, nhất là vấn đề giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động.
Thủ tướng yêu cầu ngay trong năm 2015 EVN phải tạo ra được chuyển biến và có con số cụ thể và công bố công khai việc giảm chi phí giá thành sản xuất điện.
Bên lề cuộc gặp báo chí chiều 26/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá điện hiện nay đang dưới giá thành nên việc điều chỉnh giá điện tới đây sẽ là điều khó tránh khỏi.
Theo lời Thứ trưởng Hải, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của EVN bởi giá điện quá thấp. "Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản".
Quản lý nhà nước phải xác định trách nhiệm của mình là đối với nền kinh tế, với người tiêu dùng (NTD).
Yêu cầu giảm giá điện chi phí, giá thành là yêu cầu của chính Thủ tướng. Và khi đưa ra yêu cầu này, chắc chắn Thủ tướng phải có cơ sở.
Tôi nghĩ qua các cuộc kiểm toán và thanh tra hàng năm, Chính phủ đều nắm được EVN còn rất nhiều thứ hoạt động kém hiệu quả.
Vậy tại sao EVN không sắp xếp, sửa chữa những thiếu sót, yếu kém trước khi đưa ra kiến nghị tăng giá?
EVN có thông báo lỗ lên đến gần 17 nghìn tỷ đồng, nếu không tăng giá điện thì không có gì bù vào lỗ đó cả. Có thể Bộ thông cảm cho doanh nghiệp từ góc độ này chăng thưa bà?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: EVN được bao cấp, sử dụng các nguồn lực ưu đãi rất lớn từ nhà nước.
Thậm chí, đơn vị này có năm còn báo cáo lãi nhiều mà lãi là do tăng giá. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là những con số về lỗ, nợ là do quản lý kém?
Năm trước họ từng bị phanh phui khi tính cả chi phí đầu tư xây dựng sân chơi, nhà nghỉ dưỡng…vào giá thành điện bán cho người dân. Cứ tính kiểu đó thì trách gì mà không đầy con số chi phí lỗ để đòi tăng giá điện?
Trong khi bao nhiêu ngành nghề khác như viễn thông, giao thông… mở cửa cạnh tranh thì ngành điện lại cứ dậm chân một chỗ.
EVN như con ốc đá, đã bò chậm rồi, lại còn cứ cố thủ trong cái vỏ độc quyền bấy lâu nay. Rồi giờ lại mang chính cái trì trệ độc quyền chậm chạp đó ra mà dọa dẫm, làm thế coi sao được!
Bộ Công Thương phải xem lại cho nghiêm túc về cách quản lý và trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Bà Phạm Chi Lan
Hãy tạo ra một “Viettel” thứ 2, thứ 3 trong ngành điện
Bà có nghĩ rằng, với sự “đồng thanh tương ứng” của cả Bộ lẫn EVN sẽ tạo áp lực khiến cho Thủ tướng phải cân nhắc lại yêu cầu giảm giá điện chi phí, giá thành đã từng chỉ đạo?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi không nghĩ thế!
Tôi kỳ vọng hơn rằng, nhân những phát ngôn lần này của ngành điện mà các cơ quan quản lý nhà nước xem lại việc đã để cho EVN độc quyền quá lâu trên sân chơi này.
Trước đây, ngay đề án phát triển ngành điện cũng đưa ra việc xóa bỏ độc quyền rồi, nhưng vẫn cố níu giữ nhiều thứ, ngay ở cái lộ trình đến tận năm hai ngàn hai mấy chứ vẫn không phải bây giờ.
Những nhà đầu tư tư nhân họ sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với EVN, nhưng rõ ràng EVN có vẻ chưa vui vẻ không sẵn sàng chia sẻ sự tiếp nhận đó. Ngược lại, để làm ăn được với EVN, tư nhân phải rất vất vả.
Chỉ riêng mảng phát điện hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước như PVN, TKV cũng không chen chân lại với EVN được, nữa là các doanh nghiệp khác.
Nhà nước nên sớm thúc đẩy sớm hơn thị trường điện cạnh tranh ở nhiều mảng hơn nữa, chứ không chỉ mảng phát điện như hiện nay.
Tôi mong họ là Bộ Công Thương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Vấn đề minh bạch giá điện để giám sát quản lý dù đặt ra nhiều năm nay nhưng đến nay người dân vẫn thấy khó hiểu những thông tin này đều rất tù mù, dư luận không hay biết. Theo bà là tại sao?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nhiều nghiên cứu đưa ra rồi, EVN có bộ máy quá cồng kềnh so với sản lượng điện họ tạo ra được cho xã hội; hay việc thất thoát điện năng cũng rất lớn trong quá trình truyền tải điện.
Thế nên việc cắt giảm nhân sự và xem xét lại khâu truyền tải cũng là những việc phải làm để giảm giá thành điện; nhưng đơn vị này không chịu làm mà chỉ nhăm nhăm mỗi một chuyện tăng giá.
Ngay cả chuyện ngành điện kêu gọi tiết kiệm điện cũng rất không đúng. Vì xã hội thì phải luôn được cải thiện hơn, người dân phải được quyền dùng điện để vận hành máy móc thay cho sức người chứ?
Việc sử dụng thiết bị điện trong gia đình là những nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt, sao lại yêu cầu hạn chế? Ngành điện phải đuổi theo nhu cầu sử dụng của xã hội chứ không thể làm ngược lại được.
Theo bà, vì sao ngành viễn thông hay ngành giao thông tạo ra được thị trường cạnh tranh mà ngành điện lại chưa làm được như vậy, mà cứ mãi lùng bùng như hiện tại?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nếu xóa bỏ được thế độc quyền của EVN thì mọi việc sẽ khác ngay.
Trước mắt chưa có cạnh tranh ngay được theo kiểu phân chia khu vực tư nhân, khu vực Nhà nước; nhưng hoàn toàn có thể tạo ra thêm mấy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động trong ngành điện để các DNNN cạnh tranh với nhau.
Nếu VNPT không có thêm Viettel, thì chúng ta mãi mãi có lẽ sẽ trả cước viễn thông với giá trên trời. Và xét về VNPT thì họ sẽ không thể nào ngóc đầu dậy như bây giờ được.
Vậy tại sao không tạo ra một doanh nghiệp tương tự Viettel của ngành điện? Thực ra việc này đâu có khó?
Phải làm được như bên viễn thông, thì cơ may người dân Việt Nam mới có cơ hội được dùng điện giá rẻ.
Xin cám ơn bà!