Một trong những chia sẻ bất ngờ nhất mà Tổng giám đốc Tim Cook của Apple đưa ra trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh quý mới nhất của hãng chính là về ... giá bán iPhone.
Về cơ bản, ông thừa nhận một trong những lý do khiến cho lượng tiêu thụ của iPhone suy giảm là do chính sách định giá của Táo khuyết, theo đó iPhone luôn được bán với giá "cao nhất có thể" để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận cao kỷ lục của hãng.
Đây chính là cốt lõi của mọi vấn đề đối với Apple trong năm nay. Cook cố gắng nâng giá nhưng vẫn thừa nhận rằng người dùng và các nền kinh tế đang ở trong "hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt".
Cụ thể, Trung Quốc, Brazil, Nga, Nhật Bản, Canada, Đông Nam Á, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng EU đều đã bị ảnh hưởng bởi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại.
Tại sự kiện, Apple đã công bố mức lợi nhuận cao chưa từng có trong lịch sử của mình - cũng như của mọi doanh nghiệp khác: 18,4 tỷ USD/quý.
Đó là do giá bán trung bình của iPhone đã tăng từ mức 687 USD lên 691 USD.
Như vậy là Apple vẫn âm thầm tăng giá iPhone dù biết chắc là nhiều người dùng gặp khó khăn trong việc chi trả.
Mọi chuyện càng trở nên bất lợi cho người dùng khi đồng USD đang mạnh lên. Hệ quả là 100 USD chi cho Apple vào năm 2014 chỉ tương đương với 85 USD tại thời điểm hiện tại mà thôi.
Dù vậy, Giám đốc Tài chính Luca Maestri của Apple cũng thừa nhận, giá cao có thể khiến cho sức cầu dành cho các sản phẩm của Apple bị suy yếu, dù đúng là chúng đảm bảo cho tỷ suất lợi nhuận.
Do đó, Apple dự đoán doanh thu quý tới sẽ giảm khoảng 11% so với cùng kỳ.
Với mức giá thường là rẻ hơn iPhone tối thiểu 50 USD, các smartphone cao cấp Android đã giành được nhiều người dùng từ tay đối thủ.
Số liệu từ hãng nghiên cứu Kantar Worldwide cho thấy, Android tăng thị phần ở khắp các thị trường quan trọng, ngoại trừ Trung Quốc, trong quý gần nhất.
Và giờ đây, qua chính lời của hai quan chức quan trọng nhất trong mảng tài chính của Apple, người ta hiểu rằng, chừng nào Apple còn muốn bảo vệ lợi nhuận của mình thì người dùng vẫn còn phải trả một mức giá cắt cổ để sở hữu iPhone.