Ngân hàng ANZ vừa có báo cáo trong đó đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2016.
Nhìn lại năm 2015, ANZ khẳng định Việt Nam rõ ràng là một trong những nền kinh tế có diễn biến tốt vượt trội ở châu Á khi vượt qua được sự suy giảm thương mại đã “nhấn chìm” các nước còn lại trong khu vực.
Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo mặc dù có cán cân thương mại thâm hụt – điều mà thị trường không ngờ tới.
GDP được tính bằng tổng của chi tiêu nội địa (của cá nhân, chính phủ), đầu tư và cán cân thương mại.
Do đó vì cán cân thương mại của Việt Nam âm (tức nhập siêu) làm giảm GDP, chứng tỏ trong năm qua yếu tố chi tiêu đã tăng trưởng mạnh mẽ để giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt.
Trong khi một số chuyên gia phân tích lấy điều này làm cơ sở để hoài nghi về độ bền vững của mức tăng trưởng hiện tại, ANZ lại hài lòng với điều này và đánh giá tăng trưởng vẫn đang ở dưới mức tiềm năng.
ANZ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,9% trong năm 2016, trước khi giảm xuống còn 6,5% trong năm 2017.
Sở dĩ ANZ lạc quan là vì hiện nay Việt Nam đang ngày càng sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng tinh vi phức tạp hơn. Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên trên chuỗi giá trị đối với mặt hàng điện tử.
Đồng thời lạm phát lõi cũng tiếp tục giảm. Bị đè nặng bởi giá thực phẩm và xăng dầu ở mức thấp, lạm phát của Việt Nam được dự báo ở mức 0,6% trong năm 2015 (thực tế số liệu thống kê cho thấy CPI năm qua tăng 0,63% - PV).
Với hơn 60% hàng hóa trong rổ tính CPI được kiểm soát bởi cơ chế bình ổn giá, con số này sẽ ở dưới mức 2% trong năm 2016, trước khi tăng lên mức 2,8% trong năm 2017.
Trong 12 tháng tới, ANZ dự báo các xu hướng sau sẽ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam:
* Tăng trưởng trong công nghiệp và xây dựng tiếp tục dẫn đầu đà phục hồi của nền kinh tế
* Lượng FDI giải ngân cao kỷ lục trong năm 2015 sẽ góp phần duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2016
* Cán cân thương mại vẫn thâm hụt nhẹ
* Vốn ngoại đổ vào thị trường vốn sẽ tăng lên do chính sách dỡ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài
* Nếu cơ chế quản lý tỷ giá mới được triển khai tốt và đảm bảo độ linh hoạt, áp lực lên dự trữ ngoại hối sẽ giảm đáng kể
* Một đồng nội tệ linh hoạt hơn sẽ đóng vai trò là nhân tố tự nhiên giúp ổn định cán cân thanh toán