Nhiều người nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể là một triệu phú. Song thực tế là mốc 1 triệu USD không phải quá xa vời trong giai đoạn hiện nay. Đó là bởi vì để sống thư thả lúc tuổi già qua tuổi 80, nhiều người cần ít nhất 1 triệu USD.
David Fernandez, chuyên gia thuộc công ty Wealth Engineering tại Arizona (Mỹ) đã phỏng vấn hơn 100 triệu phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau, với những cách kiếm 1 triệu USD đầu tiên không giống nhau từ kinh doanh đến đầu tư chứng khoán hay bất động sản, và thậm chí chỉ là những người sống tiết kiệm.
Trước khi có thể dành ra 1 khoản 1 triệu USD, bạn hãy khám phá 6 bí mật lớn nhất về triệu phú dưới đây.
1. Triệu phú là những người tài giỏi?
Người ta thường có xu hướng cho rằng, triệu phú phải là những người tài giỏi hơn. Nhưng điều đó chưa hẳn đúng, triệu phú cũng chỉ là những người bình thường nhưng có mục tiêu cao hơn. Họ có thể viết sai chính tả, thậm chí có thể thất học, nợ nần. Họ có thể có những ý tưởng bất thành hay kinh doanh thất bại. Phần lớn triệu phú theo khảo sát của Fernandez, là những người từ từ đi lên và có những lúc sa sẩy.
Thay vì tri thức trong sách vở, cái mà hầu hết triệu phú đều có đó là sở trường đặt mục tiêu cho chính mình và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Họ cũng phải đối mặt với những chi tiêu không đáng có, như hỏng hóc xe hơi, chi phí bảo hiểm y tế tăng, … Họ không ngừng tiến về phía trước bất chấp những trở ngại mà họ phải vượt qua.
2. Triệu phú là những người may mắn hơn?
Liệu triệu phú có phải là những người may mắn nhất? Họ trúng xổ số, gặp thuận lợi khi bắt đầu kinh doanh, hay tìm kiếm được một công việc mơ ước với mức lương trên trời. Không phải vậy. May mắn không phải là yếu tố duy nhất để đạt được thành công.
Một người thành công thực sự sẽ tự tạo ra may mắn cho chính mình. Quan trọng hơn, mục tiêu 1 triệu USD sẽ thành vô nghĩa nếu không tìm cách biến nó thành hiện thực.
Bobby Casey, nhà sáng lập công ty bảo toàn tài sản Global Wealth, đã kể câu chuyện khởi nghiệp của mình bằng sản xuất xe đạp cho các cửa hàng bán lẻ như Wal-Mart. Với công ty này, ông có thể kiếm về hơn 6 triệu USD. Ông kể: “Tôi đã tới ít nhất 60 cửa hàng trước khi tìm thấy một cửa hàng nói: “Được rồi, tôi sẽ thuê anh. Anh muốn bao nhiêu?”.
Lúc đó, Casey chẳng có một xu nào, thẻ tín dụng thậm chí thấu chi. “Tôi đã lái xe lòng vòng vài tuần và đến đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời “Không”, Casey nói. Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Casey từ bỏ trước khi đến cửa hàng thứ 60, Casey nói: “Tôi sẽ chưa dừng lại nếu chưa tới đủ 300 cửa hàng”.
Casey sẽ nói rằng, chính sự cần cù, nỗ lực chứ không phải may mắn giúp ông đạt đến ngưỡng 1 triệu USD. Sau khi được cửa hàng tiếp nhận, ông làm mỗi ca 12 giờ đồng hồ liên tiếp, và thỉnh thoảng làm mấy ca liền cho các cửa hàng khác nhau để lắp hàng nghìn chiếc xe đạp vào dịp Giáng sinh mà không có thời gian ngủ nghỉ. Đến năm 2008, sau 12 năm, ông bán công ty lắp ráp của mình.
3. Triệu phú sống phung phí?
Khi nghĩ đến triệu phú, bạn có thể tưởng tượng ra hình ảnh của những người sống trong các biệt thự hạng sang, lái những chiếc xe thể thao đắt tiền. Song có phải vậy không? Triệu phú phú có thể chỉ đi những chiếc Honda, Volvo. Đa phần họ sống tiết kiệm, căn cơ (57% người tham gia khảo sát ).
Triệu phú thường rèn thói quen tiết kiệm và đưa ra những lựa chọn sáng suốt. Họ thường chỉ chi tiêu những thứ cấn thiết và một số thứ đặc biệt quan trọng với họ. Liên hệ đến tỷ phú đầu tư Warren Buffett, dù có hàng tỷ USD nhưng ông vẫn chỉ sống trong căn hộ ở Omaha mà ông mua năm 1958, với giá 31.500 USD.
4. Thành triệu phú do được kế thừa tài sản?
Tuy nhiên, đây không phải là điều phổ biến. Theo khảo sát gần đây, Fidelity Investments chỉ ra, 86% triệu phú là tự thân. Trong số hơn 100 triệu phú tham gia khảo sát của Fernandez, chỉ 26% người nói rằng, trước kia họ thậm chí có quan hệ với những người quan trọng.
Lấy nhà hùng biện Dani Johnson làm ví dụ. Bà là tác giả của 2 trong những cuốn sách bán chạy nhất, đó là "First Steps to Wealth” và “Grooming the Next Generation for Success”, bà bắt đầu sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Sống nhờ vào trợ cấp, và sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi ở tuổi 21, bà lâm vào cảnh nợ nần và vô gia cư. Nhưng bà đã không ngừng nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà được giới thiệu vào làm tại một công ty marketing và bà chắc chắn nó có thể giúp thay đổi cuộc sống của mình. Sau khi tham dự một buổi hội thảo mà tại đó 4 triệu phú nói về quá trình họ xây dựng sự nghiệp thông qua công việc kinh doanh như thế nào, bà Johnson cho rằng, kinh nghiệm này đáng để bà thử thách. “Cuộc đời tôi phụ thuộc vào thời điểm đó, khi mà tôi chẳng có gì ngoài sự thất bại và tôi chẳng bao giờ làm được cái gì đúng đắn. Tôi chỉ ngồi đó và nghĩ về chính mình. Nếu là người kém cỏi nhất trong buổi hội thảo và phải mất 20 năm để hiểu và học theo những gì họ làm, và thu nhập có thua kém họ tới 90%, thì tự kinh doanh vẫn tốt hơn là đeo bám công việc ở cửa hàng mà tôi đã làm”.
Đối với bà Johnson, chìa khóa thành công không phải là sinh ra đã ở trong một núi tiền, mà là phải tự cho mình một cơ hội. Bà đã bắt đầu con đường kinh doanh của mình, trong 4 ngày đầu bán sản phẩm với số vốn 4.000 USD bà đã thu về khoản lời 2.000 USD. Tháng sau đó, trong khi vẫn làm thêm ngoài với công việc của một nhân viên pha chế cocktail, bà kiếm được 6.500 USD, và kể từ đó thu nhập của bà tăng dần. Hiện bà là một diễn giả nổi tiếng chia sẻ với người khác cách tạo lập thành công.
5. Triệu phú không sợ hãi?
Mặc dù dường như cách duy nhất để trở thành một triệu phú đó là dám đương đầu, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng sự sợ hãi ở 1 triệu phú cũng là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí đối với cả những người cực kỳ thành công. 57% triệu phú tham gia khảo sát nói rằng, trước khi khởi đầu sự nghiệp họ đều lo sợ thất bại hay có thể khiến gia đình, người thân thất vọng hoặc lo sẽ mất tất cả.
Anita Crook, nhà sáng lập một tổ chức gây quỹ có tên Pouchee, cho biết bà lập công ty mà không có một chút kinh nghiệm kinh doanh nào. “Bất cứ ai biết tôi thì cũng đều biết tôi không phải là típ người cho kinh doanh. Đến chết tôi cũng sợ đứng ở chính cửa hàng đầu tiên của mình và bán hàng, đặc biệt là để bán những thứ do chính tôi làm ra”, Crook nói. Tuy nhiên, Crook biết cô phải thử và đó là cách duy nhất để bán sản phẩm của mình. Cho đến khi cô nhận được sự tán thành của một số cửa hàng khác, lúc đó cô mới thực sự tự tin để tiếp tục con đường kinh doanh.
Thành công đòi hỏi đi kèm một số rủi ro, tuy nhiên những triệu phú khôn ngoan không muốn đánh cược thứ chưa chắc chắn. Triệu phú học cách để tìm kiếm cơ hội, phân tích rủi ro. Họ thậm chí sẽ làm trước những phép thử nhỏ xem liệu một ý tưởng nào đó có hiệu quả hay không rồi mới áp dụng. Họ muốn biết càng nhiều thông tin từ trước càng tốt để tránh đầu tư thất bại.
Hầu hết triệu phú đều tìm thấy sự trung dung giữa lạc quan và bi quan. Họ đánh giá cơ hội 1 cách thực tế. Họ đoán biết tiềm năng của một khoản đầu tư nào đó nhưng cũng làm việc không mệt mỏi để học và đoán trước, để chắc chắn khoản đầu tư của họ có thể hoàn vốn, sinh lời.
6. Thành triệu phú nhờ được trả lương cao?
Nhiều triệu phú kiếm tiền bằng cách tự lập ra công ty hoặc tìm được 1 công việc cho thu nhập cao. Tuy nhiên đó không phải là cách duy nhất để kiếm 1 triệu USD. Trong cuốn “Millionaire Teacher,” ông Andrew Hallam giải thích tại sao ông – một giáo viên có để ra hơn 1 triệu USD trước khi về hưu – điều khiến không ít đồng nghiệp của ông phải ghen tị.
Giống ông Hallam, không chỉ đầu tư chứng khoán, nhiều triệu phú khác cũng tăng thu nhập bằng cách kiếm nghề tay trái hay tăng thu nhập gián tiếp. Ví dụ, đầu tư bất động sản có thể cho phép một người làm công ăn lương tầm trung kiếm thêm khoản thu nhập từ việc cho thuê. Triệu phú không nhất thiết phải có công việc cho thu nhập triệu đô mới có thể đạt được mốc 1 triệu USD, hojchir cần sáng tạo và tập trung vào mục tiêu.