8 sự kiện hàng không nổi bật nhất 2014

P.V |

Máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích trước khi vào không phận Việt Nam, tranh cãi kéo dài về đường bay vàng, các sự cố liên quan đến an toàn bay, IP Vietnam Airlines, VietJet Air mua gần 100 máy bay... một năm đầy rẫy sự kiện nóng của ngành hàng không.

MH370 "chết" bí ẩn và sự nỗ lực của Việt Nam

Gần 1 năm đã trôi qua, kể từ ngày 8/3, thông tin về số phận của chiếc MH370 vẫn là số 0 tròn trĩnh, ngoại trừ hai chữ: Mất tích. Cả thế giới, nhất là Malaysia, giờ chưa hết choáng váng, đau buồn.

Chiếc Boeing 200 của Malaysia Airlines mất tích trước khi máy bay tiến vào vùng FIR (vùng thông báo bay) của TP.HCM, trong hành trình từ Kuala Lumpur (Maylaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).

Sau khi biết tin, Việt Nam đã huy động lượng tìm kiếm với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với phương tiện hiện đại nhất, gồm 11 máy bay, 7 tàu cùng lực lượng trên bộ như quân khu 5, 7, 9, lực lượng biên phòng, nhân dân địa phương, tàu đánh cá, tìm kiếm 24/24, cả trên biển và trên bộ.

Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam trong một cuộc họp báo về việc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 tại sân bay Phú Quốc.
Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam trong một cuộc họp báo về việc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 tại sân bay Phú Quốc.

Tuy nhiên, đến ngày 15/3, chúng ta đã phải rút khỏi hành trình tìm kiếm sau một tuần nỗ lực nhưng không có thêm manh mối gì.

Sự hỗ trợ hết mình từ phía Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích được nước bạn và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tranh cãi kéo dài về "đường bay vàng"

"Đường bay vàng" là đường bay thẳng nối liền hai đầu Hà Nội, TP.HCM bay vòng qua không phận Lào và Campuchia, tránh phải bay vòng như hiện nay.

Được đề xuất từ năm 2012, nhưng khi đó, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, tính toán về đường bay này chưa đủ cơ sở khoa học.

Đến giữa tháng 7 năm nay, theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đường bay thẳng được tiếp tục nghiên cứu.

Kết quả bay thử nghiệm với dòng máy bay A321 cho thấy, so với thực tế, đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua Lào, Campuchia, bay ở điều kiện thuận lợi, tiết kiệm được 5 phút, 86km và 190kg dầu.

Phương án thử nghiệm đường bay vàng của Cục Hàng không Việt Nam.
Phương án thử nghiệm đường bay vàng của Cục Hàng không Việt Nam.

Đến nay, công tác nghiên cứu về đường bay thẳng đã hoàn tất. Ngày 25/6/2015 tới, đường bay thẳng sẽ chính thức được thiết lập.

Chuyện "đường bay vàng" cũng gây tranh cãi giữa người đề xuất ý tưởng, TS. Trần Đình Bá - và tác giả của nó, cựu phi công Mai Trọng Tuấn.

Nhiều sự cố hàng không nghiêm trọng

Cục Hàng không Việt Nam vừa tổng kết cho biết, trong năm 2014, tổng số sự cố liên quan đến an toàn hàng không tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 và 2,5 lần so với năm trước nữa.

Sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam (ảnh Thanh Niên).
Sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam (ảnh Thanh Niên).

Trong đó, có nhiều sự cố được đánh giá ở mức độ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn bay.

Điển hình là các vụ việc hy hữu, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam như hạ cánh nhầm sân bay, mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất,...

Chưa kể các vụ việc khác như rơi ốp bảo vệ quạt, rơi lốp máy bay ATR72 tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), mất liên lạc với không lưu, máy bay suýt va chạm nhau trên không...

Nguyên nhân chính gây ra các sự cố uy hiếp an toàn bay, theo Cục Hàng không Việt Nam, phần lớn là do con người, cụ thể là của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu,...

Sân bay Việt Nam bị chê

Hồi tháng 10, một trang tin về du lịch đưa Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách bình chọn 10 sân bay có chất lượng tồi tệ nhất châu Á. Lý do: sân bay nóng, lộn xộn và không sạch sẽ, hệ thống biển chỉ dẫn nghèo nàn...

Cảnh hành khách nằm ngủ la liệt tại sân bay Nội Bài do chậm, hủy chuyến bay (ảnh Songmoi).
Cảnh hành khách nằm ngủ la liệt tại sân bay Nội Bài do chậm, hủy chuyến bay (ảnh Songmoi).

Tuy bảng xếp hạng là của một cá nhân, nhưng lại đánh giá khá đúng về thực trạng các sân bay tại Việt Nam gần đây.

Đó là nạn mì "chém", phở "chặt", với cái giá "cắt cổ" hành khách khi buộc mua ở sân bay.

Đó là cảnh nhếch nhác, mà chính người đứng đầu ngành GTVT phải kêu rằng, ông nhận được tin nhắn phàn nàn về hệ thống vệ sinh thiếu giấy, thiếu nước, cảnh bã kẹo cao su dính đầy sàn,...

Đó là cảnh hành khách la liệt nằm ngồi ở sân bay... do tỷ lệ chậm hủy chuyến tăng mạnh.

Hàng loạt giải pháp sau đó được gấp rút đưa ra để cải thiện chất lượng phục vụ tại sân bay, như kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nạn chặt chém tại sân bay; công khai số liệu về chậm hủy chuyến, nhân viên sân bay "4 xin, 4 luôn"...

IPO Vietnam Airlines thành công

Sự kiện nóng khác được công chúng và nhà đầu tư quan tâm là việc Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ngày 14/11 lần lần đầu tổ chức đấu giá ra công chúng (IPO) hơn 49 triệu cổ phần (3,48% vốn).

Kết quả, 100% lượng cổ phần chào bán được mua hết, trong đó đã có hai nhà đầu tư đặt mua gần hơn 48,3 triệu cổ phần là ngân hàng Vietcombank và Techcombank.

Cảnh hành khách nằm ngủ la liệt tại sân bay Nội Bài do chậm, hủy chuyến bay (ảnh Songmoi)
Cảnh hành khách nằm ngủ la liệt tại sân bay Nội Bài do chậm, hủy chuyến bay (ảnh Songmoi)

Với mức giá bình quân một cổ phần là 22,307 đồng/cp, Vietnam Airlines thu về hơn 1,093 tỷ đồng.

Sự thành công của phiên đấu giá cũng đồng nghĩa với việc hãng hàng không "anh cả" tại Việt Nam đã căn bản hoàn tất chương trình CPH sau gần hai năm triển khai.

VietJet Air đặt mua một lúc cả trăm máy bay

Ngoài sự phát triển bứt phá, hàng không tư nhân VietJetAir năm qua cũng gây sốc khi tháng 9/2014 ký thỏa thuận nguyên tắc đặt hàng mua 92 máy bay các loại của Airbus, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và thuê thêm 8 chiếc.

Tổng giá trị giao dịch khoảng 9,1 tỷ USD.

VietJet Air cũng có kế hoạch IPO trong năm 2015.
VietJet Air cũng có kế hoạch IPO trong năm 2015.

Lô hàng đầu tiên trong đơn đặt hàng này VietJet Air sẽ nhận trong năm tới. Trong thời gian 8 năm, từ nay đến 2022, mỗi năm hãng sẽ nhận từ 5 đến 10 chiếc, nhằm mục tiêu phát triển đội bay mới, hiện đại.

Sân bay Long Thành lỡ nhịp

Đón đầu xu hướng phát triển của hàng không, đặc biệt là sự quá tải của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án sân bay Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích lên đến 5.000ha.

Tổng số tiền để xây dựng sân bay cho giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, khi hoàn thành sẽ đạt công suất 25 triệu hành khách vào năm 2025. Công suất phục vụ hành khách tại sân bay sẽ nâng lên gấp đôi vào giai đoạn 2, vào 10 năm sau đó.

Thậm chí, sân bay Long Thành còn đạt công suất tối đa 80-100 triệu khách khi hoàn tất. Khi đó, nó ngốn tới 18 tỷ USD kinh phí.

Còn nhiều tranh cãi về sự án sân bay Long Thành.
Còn nhiều tranh cãi về sự án sân bay Long Thành.

Được Chính phủ trình xin ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa rồi, với nhiều tranh cãi, dự án sân bay Long Thành vẫn chưa thông qua.

Sự cần thiết về việc xây dựng một sân bay quốc tế lớn vào thời điểm này và nguồn vốn khủng ở đâu là hai lý do chính khiến dự sân bay Long Thành bị xem xét, cân nhắc kỹ hơn.

Mở cửa nhà ga T2 hiện đại nhất Việt Nam

Từ 4h sáng 31/12, tất cả các chuyến bay quốc tế đi, đến sân bay Nội Bài chính thức chuyển sang khai thác tại nhà ga mới T2.

Sau đúng 3 năm thi công, công trình đã hoàn thành, đưa vào vận hành đúng tiến độ, với công suất khai thác lên tới 10-15 triệu hành khách. Đây là nhà ga sân bay hiện đại nhất Việt Nam.

Hình ảnh nhà ga mới T2 Nội Bài (ảnh Zing)
Hình ảnh nhà ga mới T2 Nội Bài (ảnh Zing)

Nhà ga T2 được khởi công xây dựng ngày 4/12/2011, có tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD, tương đương hơn 18.000 tỷ đồng (khoảng 2/3 vay vốn ODA của Nhật).

Gần 100 quầy check-in, bãi đỗ xe rộng tới 40.000m2, hệ thống tra nạp nhiên liệu hiện đại... là những điểm khác biệt ở nhà ga mới này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại