Không nên bán Sabeco cho nước ngoài
Mới đây, thông tin về việc công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được Thai Beverage - công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đề xuất mua với giá 2 tỷ USD được dư luận khá quan tâm.
Tuy nhiên, với tư cách là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành, bà Trần Thị Ngọc Bích, Tổng Giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng, đại diện Tập đoàn Hương Sen, chủ sở hữu nhãn hàng bia Đại Việt, cho biết: Bà không muốn thương hiệu Sabeco bán cho nước ngoài.
Bà Bích giải thích: Bia Sài Gòn là thương hiệu lớn, Sabeco hoạt động trong ngành nghề hấp dẫn, lại là công ty đầu ngành với trên 40% thị phần tiêu thụ bia toàn quốc. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2014, lượng tiêu thụ bia của Việt Nam lên đến gần 3 tỷ lít, riêng Sabeco đóng góp cho sản xuất 1,09 tỷ lít, tăng 2,8% so với cùng kì năm ngoái. Với hệ thống phân phối qua 23 công ty con và 23 công ty liên doanh liên kết trên tất cả các vùng miền đất nước và các quốc gia trên thế giới, các sản phẩm bia rượu, nước giải khát của Sabeco có lợi thế mạnh về thị phần tiêu thụ.
Trong khi đó, “một đất nước mạnh phải có thương hiệu mạnh… Việc điều hành, quản lý, Bộ Công thương nên giữ gìn, chứ không nên bán cho đối tác nước ngoài, mặc dù có thể thu được một số tiền lớn. Vẫn biết đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nếu cứ thương hiệu nào mạnh mới nhen nhóm lên, lại đem bán đi thì nước ngoài sẽ thâu tóm hết và Việt Nam chẳng biết khi nào mới “lớn” lên được” – bà Bích chia sẻ.
“2 tỷ USD là cái giá khá lớn mà các đối tác trong nước khó có thể mua được. Xét về lợi nhuận trước mắt thì đây là một cái giá tốt, tuy nhiên, xét về lợi ích lâu dài thì Nhà nước cần cân nhắc” – bà Bích lưu ý.
Cũng theo người chủ sở hữu nhãn hàng bia Đại Việt, để tái cấu trúc công ty, Bộ Công thương có thể tính đến phương án bán bớt cổ phần cho một đối tác nội hoặc nếu bán cho nước ngoài thì bán với tỉ lệ nhỏ, tối đa 20 – 30% chứ không nên bán nhiều. “Bởi nếu bán với giá 2 tỷ USD thì tỉ lệ cổ phần chắc tương đối lớn” – bà Bích nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Bích cũng phải thừa nhận: Trên thực tế, việc tìm kiếm một doanh nghiệp nội có đủ tiền, đủ nguồn tài chính để có thể mua cổ phần của Sabeco là khá khó khăn. “Như chúng tôi, mặc dù hiểu được thế mạnh của Sabeco nhưng không có điều kiện để đầu tư” – bà Bích nói.
Nếu thương vụ mua bán giữa tỷ phú Thái Lan và Sabeco thành công, bà Bích cũng bày tỏ sự lo lắng cho viễn cảnh tương lai có thể xảy ra phía trước. Bởi như bà nói: “Khi các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn tài chính mạnh, mua cổ phần tại Sabeco, có thể sau đó, họ không đầu tư mạnh về bia Sài Gòn nữa, mà lại phát triển cả thương hiệu nước ngoài. Và điều quan trọng, phần lợi nhuận thu được phần lớn có thể đưa về nước ngoài, chứ không phải trong nước. Trong khi đó, vấn đề chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang tồn tại. Và như vậy, nước mình sẽ ngày càng yếu đi”.
Do đó, việc hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là cần thiết, tuy nhiên, theo bà Bích, chỉ nên ở một mức độ nào đó để doanh nghiệp trong nước học hỏi, chứ không nên để họ chi phối.
Cần bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán
Đứng trên góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cho rằng: Nguyên tắc của cạnh tranh tự do và hội nhập, “anh nào mạnh, anh đấy thắng”. Việc lo lắng các doanh nghiệp FDI sẽ thâu tóm, chi phối, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội là một tư duy cũ.
Việc tỷ phú người Thái có ý định mua lại cổ phần Sabeco, theo ông Phong, có 2 mặt cả lợi và bất lợi.
“Bất lợi hay có lợi phụ thuộc vào phương thức và các điều kiện bán kèm theo của thương vụ này. Còn xu hướng chung, Nhà nước rút cổ phần tại các lĩnh vực mà tư nhân muốn đầu tư là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu ngân sách” – chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhắc nhở.
Trước đó, theo thông tin công bố tại thời điểm IPO của Sabeco, Bộ Công thương – đại diện vốn nhà nước, hiện đang nắm giữ 89,59% cổ phần của Sabeco, sẽ thoái bớt vốn khỏi Sabeco, chỉ nắm khoảng 51% vốn.
Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất phương án bán tiếp cổ phần của Sabeco trong giai đoạn 2014 - 2015 theo 2 bước. Theo đó, bước 1 sẽ giảm vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco từ mức 89,59% hiện tại xuống còn 65% và ở bước 2, Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 40% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
“Nhà nước rút ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh thuần túy là đúng chỉ đạo của trung ương và cũng là cách mà nhiều nước đã làm. Vấn đề là để khai thác cơ hội, giảm thiệt thòi, thứ nhất, Bộ Công thương cần chú ý giá bán và điều kiện bán, phương thức bán và các vấn đề có liên quan để không bị bán dưới giá. Thứ hai là không bị thiệt hại bởi những tranh chấp sau này có thể xảy ra. Thứ ba là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thương hiệu càng lớn thì càng bán được giá, nhưng cần tránh chuyện “đi đêm” với nhau để dìm giá. Đây là tình trạng thường xảy ra” – ông Phong lưu ý.
Ngoài ra, để tránh tình trạng doanh nghiệp Việt bị nước ngoài thao túng, ông Phong nhấn mạnh: về nguyên tắc, Nhà nước nên xây dựng cơ sở pháp lý để đảm bảo bán cổ phần đúng nghĩa, chống cơ chế độc quyền. Đồng thời nên bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán để đảm bảo tính minh bạch, khách quan.